Nhạc sĩ Hoàng Vân và nguồn cảm hứng bất tận
Văn hóa - Ngày đăng : 06:33, 07/05/2014
Sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội năm 1930, nhạc sĩ kể rằng nhà ông chính là trụ sở của quân tự vệ. Ngày nhỏ, ông là liên lạc viên, đưa công văn từ "hậu phương" đến "tiền tuyến" cách đó vài dãy phố. Khí thế cách mạng chảy trong máu, nên đến tuổi là chàng trai Lê Văn Ngọ (tên thật của nhạc sĩ) xung phong đi bộ đội. Thuộc Sư đoàn 312, trực tiếp tham gia từ đầu đến cuối Chiến dịch Điện Biên Phủ, chàng thanh niên Hà Nội chứng kiến ý chí quật cường và lòng dũng cảm, vượt mọi gian khó của quân, dân ta. Trong căn hầm nhỏ giữa chiến trường một đêm đầu năm 1954, ông không ngủ được. Hình ảnh bộ đội ngày đêm kéo những khẩu pháo khổng lồ vào chiến trường chỉ bằng sức người, phương tiện thô sơ, thậm chí lấy thân mình để "cáng" pháo khiến ông vô cùng cảm phục. Và ông viết, khi nghe tiếng gà rừng gáy thì những dòng chữ cứ bật ra, tự nhiên như chỉ để ghi lại sự xúc động của mình bấy giờ. Hoàng Vân cũng không ngờ rằng ca khúc ấy lại tác động, góp phần cổ vũ lớn lao đến vậy. "Chính tôi đã đứng bên anh em kéo pháo, hát ca khúc và rồi nó được lan truyền rất nhanh. Ít lâu, ca khúc được hai ca sĩ Kim Ngọc và Thanh Phúc hát tại Sở Chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ngay lập tức, Đại tướng yêu cầu phổ biến khắp các đơn vị để cổ vũ quân dân" - Nhạc sĩ Hoàng Vân nhớ lại.
Bài "Hò kéo pháo" mở ra con đường sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân. Sau khi đi học ở Nhạc viện Bắc Kinh (Trung Quốc), ông trở thành Chỉ huy Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, giảng viên Nhạc viện Hà Nội, UV Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam… và có thêm những tác phẩm âm nhạc lớn: "Quảng Bình quê ta ơi", "Bài ca xây dựng", "Tôi là người thợ lò", "Hà Nội - Huế - Sài Gòn"… Nhiều lần ra nước ngoài, ông đã vô cùng hạnh phúc khi trong những câu chuyện với bạn bè quốc tế về "Chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", mọi người có nhắc đến bài hát.
Sau này, nhiều lần ông trở lại Điện Biên và mỗi lần ông bảo lại được truyền cảm hứng để làm việc, sáng tác. Bởi vậy, ông đã viết tác phẩm xứng tầm: Đại hợp xướng "Bài ca Điện Biên Phủ" dài 4 chương với những ký ức về chiến thắng năm xưa, hoàn thành vào năm 2010, trình diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội.