Dấu ấn của sự đồng lòng!

Thể thao - Ngày đăng : 18:55, 06/05/2014

(HNMO) - Ngày 6-5 Điện Biên Phủ tiếp tục trong những ngày hội kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong buổi sáng 6-5, Giải đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ 2014 - Cúp báo Quân đội nhân dân” là điểm nhấn rõ rệt.


Cuối cùng, chặng đua quanh Điện Biên Phủ đã kết thúc trọn vẹn, đáp ứng sự mong đợi của hàng nghìn khán giả trong đó có rất đông du khách. Một lần nữa, như hai lần trước, cuộc đua trở thành nơi để người người đến từ mọi miền thể hiện tấm lòng với mảnh đất đã ghi dấu một chiến thắng hiển hách nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam.

Giải đua đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả.


Khó mấy cũng phải vượt qua

Ngay trước ngày đoàn đua xuất phát chặng đầu, trong cuộc họp của BTC giải với các đội đua, một thông điệp đã được đưa ra. Theo đó, các đội phải thi đấu, cống hiến hết mình, nhất là tại một giải đấu giàu ý nghĩa chính trị như giải này. BTC giải và Liên đoàn Mô tô – Xe đạp Việt Nam cũng như Tổng cục TDTT không chấp nhận chuyện các tay đua mải kìm kẹp nhau mà quên sự cống hiến, làm mất đi sự cao thượng trong thi đấu. Tất nhiên, đội đua hay tay đua nào có hành vi trên sẽ bị phạt nặng. Dường như, thông điệp trên đã có tác dụng khi các tay đua thi đấu hết mình, cống hiến những pha đua tranh, bứt tốc đầy ấn tượng. Một số đội yếu như Hòa Bình, Hà Nội, Bình Dương cũng động viên VĐV thi đấu đến khi không thể đua tranh được nữa mới ngừng chứ không có chuyện hụt hơi chút ít đã dừng cuộc chơi. Những điều trên đã tạo nên nét đẹp cho cuộc đua.

Ở một khía cạnh khác, cuộc đua năm nay cũng có những cái khó riêng. Đơn cử như đội mô tô dẫn đường, chở trọng tài và các thành viên BTC khác cũng không thể tham gia với số lượng “thoải mái” vì lý do khách quan. Chỉ có 65 xe, được phân vào hai đoàn đua cho nam và nữ. Vì thế, nhiều thành viên của CLB mô tô thể thao Hà Nội còn phải thực hiện “đa nhiệm vụ”, từ dẫn đường đến dẹp đường, tiếp tế… thay vì một nhiệm vụ. Đã ậy, vào dịp lễ trọng, lưu lượng giao thông trên hành trình đến Điện Biên Phủ tăng vọt nên công việc của bộ phận dẹp đường (gồm lực lượng công an, mô tô thể thao, dân quân, thanh niên tình nguyện ở các địa phương) càng thêm nặng nề. Với các thành viên CLB mô tô thể thao Hà Nội, làm nhiều việc trên một chặng đua như vậy nhưng tuyệt nhiên không có tiếng phàn nàn, thay vào là sự thông cảm với BTC giải. Tất cả đều hiểu công việc và nhiệm vụ của mình tại một cuộc đua đầy tính chính trị và chuyên môn như Giải “Về Điện Biên Phủ 2014 – Cúp báo Quân đội nhân dân”. Về mặt nào đó, họ đã hoàn thành nhiệm vụ dù vẫn phải nỗ lực hoàn thiện mình hơn nữa.

Ngay cả BTC cũng khá cẩn thận khi lên phương án thi đấu nhằm bảo đảm an toàn cho VĐV. Như ở chặng áp chót, trước giờ xuất phát chặng Sơn La – Điện Biên Phủ, khi hay tin đèo Pha Đin đầy sương mù, Phó Chủ tịch Liên đoàn Mô tô – xe đạp Việt Nam Âu Xuân Đôn đã họp các đội để thông báo rằng, có thể các VĐV chỉ đua lên đỉnh đèo Pha Đin rồi di chuyển nhẹ nhàng xuống chân đèo rồi thi đấu tiếp. Quyết định ấy nhận được sự đồng tình của các đoàn vì như thế VĐV không phải đánh liều với số phận để đoạt thứ hạng cao. Dù sau đó, BTC không phải áp dụng phương án này do thời tiết ủng hộ song ít ra cũng thấy hết cái tâm của nhà tổ chức. Tất nhiên, sự chuẩn bị cho khâu bảo vệ VĐV sẽ trọn vẹn hơn nếu không xảy ra sự cố tai nạn khi VĐV đổ đèo Tà Cơn (Tuần Giáo, Điện Biên).

