Bài 2: Tự hào người lính Cụ Hồ

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:15, 05/05/2014

(HNM) - Tháng 5 về với Điện Biên, trong hành trình tìm lại mốc son chói lọi của dân tộc, chúng tôi đã gặp những cựu chiến binh trên mảnh đất lịch sử này.

Ông Phạm Bá Miều đang kể lại những ngày tháng năm xưa với phóng viên Báo Hànộimới.



1. Dù đã ở tuổi 84 nhưng ông Phạm Bá Miều (số 178, phố 16, phường Tân Thanh) vẫn bận bịu với con cháu, hẹn và chờ đến chiều tối khi ông đón cháu nội đi học về, chúng tôi mới được gặp ông tại căn nhà hai tầng khang trang, nằm ngay mặt phố yên tĩnh. Dịp này, ông tiếp nhiều đoàn khách, nhà báo, đồng đội từ khắp mọi miền Tổ quốc lên thăm lại chiến trường xưa. Thêm nữa, công việc phải đẩy nhanh hơn để kịp thời gian tham gia đoàn Hội Cựu chiến binh tỉnh bay vào TP Hồ Chí Minh giao lưu cùng Hội Cựu chiến binh thành phố nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Thế nhưng, khi biết chúng tôi tìm gặp để viết về những tháng ngày năm xưa, ánh mắt ông như sáng hơn trong niềm tự hào về một thời khói lửa hào hùng của dân tộc. Câu chuyện cách đây hơn 60 năm trước được tái hiện lại.

Chàng trai Phạm Bá Miều rời vùng quê lúa Thái Hòa, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình gia nhập quân đội năm 1950 và được biên chế vào Đại đội 76, Tiểu đoàn 938, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 (đơn vị đã tham gia đánh cứ điểm A1 ròng rã 36 ngày đêm đỏ lửa - từ 30-3 đến rạng sáng 7-5-1954 - góp phần quan trọng vào chiến thắng lẫy lừng của dân tộc). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ khu cách mạng Việt Bắc (các tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn), đơn vị của ông sang giải phóng vùng Thượng Lào, Hạ Lào (Lào), rồi quay về tham gia giải phóng thị xã Lai Châu. Đầu tháng 2-1954, đơn vị ông được lệnh kéo về khu Tà Lèng, thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu cũ (nay là tỉnh Điện Biên) để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

- Khi chiến đấu ở Nà Sản (Bắc Kạn), chúng tôi chỉ được phổ biến là sẽ tham gia Chiến dịch Trần Đình - ông Miều cho biết - Không ai được biết thêm thông tin gì. Hành quân về đến đây mới biết mình sẽ được tham gia trận đánh lớn: Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi chúng tôi có mặt, quân Pháp đã tập trung được một lực lượng lớn với sân bay, xe tăng, lô cốt kiên cố...

Nhiệm vụ của đơn vị lúc đó là vừa chiến đấu vừa đào công sự, giao thông hào từ Tà Lèng xuống đồi A1, nơi đặt Sở chỉ huy của địch - ông Miều nói tiếp - Đây là cứ điểm then chốt trong kế hoạch Nava của Pháp, do vậy, anh em bộ đội đều xác định nhiệm vụ này có ý nghĩa quyết định đến trận đánh. Yếu tố bí mật, bất ngờ được đặt lên hàng đầu. Khi đó, đơn vị vừa đánh nhau với địch, vừa đào giao thông hào tiến sát đồi A1 mà Pháp không hề hay biết vì quân ta vừa đào vừa ngụy trang bằng cách gác cây lên trên, đào hào đến đâu thì ngụy trang đến đấy. Mỗi đêm hành quân người này cách người kia 5m, lúc đầu nằm sát xuống mặt đất đào, vì nếu đứng quân địch sẽ phát hiện ra, sâu hơn tý thì ngồi đào, đào sâu rồi thì đứng, cứ thế người này nối người kia tạo thành hệ thống chiến hào xuyên núi như mạng nhện bao vây quân địch. Bằng con đường hào mà quân đội ta vận chuyển lương thực, súng đạn, pháo cao xạ và thuốc men vào được trận địa. Đến cuối tháng 2-1954, đơn vị chúng tôi đã phát triển được hệ thống công sự ra tới trận địa Điện Biên Phủ, với đường trục và đường chính rộng 1,2m, sâu ngập đầu, bên trên được ngụy trang kỹ càng và phát triển thành công sự trận địa theo từng tiểu đội, trung đội, đại đội.

