Những kiểu làm chính sách tai hại!

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:49, 08/05/2014

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề nghị của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) xin rút Đề án biên soạn lại sách giáo khoa khỏi chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII sắp tới. Quyết định này đã nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của dư luận, bởi như vậy, thêm một dự án nữa được đánh giá là không khả thi có nguy cơ tốn tiền dân bị "tuýt còi".

Sau hơn chục năm "đổi mới sách giáo khoa" nhưng không hiệu quả, cách đây 2 năm ngành GD-ĐT đưa ra đề án viết lại sách giáo khoa với tổng chi phí khái toán hơn 70.000 tỷ đồng. Thông tin vừa hé lập tức đã bị dư luận phản ứng dữ dội. Sự việc dừng lại và lắng đi ít lâu, ngày 14-4 vừa qua, trong phiên họp lần thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chuẩn bị nội dung kỳ họp của Quốc hội khai mạc ngày 20-5 tới, Bộ GD-ĐT lại đưa ra đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa áp dụng từ sau năm 2015 đề nghị được trình Quốc hội thảo luận và thông qua. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đề án này tốn kém khoảng 34.257 tỷ đồng, tương đương một nửa số kinh phí dự kiến lần trước. Bản báo cáo này lập tức được UBTVQH và dư luận đánh giá là sơ sài, qua loa, lãng phí, thiếu trách nhiệm cả về nội dung, kinh phí, lộ trình thực hiện, tính khả thi và nhiều vấn đề khác. Chỉ riêng về kinh phí, người ta đặt câu hỏi cơ sở nào để đưa ra con số hơn 34.000 tỷ đồng và sau đó nhiều người tự đưa ra con số theo ước đoán của mình, từ 100 tỷ đồng đến 5.000 tỷ đồng. Trước tình hình trên, lãnh đạo Bộ này đã phải "chữa cháy" trên các phương tiện truyền thông bằng cách nói rằng con số đó là ước đoán khi trả lời chất vấn của UBTVQH chứ không hề có trong dự án. Ngay sau đó, lãnh đạo Bộ đã làm tờ trình xin rút đề án này khỏi chương trình của kỳ họp Quốc hội sắp tới. Và những diễn biến tiếp theo như chúng ta đã biết.

Sự việc trên có thể bỏ qua nếu nó xảy ra đột xuất và hiếm gặp. Nhưng rất tiếc, việc ban hành rất nhiều văn bản chính sách, nhiều chương trình hành động, đề án thiếu thực tế, ít khả thi… không còn là chuyện hiếm. Chỉ tính thời gian gần đây nhất, ngành giáo dục đã đưa ra chủ trương được cộng điểm nếu các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thi vào cao đẳng, đại học(!), hoặc vừa ra chủ trương cấm dạy ngoại ngữ cho trẻ em mẫu giáo lại bãi bỏ việc này; xa hơn ngay chuyện hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cũng rất nhiều chuyện cần bàn.

Không chỉ ngành GD-ĐT, ngành nông nghiệp gần đây cũng ban hành không ít những chủ trương, văn bản "trên trời". Trong lúc chưa quản lý được nơi giết mổ, nguồn thịt nhập lậu thì ngành này đưa ra văn bản thịt tươi chỉ được phép bán ngoài chợ khi chưa quá 8 giờ từ khi giết mổ; hoặc ngành y tế có chủ trương quy định sữa cho trẻ em phải gọi là bột dinh dưỡng chứ không được gọi là sữa. Kỳ lạ hơn, một số người, trong Ủy ban Olympic quốc gia, đại diện Bộ VH,TT&DL đồng tình xin đăng cai ASIAD 18 trong khi chưa tính kỹ nguồn kinh phí và việc phát huy thế nào những cơ sở vật chất sau khi đại hội bế mạc. Lạ hơn, đến khi Chính phủ không phê duyệt việc đăng cai thì chính không ít người trong các tổ chức đó lại vỗ tay hoan nghênh.

Có thể kể ra rất nhiều những chủ trương, chính sách, văn bản tương tự ở rất nhiều ngành khác như vậy. Chúng được "sản xuất" ra trong giờ hành chính, từ những "cái đầu" rất thiếu thực tế. Rõ ràng, những tư duy "làm chính sách" kiểu như vậy rất đáng báo động và cần phải sớm loại bỏ khỏi đời sống.

Vũ Duy Thông