Ấn tượng từ hai bên đường

Sau giải đấu, HLV Trần Hùng (CLB Suntex Sao Việt TP Hồ Chí Minh) đã nói rằng: "Một trong những điều làm các thành viên tham dự như chúng tôi ấn tượng ở cuộc đua này chính là sự cổ vũ nhiệt tình của hàng vạn khán giả trong hai chặng đua ở Sơn La và Điện Biên. Những lần tham gia đua lên Điện Biên trước đây chúng tôi cũng cảm nhận được điều tương tự. Hiếm khi nào, các VĐV đua xe Việt Nam gặp được cảnh chào đón và cổ vũ nhiệt tình của khán giả hai bên đường như trong hai chặng đua áp chót tại Sơn La và từ Sơn La đi Điện Biên Phủ”. Những thành viên khác tham gia cuộc đua cũng chung quan điểm với HLV Trần Hùng. Rõ ràng, các VĐV đã được tiếp thêm động lực từ sự cổ vũ của khán giả. Đặc biệt, chặng đua từ Sơn La đi Điện Biên Phủ cho nam và Tuần Giáo (Điện Biên) đi thành phố Điện Biên Phủ cho nữ gây ấn tượng mạnh cho các VĐV. Nhiều trường học các cấp đã tổ chức cho học sinh đứng dọc đường mặc đồng phục vẫy cờ, hoa cổ vũ; những khán giả lớn tuổi hơn cũng tự đứng kín hai bên đường chào đón đoàn đua kể cả khi nắng to. Họ cổ vũ để thỏa nhu cầu thưởng thức những sự kiện thể thao lớn ngay trên quê hương rồi từ đó tạo nên ấn tượng tốt đẹp về những con người Tây Bắc đầy mến khách. Ở đó có dấu ấn của sự nhiệt tình từ người dân cũng như công tác tuyên truyền, chuẩn bị chu đáo của chính quyền địa phương. Các VĐV tham dự cảm nhận rõ điều đó và nhiều người trong số họ đã cho rằng càng thấy trách nhiệm cống hiến hết mình để không phụ lòng khán giả.

Còn các thành viên khác cũng phải công nhận rằng sự cổ vũ nhiệt thành của khán giả Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên là thành công nhất của cuộc đua. Như thế, cuộc đua đã hoàn thành nhiệm vụ, giúp những người tham dự, những khán giả cùng có dịp thể hiện tình cảm với đất nước để cùng tự hào về một sự kiện lịch sử như chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tranh tài gay cấn

Chính việc được quán triệt tinh thần thi đấu cống hiến hết mình đã khiến cuộc đua đạt chất lượng cao về chuyên môn. Nhờ vậy, các cuộc tranh tài trên đường đua trở nên cực kỳ gay cấn.

Ở giải nữ, sự cạnh tranh giữa các đội đua đường trường tốt nhất Việt Nam hiện tại như Cấp thoát nước môi trường Bình Dương, Cỏ May Đồng Tháp, Gạo Hạt Ngọc Trời An Giang được thể hiện thấy rõ. Trên đường đua, những Nguyễn Thị Thật (Gạo Hạt Ngọc Trời An Giang), Nguyễn Thị Thùy Dung (Cấp thoát nước – môi trường Bình Dương) đã liên tục tạo nên những cuộc bứt phá ngoạn mục. Với tài năng của mình, Nguyễn Thị Thật tỏ ra nhỉnh hơn các đối thủ cạnh tranh trực tiếp để đoạt danh hiệu cá nhân cao quý nhất là Áo Vàng (thi đấu với thời gian ít nhất). Trong thời gian tới, cua rơ này sẽ đi tập huấn tại Thụy Sĩ trong 6 tháng và dự báo sẽ còn tiếp tục thống trị đường đua trong nước trong thời gian dài. Tại giải nữ, xe đạp Hà Nội (giải này có cả VĐV thi đấu cho đội Đống Đa- Hà Nội, Sơn La) dù không đoạt giải cao song cũng có một VĐV vào nhóm 10 VĐV nữ đạt thành tích chung cuộc là Đinh Thị Như Quỳnh (hạng 6). Đây là khích lệ lớn cho xe đạp Hà Nội trong quá trình xây dựng lại lực lượng.

Còn ở giải nam, những tay đua của TP Hồ Chí Minh (thi đấu dưới màu áo Eximbank TP Hồ Chí Minh, Suntex Sao Việt TP Hồ Chí Minh), Domesco Đồng Tháp, Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, Quân Đội vẫn chứng tỏ xứng đáng ở nhóm đầu xe đạp Việt Nam. Nếu những tay đua Domesco Đồng Tháp vẫn mạnh về leo đèo thì các tay đua TP Hồ Chí Minh lại mạnh về đua nước rút. Sự ganh đua giữa hai đội đua này rồi sau đó là sự xuất hiện đầy bất ngờ của tay đua Nhật Bản A.Keisuke đã làm đường đua nam lúc nào cũng giữ được sự hấp dẫn.

Những màn trình diễn của các tay đua đã thực sự mang lại cảm xúc cho những người chứng kiến. Ở đó, không chỉ là sự cống hiến mà còn là ý thức đóng góp vào thành công chung của người trong cuộc vào một trong những hoạt động lớn nhất kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hà Nhật