Điện Biên hôm nay
Đời sống - Ngày đăng : 06:38, 07/05/2014
Trong hành trình về thăm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, Đại tá Đoàn Sự, cán bộ phiên dịch cho đoàn cố vấn Trung Quốc sang giúp đỡ ta trong suốt chiến dịch, chia sẻ: Về Điện Biên lần này, nguyện vọng của ông không chỉ là để thăm lại chiến trường xưa, thăm những người còn sống mà còn là dịp để ông "gặp" lại những người bạn chiến đấu cũ đã vì hòa bình, độc lập của dân tộc mà mãi mãi nằm lại nơi đây. Ông nói: "Hòa bình lập lại, tôi đã nhiều lần lên Điện Biên và lần nào cũng thấy nơi đây có nhiều thay đổi. Những địa danh gắn với Chiến thắng Điện Biên Phủ như: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam - từng là nơi chiến đấu ác liệt của quân và dân ta trong 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm" - giờ đã thay đổi rất nhiều. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên cũng ngày càng đi lên. Được tận mắt chứng kiến sự đổi thay của chiến trường xưa, tôi thấy mình phải có trách nhiệm thông báo lại cho các đồng đội đã nằm lại nơi này được biết những đổi thay đáng mừng này".
Bảo tàng tỉnh Điện Biên có quy mô lớn, được khánh thành giai đoạn đầu kịp trưng bày phục vụ dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Anh Tuấn |
Tại hầm Đờ Cát, quần thể di tích chính nằm cách sông Nậm Rốm không xa, cô nhân viên Bảo tàng tỉnh Điện Biên Hoàng Thị Thoa cho biết: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng tỉnh Điện Biên đã mở đợt sưu tầm kỷ vật của những người lính đã từng trực tiếp tham gia chiến dịch để mở gian trưng bày phục vụ nhân dân và du khách đến thăm. Sau một thời gian phát động, đã có nhiều cựu chiến binh hiến tặng các kỷ vật từng gắn bó với họ trong suốt nhiều năm qua. Đại tá Đoàn Sự biết tin đã tự nguyện tặng cuốn nhật ký mà ông viết trong suốt những ngày diễn ra chiến dịch và đã gắn bó với ông 60 năm qua với biết bao kỷ niệm vui, buồn.
Khắp lòng chảo Điện Biên, đâu đâu cũng là chứng tích lịch sử ghi lại chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta. Và cũng tại nơi này, còn có những nhân chứng lịch sử đã lặng lẽ cống hiến và nay vẫn tiếp tục làm đẹp thêm cho thành phố. Một trong số đó là cựu chiến binh Trần Ngọc Long, quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh. 18 tuổi, ông được phiên chế vào Đại đoàn 312 tham gia chiến dịch giải phóng Điện Biên. Sau khi Điện Biên giải phóng, ông đã đón gia đình ở Kỳ Anh lên định cư trên mảnh đất này và công tác trong lực lượng vũ trang của tỉnh đến ngày nhận sổ hưu. Cả cuộc đời mình, ông đã góp công sức không nhỏ cùng nhân dân các dân tộc của tỉnh Điện Biên xây dựng nên một Điện Biên đổi mới như hôm nay. Ông Long tâm sự: "Tôi không ân hận khi đã chọn mảnh đất cách nơi cha sinh mẹ đẻ gần 1.000 cây số để sống trọn cuộc đời, để được hương khói cho những đồng đội đã hy sinh. Suốt những năm tháng vừa qua, tôi không nhớ là đã có bao nhiêu đoàn khách ở dưới xuôi lên, khi thì là bạn chiến đấu, lúc là người thân của đồng đội tìm đến tôi để mong có được sự hướng dẫn, sẻ chia". Chính vì luôn muốn lưu giữ những kỷ niệm về một thời gian khó mà hào hùng của lớp người thuộc thế hệ mình nên ông đã định hướng cho con gái là Trần Thị Phương vào làm việc tại Bảo tàng tỉnh. "Làm ở đây, con tôi sẽ hiểu hơn về thế hệ cha nó, về những hy sinh, mất mát mà cha và đồng đội đã trải qua. Thông qua việc làm hằng ngày của mình, con tôi có cơ hội thay tôi truyền đạt cho khách tham quan biết được những khó khăn, gian khổ mà những người lính 60 năm trước đã trải qua để họ sống tốt hơn với bản thân và với xã hội" - Ông Long chia sẻ.
60 năm sau chiến tranh, Điện Biên hôm nay đã trở thành thành phố giàu đẹp. Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Lò Mai Trinh cho biết: Phát huy tinh thần của Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày nay, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Điện Biên đã chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, gắn phát triển kinh tế với phát huy giá trị lịch sử và truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng vào công cuộc đổi mới. Năm 2013, GDP bình quân đầu người đạt 20,41 triệu đồng/năm. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển một số vùng trồng cây công nghiệp, tạo hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh có 4.232ha cao su, 3.979ha cà phê, 550ha chè. 72,6% dân cư nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh, 88% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch. Đặc biệt, tỉnh Điện Biên đã chú trọng đầu tư và khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch, nhất là loại hình du lịch văn hóa - lịch sử.
Hiện nay, thành phố Điện Biên có gần 6.000 liệt sĩ được quy tập và yên nghỉ trong 4 nghĩa trang: A1, Him Lam, Độc Lập và Tông Khao. Tri ân những người đã hy sinh để làm nên chiến thắng, dòng người lên Điện Biên hôm nay tìm đến các nghĩa trang liệt sĩ, thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính. Trong bảng lảng khói hương tại Nghĩa trang Độc Lập một ngày tháng Tư, mắt nhiều cựu chiến binh già và du khách ngấn lệ.