Thủ tướng Đức Angela Merkel thăm Mỹ: Hóa giải những bất đồng

Thế giới - Ngày đăng : 06:18, 05/05/2014

(HNM) - Gác lại một bên mối bất đồng về nghe lén, thu thập thông tin tình báo, cuối tuần qua Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có chuyến thăm Mỹ hai ngày.


Cùng với cuộc khủng hoảng Ukraine đang leo thang, mối quan tâm về kinh tế, thương mại, đặc biệt là Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) cũng được hai nguyên thủ bàn thảo.

Tổng thống B.Obama và Thủ tướng A.Merkel tại Nhà Trắng ngày 2-5.


Cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo nền kinh tế mạnh nhất Cựu lục địa và Tổng thống B.Obama lần này được cả thế giới dõi theo bởi lẽ, mối quan hệ Đức - Mỹ tại thời điểm này đang ở "ngã tư khó khăn" bởi không ít vấn đề nan giải như: Vụ nghe lén điện thoại của Berlin do Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) thực hiện, bất đồng trong đàm phán TTIP và thách thức mới từ Nga trong việc thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu. Nhưng dường như sự leo thang trong cuộc khủng hoảng Ukraine đã cho phép Thủ tướng Đức A.Merkel
thể hiện sự gắn kết mới xuyên Đại Tây Dương khi mà quan hệ hai nước đang gặp không ít trở ngại.

Thực tế, Đức hay Châu Âu nói chung và Mỹ không phải đã tìm được tiếng nói chung trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong khi Đức được xem là người dẫn lối và chi phối lớn nhất, muốn một cách tiếp cận song hành, đó là đe dọa đi kèm với đối thoại nhằm tránh phương hại đến các lợi ích kinh tế thì ngược lại, Mỹ chủ trương "rắn" với Nga. Điều này là dễ hiểu vì khi đưa ra các biện pháp trừng phạt, Mỹ dễ dàng lựa chọn hơn rất nhiều so với Châu Âu, bởi xứ Cờ hoa quá xa để chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu Mátxcơva "trả miếng". Đầu tuần trước, cả Mỹ lẫn Liên minh Châu Âu (EU) đã đồng loạt tung ra các "đòn" trừng phạt mới nhằm vào Nga nhưng đến thời điểm này, Mỹ vẫn tránh trừng phạt các ngành cụ thể của nền kinh tế Nga. Thái độ thận trọng của Mỹ được giải thích bằng sự dè dặt của một số nước Châu Âu, đặc biệt là Đức không muốn bị Mátxcơva hiểu là đang bị dồn đến chân tường. Một Châu Âu ôn hòa dưới ngọn cờ của Đức không khỏi khiến Mỹ phải đắn đo và trong bối cảnh đó, Tổng thống B.Obama đã không lựa chọn "đơn thương độc mã" để có thể gây rạn nứt mối quan hệ với các đồng minh Châu Âu.

Thế nên, trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo của Đức và Mỹ đã cố gắng thể hiện sự gắn kết xuyên Đại Tây Dương trước một nước Nga đang cứng rắn hơn trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Ukraine. Tại cuộc họp báo, Tổng thống B.Obama và Thủ tướng A.Merkel đều lên tiếng cảnh báo, phương Tây đã sẵn sàng "phối hợp hành động" nếu Mátxcơva tiếp tục cái mà họ gọi là "chính sách gây bất ổn ở Ukraine". Sự kiện Tổng thống B.Obama và Thủ tướng A.Merkel "tay trong tay" trên một mặt trận chống lại Nga diễn ra đúng thời điểm đất nước Ukraine đang trượt sâu vào một cuộc nội chiến và mối bất đồng giữa Nga với phương Tây về cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu này đang bị khoét sâu hơn.

Không còn nghi ngờ gì, cuộc khủng hoảng Ukraine đã trở thành nhân tố kéo quan hệ Mỹ và Đức lại gần nhau hơn; đồng thời đẩy những bất đồng song phương giữa hai cường quốc xuống hàng thứ yếu. Điều này được thể hiện rõ trong tuyên bố của hai nguyên thủ tại cuộc họp báo khi cả hai bên đều thừa nhận Đức và Mỹ vẫn còn bất đồng về hoạt động giám sát và thu thập tin tình báo. Chuyến công du Mỹ cũng là cơ hội để nhà lãnh đạo nền kinh tế đầu tàu của Châu Âu tái khẳng định tầm quan trọng của Hiệp định TTIP với cả Mỹ và EU. Vì vậy, Berlin ủng hộ việc các bên nhanh chóng vượt qua bất đồng để có thể hoàn tất thỏa thuận vào cuối năm 2015. Theo ước tính, sau khi được ký kết, TTIP sẽ giúp Mỹ và EU tạo thêm nhiều việc làm và thúc đẩy hợp tác kinh tế hơn 150 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, TTIP cũng sẽ tạo thuận lợi để Mỹ xuất khẩu khí gas sang Châu Âu, giúp Cựu lục địa giải tỏa khó khăn về nguồn cung năng lượng.

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Đức A.Merkel đang làm dấy lên đồn đoán rằng EU sẽ cứng rắn hơn trong việc trừng phạt Nga. Nhưng quan trọng hơn, với vai trò là người quyết định hàng đầu về chính sách đối ngoại của Châu Âu trong cuộc khủng hoảng Ukraine, cái bắt tay của Thủ tướng A.Merkel với Tổng thống B.Obama được kỳ vọng có thể hóa giải cuộc khủng hoảng Ukraine đang đến hồi nguy kịch.

Thùy Dương