Viết tiếp trang sử vàng (Tiếp theo và hết)
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:19, 08/05/2014
Ông khái quát thế này: Sau hòa bình lập lại (năm 1954), Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp độc canh, tự cấp, tự túc, du canh, du cư, nên trong thời gian dài, đói nghèo đã đè nặng lên cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Trước thực tế đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã quyết tâm lãnh đạo nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế Điện Biên đã phát triển và đạt được những kết quả quan trọng. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2013 của tỉnh đạt 9,64% (năm 2011 tăng 10,09%; năm 2012 tăng 9,12%; năm 2013 tăng 8,55%). GDP bình quân đầu người tăng qua các năm (năm 2011 đạt 694,4 USD; năm 2012 đạt 812,4 USD; năm 2013 đạt 918,3 USD). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Đến nay, 125/130 xã đã có đường ô tô đến được trung tâm và có điện lưới quốc gia... Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Một trong những thành tựu lớn và đáng biểu dương nhất của Điện Biên là sản xuất nông nghiệp. Gạo Điện Biên làm ra không những đủ ăn mà còn thừa để xuất khẩu sang nước bạn và xuôi về các tỉnh vùng đồng bằng. Cánh đồng Mường Thanh (huyện Điện Biên) với diện tích gần 5.000ha được ví như "Đồng Tháp Mười" của tỉnh Điện Biên. Tại đây, đã từ lâu giống lúa IR64 trở thành đặc sản, tạo thương hiệu nức tiếng "gạo Điện Biên".
Cũng cần nói thêm, sau giải phóng, 100% nhân dân các dân tộc Điện Biên không biết chữ quốc ngữ. Sau nhiều năm tháng bền bỉ, đến nay tỉnh đã được Nhà nước công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ; toàn tỉnh có 123/130 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 70/130 xã, phường đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; cả tỉnh có 159 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% số xã, phường có trạm y tế... Thật khó kể hết những thành tựu quan trọng mà Điện Biên đã đạt được trong 6 thập niên qua, nhưng trước nhất phải khẳng định đó là sức mạnh đoàn kết giữa nhân dân các dân tộc trên địa bàn ngày càng khăng khít. Chính sự đồng thuận này là nhân tố giúp Điện Biên viết tiếp bản anh hùng ca của 60 năm về trước.
4. Trụ sở của Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên những ngày này vui lắm. Ông Tao Văn Khấn, Chủ tịch Hội phải túc trực cả ngày lẫn đêm ở trụ sở để đón các đoàn khách về thăm Điện Biên, thăm lại chiến trường xưa. Đã ngấp nghé tuổi 81, giọng ông Khấn vẫn sang sảng. Gặp phóng viên Hànộimới, ông phấn khởi và đặc biệt thân tình. Ông lấy dứa mời chúng tôi ăn, giọng mộc mạc "Các con ăn đi, vất vả không? Gì chứ Hà Nội với Điện Biên là người cùng một nhà". Vừa uống nước, ông Khấn vừa ôn lại những kỷ niệm về mối quan hệ thắm tình hữu nghị giữa Hà Nội với Điện Biên. Mà lạ, hễ nhắc đến lãnh đạo thành phố Hà Nội thời kỳ nào, ông cũng nhớ và nói vanh vách. Ông Khấn bảo sở dĩ ông biết nhiều vì trước ông là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Điện Biên có bước phát triển như ngày hôm nay một phần nhờ vào sự chung tay, góp sức của lãnh đạo, nhân dân Thủ đô. Thế rồi, người lính già lẩm nhẩm tính trên đầu ngón tay: Năm 1967, Hà Nội và Điện Biên (khi đó là Lai Châu) tổ chức lễ kết nghĩa, mới đó đã 47 năm rồi. Nhìn lại chặng đường đã qua mới thấy Hà Nội giúp Điện Biên nhiều lắm. Đầu tiên phải kể đến là công trình Khu sơ tán Lai - Hà được xây dựng năm 1967. Sau hòa bình lập lại, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ cho Điện Biên xây dựng nhiều công trình phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội mà Trường cấp I Hà Nội - Điện Biên Phủ là một trong những công trình tiêu biểu. Đầu năm 2006, nhân dân thành phố Hà Nội đã ủng hộ trường thêm 3 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Nhờ số tiền được đầu tư, trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia".
