Mốc son trong trang sử dân tộc

Chính trị - Ngày đăng : 06:33, 06/05/2014

(HNM) - Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 là thắng lợi lớn nhất, mang tính quyết định của quân đội và nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ và chấm dứt chiến tranh xâm lược tại Việt Nam.



Hội thảo quốc tế "Chiến thắng Điện Biên Phủ sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại" do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 5-5 một lần nữa khẳng định ý nghĩa đó…

Kéo pháo vào trận địa Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu


Đỉnh cao của tinh thần quyết chiến, quyết thắng

Với ý nghĩa to lớn của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 52 bài tham luận tham gia hội thảo, trong đó có 15 tham luận của các nhà khoa học nước ngoài đã tập trung phân tích, làm rõ 6 vấn đề lớn: Vai trò, vị trí của Điện Biên Phủ trong chiến lược của thực dân Pháp cũng như đối với cách mạng Việt Nam; sự đúng đắn, sáng tạo của Ban Chấp hành TƯ Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy TƯ và Bộ Quốc phòng trong việc chọn địa điểm chiến lược, phương thức đánh đến việc huy động toàn dân cho chiến dịch; tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sự hy sinh anh dũng và đóng góp to lớn của các lực lượng vũ trang, lực lượng dân công và nhân dân cả nước; sự ủng hộ quốc tế, sự phối hợp chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam nói chung đối với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cách mạng thế giới; ý nghĩa, tầm vóc to lớn, giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Chủ trì hội thảo gồm: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ cùng lãnh đạo, các nhà nghiên cứu đến từ Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Đại học Tổng hợp Saint Peterburg Liên bang Nga; Viện Nghiên cứu lịch sử quân sự Pháp; Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia; Đại học Hawaii Pacific, Hoa Kỳ…

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong tham luận: "Vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ" đã đưa ra những chứng cứ chứng minh đường lối kháng chiến đúng đắn được Đảng, Bác Hồ xác định ngay từ đầu chiến dịch và không ngừng bổ sung, phát triển. Đường lối đó đã vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết chiến tranh cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện thực tế Việt Nam, đã kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết định cụ thể dựa trên sự phân tích, đánh giá tình hình với quyết tâm chiến lược nhằm làm thất bại kế hoạch Nava của địch. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của TƯ Đảng, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng quân ủy được thấu suốt trong nhận thức, hành động sáng tạo của Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch, trong các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên trực tiếp chiến đấu trên mặt trận.

GS, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê và TS Ngô Vương Anh đã tập trung vào việc đánh giá vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt quá trình chỉ huy chiến dịch, đặc biệt là việc đưa ra quyết định sáng suốt, kịp thời, chuyển từ phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, thắng chắc". GS, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê nhấn mạnh: "Thay đổi phương châm đánh là một quyết đoán táo bạo, kịp thời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông là người đã thấy ngay tính mạo hiểm, hậu quả nguy hại của lối đánh nhanh và kiên trì chủ trương phải đánh chắc thắng. Điều quan trọng nhất là bằng tất cả tài năng của mình, ông đã làm chuyển biến từ chủ trương đánh nhanh được sự nhất trí của Đảng ủy mặt trận và các cố vấn Trung Quốc sang chủ trương đúng đắn của ông. Đây không phải là sự thay đổi áp đặt từ trên xuống bằng mệnh lệnh, cũng không phải là sự tranh cãi trên lý lẽ mà là sự kiên nhẫn chờ đợi để hội đủ các căn cứ thực tế, đủ sức thuyết phục mọi người, tạo nên sự thay đổi về nhận thức, một sự nhất trí tự nguyện trên một chủ trương mới. Đấy là một quyết đoán táo bạo, kịp thời, đúng lúc, biểu thị tài thao lược kiệt xuất, bản lĩnh và năng lực tổ chức tuyệt vời của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp".

Sức mạnh đoàn kết dân tộc và thời đại

Về nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, PGS.TS Trần Đức Cường, GS.TS Phạm Xuân Nam (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) đã phân tích rõ thắng lợi của Điện Biên Phủ là thắng lợi của ý chí và sự sáng tạo của Đảng và nhân dân Việt Nam, thắng lợi của nền văn hóa Việt Nam được đúc kết hàng nghìn năm. "Chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng của quân và dân ta với rất nhiều biểu hiện cụ thể, phong phú trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ chính là những giá trị nền tảng, cốt lõi của văn hóa Việt Nam. Trong thời đại mới, dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, những giá trị ấy được nâng lên một tầm cao mới, tạo thành sức mạnh phi thường để đánh bại kẻ thù" - GS.TS Phạm Xuân Nam khẳng định.

Phát biểu tại hội thảo, TS Rob Hurle (Đại học Quốc gia Australia) nhấn mạnh đến khía cạnh kháng chiến toàn dân và tính chất chính trị của kháng chiến chống Pháp. Ông nói: "Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu phát triển công tác tuyên truyền từ đầu những năm 1940 và đã dạy, đào tạo cán bộ cách thức, kỹ năng sử dụng hình ảnh có ý nghĩa đối với người xem, làm cho tài liệu tuyên truyền sinh động, có ý nghĩa văn hóa, đã truyền cảm và hòa vào lòng dân. Phần tài liệu tuyên truyền này là các tranh cổ động, thơ ca, bài hát… góp phần động viên, khích lệ người dân tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong tham luận "Điện Biên Phủ - tình đoàn kết của các nước Đông Dương, ngọn cờ đấu tranh chống thực dân, giải phóng dân tộc", TS Bountheng Souksavatd (Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào) sau khi đưa ra những dẫn chứng lịch sử về sự hình thành, phát triển liên minh chiến đấu ở Đông Dương đã khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ dẫn tới ký Hiệp định Giơnevơ là một thắng lợi quan trọng của sự nghiệp đoàn kết kháng chiến của nhân dân Việt Nam nói riêng và ba nước Đông Dương nói chung trong cuộc kháng chiến lâu dài chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc. Thắng lợi đó thể hiện nghị lực, quyết tâm của Việt Nam, Lào, Campuchia trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, kết tinh sức mạnh đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu giữa nhân dân và quân đội các nước, tạo nền móng vững chắc cho sự phối hợp, liên minh chiến đấu ở Đông Dương ngày càng cao.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược. 60 năm đã qua kể từ ngày diễn ra sự kiện "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", những bài học được rút ra từ Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Nguyên Hoa