Phải nói rằng, cùng với nỗ lực của bộ đội ta cho trận đánh lớn còn phải kể đến những đóng góp không nhỏ của người dân nơi đây. Bà con dân tộc Thái không ai bảo ai, tự dỡ nhà mình để lấy cột, kèo, mái lá... giúp bộ đội ngụy trang giao thông hào. Họ còn nói: "Người dân chúng tôi ủng hộ gạo, muối, ngựa, trâu, lợn... để bộ đội đánh hết quân địch" - ông Miều nhớ lại.

Khi đào hầm công sự trận địa, rất nhiều anh em đã hy sinh - người lính già Điện Biên giọng trùng xuống - lúc đào hầm tiến sát Sở chỉ huy của địch để đặt gần 1 tấn bộc phá, có hơn 40m thôi mà khó khăn vô cùng. Có hôm, cả xe tăng lẫn pháo cối của Pháp ngày đêm bắn như mưa từ đồi A1 xuống công sự của ta. Phải mất 12 ngày đêm chúng tôi mới hoàn thành nhưng để có được kết quả đó, hơn 100 chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống.

Đào gần tới địa điểm Sở chỉ huy của địch, vướng giao thông hào bảo vệ, chiến sĩ ta phải dừng lại vì nếu đào qua sẽ bị sập hầm và lộ. Do đó, cấp trên quyết định đặt khối bộc phá cách Sở chỉ huy của địch 20m để kích nổ. Đêm 6-5-1954, khối bộc phá được kích nổ và hất tung đất, phủ kín toàn bộ hầm Sở chỉ huy của địch. Đến sáng 7-5, địch đã phải kéo cờ trắng ra hàng.

Còn với cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp, 83 tuổi, ở tổ dân phố 20, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, thì trận đánh mở màn chiến dịch là một ký ức hào hùng nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Đặt chân lên Điện Biên, ông được giao nhiệm vụ khẩu đội trưởng cối 82 ly, Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312.

Để có thể tạo bất ngờ, khẩu đội của ông được lệnh ngày đêm đào đường hầm ngầm dài 5km từ Tà Lèng vào đến gần đồi Him Lam. Ròng rã nửa tháng, ông cùng đồng đội vật lộn với bùn đất, nhích dần từng mét hào trong điều kiện thời tiết nắng nóng hầm hập. Nhưng rồi đường hào cũng kịp hoàn thành sáng 13-3-1954 và khẩu đội cối 82 ly của ông nhận được mệnh lệnh đợi đến chiều sẽ khai hỏa.

Đúng 17h10 ngày 13-3-1954 những loạt pháo đồng loạt nã vào lô cốt địch. Ông Chấp và đồng đội có lẽ không bao giờ quên được những giây phút chờ đợi hồi hộp, sung sướng để được bật lên khỏi lòng đất, nã những phát đạn đầu tiên vào kẻ thù, sức mạnh mà quân viễn chinh Pháp rêu rao là bất khả xâm phạm. Khẩu đội của ông có nhiệm vụ bắn thẳng vào Sở chỉ huy cứ điểm Him Lam. Giữa đêm 13-3-1954, quân địch ở đồi Him Lam hoàn toàn bại trận, quân ta đã chiếm lĩnh được trận địa.

Là một trong ba trung tâm đề kháng, lại ở vị trí tiền tiêu nên Him Lam được Pháp xây dựng thành vị trí kiên cố bậc nhất của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bởi vậy, trận thắng mở màn đó của quân đội ta mang một ý nghĩa to lớn, cổ vũ tinh thần chiến đấu của cán bộ chiến sĩ trên khắp mặt trận, làm nên chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ.

(Còn tiếp)

Thanh Hải