Bài cuối: Viết tiếp trang sử vàng
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:07, 07/05/2014
1. Từ dốc Nà Nhạn, vượt cung đường nhựa vài chục kilômét mềm như dải lụa, quanh co dưới tán rừng, chúng tôi vào Mường Phăng - nơi mà cách đây 60 năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn xây dựng "Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ".
Đường vào Mường Phăng hôm nay. |
Mất hơn nửa giờ lắc lư ngồi xe, trung tâm xã Mường Phăng hiện ra trước mắt chúng tôi. Thấp thoáng lưng chừng núi, trụ sở UBND xã bề thế 2 tầng nằm kế bên tháp truyền hình. Cạnh đó là trạm y tế xã, chợ trung tâm, trường học... Tất cả các công trình dường như vừa được xây mới. Đón chúng tôi ngay trước cổng ủy ban, Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng Lò Văn Biên hồ hởi nhưng tất bật. Ông bảo: "Làm việc khẩn trương, các nhà báo nhé. Độ này đông khách, cán bộ xã chạy như đèn cù tất thảy". Nói rồi, ông Biên lấy xe máy đưa chúng tôi tham quan một lượt. Đi trên con đường nhựa thẳng tắp về phía Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, phóng tầm mắt ra hai bên nơi nào cũng xanh ngắt bởi những cánh đồng lúa đang thời kỳ trổ đòng. Xa hơn một chút, những cụm nhà sàn mái ngói nằm cuốn lấy nhau của bản Phăng, bản Bánh, bản Co Mận... với đặc điểm chung là "chân cắm xuống ruộng, lưng dựa triền núi", giống như mọi bản làng khác của đồng bào dân tộc Thái Đen.
Ông Biên là dân gốc ở đây, thành thử thông thạo vùng đất này. Vừa chạy xe, ông vừa ngoái lại kể chuyện. Ông kể, từ ngày Mường Phăng trở thành khu du lịch lịch sử, cuộc sống của đồng bào thay đổi nhiều lắm. Người dân giờ không chỉ cấy lúa, trồng ngô mà đã biết tận dụng thế mạnh du lịch. Riêng khu di tích cũng có tới trên 40 hộ tham gia bán hàng lưu niệm và đặc sản của vùng miền như: Thuốc nam hái từ trên núi, rượu ngâm táo mèo, sâu chít, nấm rừng, hạt dẻ, quần áo thổ cẩm, khăn piêu... Trước, khách đến công tác ở Mường Phăng tìm đỏ mắt cả ngày cũng chẳng thấy quán ăn. Giờ, nhiều hộ dân ở mặt đường liên xã cũng "đổi mới tư duy", mở dịch vụ ăn uống. Rẽ qua quán hàng của gia đình bà Lường Thị Xóa, ở bản Phăng 3, ông Biên bảo "đấy, kém gì nhà hàng trên tỉnh đâu". Bà Xóa cho biết, gia đình mở cửa hàng cơm từ hơn 1 năm nay, ngày nào cũng có vài ba đoàn khách. Ăn cơm tại bản có cái thú riêng, khách được phục vụ các món ăn truyền thống của người Thái như: Hoa ban xào măng, cá hồ Pá Khoang kẹp lá thơm nướng, nộm hoa chuối rừng với thịt lợn... Cuộc sống của gia đình bà giờ đã khá lên rất nhiều, nuôi được 3 người con học đại học, cao đẳng.
