Sẽ xử lý đơn vị không hoàn thành tiến độ QL3 mới Hà Nội-Thái Nguyên
Xã hội - Ngày đăng : 15:36, 05/05/2014
Theo đó, đến nay một số đơn vị vẫn chưa hoàn thiện các hạng mục phụ trợ như biển báo, sơn kẻ để phục vụ cho công tác bàn giao; công tác thi công đường gom, cống rãnh, đường ngang cũng còn nhiều tồn tại. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội, vẫn còn một số hộ dân cản trở nhà thầu thi công.
Một đoạn Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên. |
Để giải quyết các vấn đề trên, sáng 5/5, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì buổi họp xử lý một số tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý khai thác và phương án xử lý vốn của Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên.
Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Gia Lâm và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA 2, các nhà thầu để bảo vệ thi công, hoàn thành phần công việc còn lại của dự án từ ngày 12 - 20/5/2014. UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo xã có hộ dân cản trở thi công, các đơn vị liên quan của huyện có kế hoạch bảo vệ để nhà thầu thi công, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp ngăn cản thi công.
Mặt khác, liên quan đến đường dẫn cầu vượt đường ngang FO1 (Km4+710), Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường giao Ban QLDA 2 trực tiếp làm việc với Ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội, huyện Gia Lâm có phương án, kế hoạch bảo vệ thi công. Ban QLDA 2 phải làm việc cụ thể với các nhà thầu thi công để có tiến độ thi công chi tiết, chậm nhất đến 20/5/2014 phải hoàn thành toàn bộ các khối lượng còn lại của dự án. Bộ Giao thông Vận tải sẽ xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị không hoàn thành tiến độ trên.
Ngày 18-1-2014, Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên đã được thông xe kỹ thuật. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đồng thời là một trong 7 tuyến đường cao tốc hướng tâm về Thủ đô Hà Nội. Dự án có mục tiêu là giảm thiểu ách tắc tai nạn giao thông, giảm thời gian, chi phí vận chuyển, nâng cao tốc độ chạy xe, đặc biệt là đẩy mạnh giao thương giữa Thủ đô Hà Nội với các vùng lân cận, phục vụ thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh khu vực phía Bắc. Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư là 10.004 tỷ đồng trong đó, phần vốn vay ODA Nhật Bản 6.664 tỷ đồng và phần vốn đối ứng Việt Nam là 3.340 tỷ đồng. Tổng chiều dài của dự án là 63,8 km đi qua 3 địa phương là: TP Hà Nội (dài 23,8km), Bắc Ninh (dài 8,2km) và Thái Nguyên (dài 31,8km), với quy mô bề rộng nền đường là 34,5m. |