Hà Nội: Đã có 192 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:15, 05/05/2014

(HNMO) - Mặc dù số trường hợp mắc hai bệnh trên giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng để chủ động phòng bệnh khi mùa dịch đến, Hà Nội đã lên kế hoạch tăng cường phòng, chống các bệnh trên.

Ảnh minh họa


Với bệnh sốt xuất huyết dengue -bệnh nhiễm virus cấp tính do muỗi truyền (SXHD), mục tiêu là không để dịch bùng phát triên địa bàn; hạn chế thấp nhất số mắc và số ca tử vong do SXHD tại cộng đồng.

Nguy cơ tái bùng phát dịch SXHD

Vì thế, theo kế hoạch được Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội xây dựng, việc tổ chức tập huấn cho mạng lưới cộng tác viên tại 30 xã, phường trọng điểm (8 phường ở quận Đống Đa, 5 phường quận thuộc quận Hai Bà Trung, 8 phường quận Hà Đông, 4 phường của quận Hoàng Mai, 4 phường trên địa bàn quận Thanh Xuân và xã Tiền Phong thuộc huyện Thường Tín) sẽ được hoàn thành trong tháng 5 và tháng 6; 100% xã, phường tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy đợt 1 vào tháng 5 và tháng 6; tổ chức 30 chiến dịch phun hoá chất diện rộng diệt muỗi tại các xã, phường có nguy cơ cao về SXHD trong tháng 6 và tháng 7….Cùng với đó, Trung tâm Y tế quận, huyện bố trí cán bộ giám sát tại các phòng khám đa khoa, bệnh viện huyện, bệnh viện thành phố, tư nhân được phân cấp 3 lần/tuần…

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, tình hình dịch bệnh SXHD đầu năm 2014 có diễn biến phức tạp, trong khi số mắc SXHD so với cùng kỳ năm 2013 giảm ở một số nước nhưng lại tăng cao ở một số quốc gia khác như Malaysia tăng 3,9 lần.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2013 ở 3 khu vực là miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam nhưng số mắc có xu hướng gia tăng trong các tuần gần đây tại khu vực miền Nam và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2013 ở khu vực miền Bắc. Số mắc tại khu vực miền Bắc chủ yếu tập trung ở Hà Nội (52%) và Thái Bình (34%).

Tính đến ngày 5/5/2014, Hà Nội ghi nhận 37 ca bệnh SXHD, không có ca tử vong, 2 ổ dịch. Số mắc giảm 43% so với cùng kỳ năm 2013 (56 ca và 6 ổ dịch). Bệnh nhân xuất hiện tại 47% quận huyện và 5% xã, phường.

Còn nhớ, năm 2009 dịch SXHD đã bùng phát tại địa bàn Hà Nội, và năm nay tròn 5 năm từ khi dịch bệnh bùng phát. Mặc dù 4 tháng đầu năm, số ca mắc và số quận, huyện, xã, phường có bệnh nhân SXHD giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng cùng với các yếu tố nguy cơ bùng phát dịch SXHD tại Hà Nội chưa giải quyết triệt để như thiếu nước sạch, các công trình xây dựng dang dở, tình trạng thuê trọ tại khu vực nội thành, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nhận định, dịch SXHD có thể bùng phát trở lại nếu các biện pháp phòng chống dịch bệnh này không quyết liệt.

Đã có 192 trường hợp mắc tay chân miệng

Đối với bệnh tay chân miệng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tại 62 tỉnh, thành phố; số ca mắc giảm 20% so với cùng kỳ năm trước nhưng một số tỉnh có số mắc cao hơn năm 2013 như TP HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kon Tum, Đắc Lắc.

Tại Hà Nội, tính đến ngày 4/5/2014, toàn thành phố ghi nhận 192 trường hợp mắc tay chân miệng tại 26/30 quận, huyện. So với cùng kỳ năm 2013, số ca mắc giảm 41,6%. Theo nhận định, trong những tháng tới, bệnh tay chân miệng sẽ gia tăng do điều kiện thời tiết thuận lợi trong khi hiện chưa có biện pháp đặc hiệu phòng bệnh này.

Mục tiêu của thành phố là phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn Hà Nội; giảm số mắc và hạn chế số tử vong; nâng cao nhận thức và thực hành của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhằm chủ động bảo vệ sức khoẻ người dân trong cộng đồng.

Để tăng cường phòng, chống bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố sẽ tăng tần xuất giám sát phát hiện bệnh nhân tại bệnh viện Trung ương, thành phố và Bộ, ngành đóng trên địa bàn. Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát các trường hợp nghi mắc bệnh vào khám và điều trị tại các bệnh viện huyện, các bệnh viện được phân cáp, các phòng khám đa khoá khu vực và tư nhân ít nhất 2-3 lần/tuần. Việc điều tra dịch tệ học, lấy bệnh phẩm xét nghiệm và xử lý môi trường tại ổ dịch cũng cần được thực hiện tốt…

Do chưa có vắc xin phòng chống bệnh này nên để phòng chống, người dân cần thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng; thực hiện ăn chín, uống chín, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; thường xuyên lau rửa đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh; theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Hương Thủy