"Chia lửa" với chiến trường lớn

Chính trị - Ngày đăng : 06:17, 07/05/2014

(HNM) - Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Thành ủy Hà Nội chỉ thị cho Công đoàn thành phố xây dựng cơ sở hoạt động bí mật tại các xí nghiệp, nhà máy quan trọng như: Điện Yên Phụ, Sở Điện Bờ Hồ, Xe điện, Hỏa xa, Máy nước, các cơ sở của quân đội Pháp…

Đồng chí Trấn Nam, cán bộ Công đoàn nội thành được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở tại các đơn vị quân nhu của Pháp trong thành. Năm 1952, đồng chí Trấn Nam tuyên truyền, vận động cốt cán thành lập tổ công đoàn lấy tên là tổ "Phi Yến" tại cơ sở kho dù của địch. Tổ trưởng tổ công đoàn là anh Nguyễn Văn Khôi, đoàn viên có các chị: Đỗ Thị Bình, Nguyễn Thị Phương Thơm, Nguyễn Thúy Lan… Tổ được giao nhiệm vụ thường xuyên nắm số dù trong kho, số dù được chuyển hằng ngày đi các sân bay để báo cáo cho cán bộ. Kho dù rất dài và rộng, do hai người Pháp quản lý chặt chẽ. Công nhân được bố trí theo từng công đoạn: Người giặt dù, người kiểm tra dù đánh dấu chỗ rách để chuyển cho người vá dù, người nối dây dù bị đứt, người khuân dù vào kho… Nhà binh Pháp bố trí xe camiông đón công nhân đi làm, đưa thẳng vào cổng thành Cửa Tây, còn công nhân đi xe đạp thì vào cổng thành Cửa Bắc. Do hoạt động bí mật, lại trong cơ sở quan trọng của địch nên có nhiệm vụ gì thì tổ trưởng gặp và giao việc cho từng đoàn viên.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, công nhân làm việc rất căng thẳng. Đồng chí Trấn Nam được lệnh tìm mọi cách phá kho dù để hạn chế địch tiếp tế quân, súng đạn, quân nhu, quân lương… cho Điện Biên Phủ và chiến trường khác. Nguyễn Văn Khôi được giao nhiệm vụ đặc biệt này. Anh Khôi bàn riêng với từng đoàn viên trong tổ, giao nhiệm vụ cho từng người thường xuyên theo dõi sự có mặt của hai quản lý người Pháp, lúc nào hay ở khu vực kho, giờ nào hay đi khỏi kho, đi bao lâu…, đồng thời chú ý theo dõi cảnh giác nhân viên người Việt có nghi vấn. Anh Khôi giao chị Thơm giữ bao diêm. Đề phòng địch kiểm soát, chị Thơm phải mang thêm bao thuốc lá để địch có hỏi thì nói là mua thuốc lá và diêm cho người nhà. Nắm chắc quy luật hoạt động của kho, một ngày tháng 4-1954, trước giờ tan tầm, lúc hai quản lý kho người Pháp không có mặt, anh Khôi lấy bao diêm và giao cho chị Thơm cảnh giới bên ngoài rồi lẻn vào kho dù, sau vài phút quay ra, cùng chị Thơm đi về. Sáng hôm sau, công nhân đi làm không ai được vào, cả khu vực được canh phòng, chỉ có lính Pháp và lính cứu hỏa làm việc. Kho dù bị đốt, cháy âm ỉ suốt đêm. Tin tức lan truyền khắp thành phố. Nhân dân vô cùng phấn khởi và phục tài mưu trí, dũng cảm của quân ta…

Tháng 8-1954, cả tổ được bố trí ra vùng tự do tham dự lớp học về tiếp quản Thủ đô và sau đó, được Liên hiệp Công đoàn thành phố bố trí công việc thích hợp. Theo đề nghị của Ủy ban Hành chính TP Hà Nội, tháng 7-1955, Chính phủ đã tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba cho Tổ trưởng Nguyễn Văn Khôi. Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội Trần Duy Hưng đã ký Giấy khen tặng các công nhân đã có công đốt kho dù của địch trong thời kỳ kháng chiến (thời gian đó chưa có Bằng khen).

60 năm đã qua, đến nay người còn, người đã mất nhưng tổ công đoàn "Phi Yến", những công nhân ưu tú năm xưa vẫn luôn nhớ về một thời vẻ vang, góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc kháng chiến của đất nước, vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Đỗ Đăng Long