Lòng vòng gần tiếng đồng hồ, Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Biên quay về trụ sở "bàn giao" chúng tôi cho Chủ tịch xã Lò Văn Thanh. Ông Thanh kiệm lời, chốc chốc mới thủng thẳng một câu: "Chúng tôi vừa chia tách địa giới hành chính thành hai xã là Mường Phăng và Pa Khoang, công việc vẫn lu bù. Chỉ có thể nói với các nhà báo rằng Mường Phăng đang đổi thay từng ngày, đặc biệt là sau khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới". Sau 3 năm triển khai xây dựng các tiêu chí điện - đường - trường - trạm, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ trên 43% (năm 2011) xuống còn 30,5% (năm 2013); toàn xã đã có 9/26 bản, đội và hơn 900 hộ gia đình đạt bản, đội, gia đình văn hóa. Cuộc sống bắt đầu khởi sắc từ năm 2004, khi Mường Phăng được đầu tư các công trình thủy lợi để chuyển từ 1 vụ lúa thành 2 vụ. Năng suất hiện nay đã đạt 65 tạ/ha vụ chiêm xuân, 45 tạ/ha trong vụ mùa. Nhiều hộ trên địa bàn đã biết tận dụng diện tích đất nương rẫy để trồng cây dong giềng. Tại trung tâm xã có 3 xưởng thu mua, chế biến, sản xuất tinh bột dong giềng, "ông chủ" đều là người địa phương. Điển hình như xưởng sản xuất của ông Cà Văn Hịa mỗi năm sản xuất hơn 100 tấn tinh bột, thu nhập 100-200 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho trên 30 lao động trong vùng. Trạm phát sóng truyền hình xây dựng năm 2007, điện lưới quốc gia cũng đã phủ hết các thôn bản. Hầu như hộ nào cũng có tivi, xe máy. Phần lớn các thôn bản đều được xây dựng đường bê tông theo mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm...
2. Hoàng hôn dần về, khi làn khói bếp lan tỏa mờ ảo khắp các thôn bản, chúng tôi tìm về huyện Điện Biên Đông, nơi có "địa chỉ đỏ" Sa Dung - địa bàn đứng chân đầu tiên của Đội xung phong Quyết Tiến, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Là khu vực có nhiều đồng bào Mông sinh sống, trước đây Điện Biên Đông nghèo và lạc hậu lắm. Cái lối du canh du cư "chọc lỗ tra hạt" ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào dân tộc. Nghèo túng, thiếu đói quanh năm nhưng vô khối người lại bập vào ma túy khiến bức tranh của huyện Điện Biên Đông ngày ấy càng ảm đạm. Nhắc lại quá khứ, ông Vàng A Cử, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông nói bản thân ông cũng không nghĩ huyện sẽ có ngày hôm nay. Cái được lớn nhất, theo ông đó là thay đổi nếp suy nghĩ của bà con, để họ vươn lên làm giàu ngay tại chính quê hương mình. Minh chứng sống động nhất là ở các xã Phình Giàng, Na Son, trước kia có hơn 80% số hộ thiếu đói triền miên, sống lay lắt nhờ cứu trợ thì nay bình quân lương thực theo đầu người đã đạt hơn 400 kg/người/năm. Muốn thay đổi nhận thức, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện phải bám cơ sở thực hiện 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với đồng bào dân tộc theo phương thức "mưa dầm thấm đất". Chưa có khi nào Điện Biên Đông được ưu tiên đầu tư nhiều đến vậy. Chỉ riêng năm 2013, huyện triển khai 101 dự án với tổng nguồn vốn 142 tỷ đồng, xây dựng 13 tuyến huyện lộ với 300km đường giao thông nông thôn, 14/14 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia... Nhờ "cú hích" này, cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt, ngay cả mùa mưa lũ, các xã vùng cao, vùng xa của huyện vẫn không bị "cháy" các mặt hàng thiết yếu như: Xăng dầu, muối i ốt, phân bón... Hạ tầng phát triển cũng là lúc xuất hiện nhiều mô hình nông dân làm kinh tế giỏi. Lãnh đạo huyện giới thiệu chúng tôi tới nhà Già bản Cứ Chừ Tú, trú tại xã Phình Giàng. Già bản phấn khởi khoe: "Giờ bà con không đốt nương làm rẫy, sống du canh du cư nữa rồi, nhà nào cũng có bò để nuôi. Mùa giáp hạt vẫn còn hộ đói nhưng không nhiều đâu. Bắp ngô, hạt thóc, con lợn, con bò giờ đã "cõng" được người Mông Phình Giàng vượt qua cái đói. Chúng tôi biết ơn Đảng, Chính phủ nhiều lắm".
(Còn nữa)