Vài năm trước những ai quan tâm đến cơ sở vật chất trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch hẳn còn nhớ Thư viện tỉnh Điện Biên quá nghèo nàn, lạc hậu và chỉ là một phòng đọc nhỏ nằm nép mình trước mặt tiền của Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ. Hôm nay, mọi việc đã đổi thay hoàn toàn, với số vốn đầu tư hơn 8 tỷ đồng trong đó hơn 6 tỷ là tiền đóng góp của nhân dân Thủ đô, Thư viện tỉnh nằm ở ngay vị trí trung tâm của thành phố với cơ sở vật chất khang trang hiện đại, đầy đủ các phòng ban chuyên môn đang từng bước hoàn thiện để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc.
Mới đây nhất, ngày 20-4-2014, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và Đoàn công tác của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh và một số sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội đã lên thăm và làm việc tại tỉnh Điện Biên. Để thể hiện tấm lòng tri ân của thành phố Hà Nội đối với quân và dân của mảnh đất anh hùng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thành phố Hà Nội mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào sự phát triển, giảm bớt khó khăn của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Thay mặt thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã trao tặng tỉnh Điện Biên 10 tỷ đồng để xây dựng trường học tại xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội cũng trao tặng các hộ nghèo của tỉnh số tiền 1 tỷ đồng.
Điểm qua những sự kiện lớn, ông Khấn bảo "đấy là quan hệ cấp tỉnh, chứ cấp quận, huyện và các doanh nghiệp của Thủ đô lên thăm và giúp bà con Điện Biên thì không sao thống kê được". Nhiều đoàn thiện nguyện đã đến Điện Biên xây dựng điểm trường, điểm lớp, điểm bán trú dân nuôi, xây nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách, tặng máy tính và các thiết bị trường học, tặng trâu bò, phân bón, cây giống để bà con phát triển sản xuất... Quan hệ giữa các cơ quan đơn vị thuộc hai tỉnh là mối quan hệ bền chặt, thắm tình đồng chí anh em và phong trào này ngày càng có sức lan tỏa, điển hình như các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Chỉ riêng năm 2013, đơn vị đã hỗ trợ xây tặng 17 nhà tình nghĩa trị giá gần 1 tỷ đồng, tặng 60 sổ tiết kiệm tổng trị giá trên 230 triệu đồng và tặng 22 xe lăn cho thương binh nặng trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Mới đầu quý II năm 2014, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tặng 4 ngôi nhà tình nghĩa, xây 1 nhà văn hóa bản, tặng gần 20 suất quà cho các đối tượng chính sách với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng.
Thật vui với nhóm phóng viên Hànộimới, trong thời gian công tác tại Điện Biên chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 năm, chúng tôi gặp các "đồng hương" đang công tác tại UBND quận Hai Bà Trưng. Về lại chiến trường xưa, đoàn của UBND quận Hai Bà Trưng cũng ghé thăm huyện Mường Chà (là đơn vị kết nghĩa). Dịp này, quận Hai Bà Trưng đã trao tặng 1 nhà tình nghĩa cho gia đình bệnh binh Trần Mạnh Kháng ở khối 10 - thị trấn Mường Chà trị giá 70 triệu đồng, trao tặng 20 sổ tiết kiệm cho thương binh, gia đình chính sách của huyện mỗi sổ trị giá 1 triệu đồng, 15 suất quà cho cựu chiến binh và người có công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, mỗi suất trị giá 500.000 đồng, trao tặng Huyện ủy, UBND và BCH Quân sự huyện Mường Chà 2 chiếc tivi và 3 bức tranh với tổng số tiền 125 triệu đồng...
Chúng tôi còn nhớ bên lề buổi họp báo về Kế hoạch tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Điện Biên nói "Tỉnh của chúng tôi có được ngày hôm nay là nhờ sự chung tay, góp sức rất lớn của Hà Nội với vai trò người "anh cả". Tình cảm đó không có giấy bút nào ghi hết được". Và, chúng tôi - những phóng viên báo Đảng Thủ đô cũng cảm thấy tự hào vì Hànộimới cũng là tờ báo tiên phong kết nghĩa cùng Báo Điện Biên Phủ, tham gia nhiều hoạt động xã hội từ thiện tại tỉnh Điện Biên trong suốt hàng chục năm qua.
Kết thúc một tuần công tác, triển khai loạt bài "Điện Biên Phủ hôm nay và một thời hào hùng", nhóm chúng tôi trở lại Hà Nội. Đi qua đường Bắc Sơn trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhìn hàng cây hoa ban trồng dọc hai bên đường đang xòe bóng mát, bất giác chúng tôi thấy một Điện Biên giữa lòng Hà Nội- một Điện Biên anh hùng trong thời chiến và phát triển vững chắc trong thời bình.