Viết - một cách về nguồn

Sách - Ngày đăng : 07:05, 04/05/2014

(HNM) - Cách đây ít lâu, NXB Phụ nữ giới thiệu với bạn đọc liền 3 cuốn sách về chuyện làm dâu xa xứ, gồm


Dấu ấn văn hóa

Các giá trị nhân bản của văn chương vốn mang tính toàn cầu, nhưng cách mà một tác phẩm đến với bạn đọc khắp nơi trên thế giới thì đều phải xuất phát từ văn hóa nguồn cội của mỗi nhà văn. Vì thế, dù ở thể loại nào, dù viết bằng tiếng Việt, tiếng Anh hay được chuyển sang một ngôn ngữ mới, dù đề cập tới điều gì thì các tác phẩm văn học của người Việt xa xứ vẫn là hiện thân của một bộ phận văn chương Việt Nam đương đại. Dấu ấn văn hóa, tâm hồn người Việt xuyên suốt như nguồn sinh dưỡng của nhà văn.

Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh giao lưu văn hóa, đặc biệt là nhờ sự tiện lợi của công nghệ internet, văn chương của người Việt xa quê được biết đến ngày một nhiều hơn.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ và tác phẩm Quyên.


Nhà văn Thuận sống tại Pháp, là tác giả của một loạt tiểu thuyết như "Paris 11 tháng 8", "Made in Vietnam", "Chinatown" , "T mất tích", "Thang máy Sài Gòn"… Không phải lúc nào cũng đề cập trực diện tới cuộc sống của người xa xứ nhưng bóng dáng đời sống đó, đặc biệt là những trải nghiệm ngổn ngang, nỗi day dứt trong tâm hồn những người con xa quê đã lặn vào trong tác phẩm của Thuận. Lớn hơn, đó là câu chuyện về thân phận con người được soi rọi qua những hoàn cảnh đặc biệt của thời đại mà người ta hay nén nó trong ba từ "toàn cầu hóa".

Trước đó, "Quyên" của Nguyễn Văn Thọ cũng đã nổi tiếng vì hiện thực dữ dội mà nó mang lại cho người đọc. Hay "Đếm bước cuộc hành trình" của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng cũng cho thấy một phần đời sống tâm hồn của trí thức Việt trên xứ sở Bạch Dương.

Ba cuốn sách về làm dâu xa xứ của NXB Phụ nữ vừa nhắc ở trên, cho dù chỉ là những trang tự truyện đậm chất riêng tư của mỗi người nhưng đã bày ra biết bao niềm vui, niềm hạnh phúc, sự ngỡ ngàng, nỗi cô đơn… của những gia đình "chồng Tây, vợ Việt" và những đứa con mang hai dòng máu. Nó cũng là gợi ý cho những tác phẩm tầm vóc hơn về những người phụ nữ Việt trong cuộc hòa nhập với một nền văn hóa khác, trong nỗ lực xây dựng tổ ấm ở phương trời xa lạ… Trong số ba tác giả nói trên, Hiệu Constant là người đã tốt nghiệp Đại học Sorbonne I, chuyên ngành văn học, là tác giả của 4 cuốn tiểu thuyết và 1 tập truyện ngắn như "Đời du học", "Đường vắng", "Côn trùng"…

Tháng 4 vừa qua, nhà văn Phan Việt, hiện giảng dạy đại học tại Mỹ, cho ra mắt cuốn "Xuyên Mỹ" - tập hai của bộ sách "Bất hạnh là một tài sản", với một đề tài hoàn toàn không dễ đề cập là hôn nhân và ly hôn. "Xuyên Mỹ" lột tả những cung bậc trạng thái của người Việt ở một tình huống thử thách cảm xúc con người đến tận cùng: Chia tay nhau khi đang ở xa quê hương, gia đình, Tổ quốc…

Phải nói, tác phẩm văn học của người Việt Nam hiện đang sống, học tập và làm việc ở khắp quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới là một dòng chảy ngày một thể hiện sự bền bỉ và mạnh mẽ. Nó xứng đáng là một đối tượng hướng tới của giới nghiên cứu văn học, một mảng văn chương hấp dẫn của công chúng yêu sách nói chung.

Cầu nối văn chương Việt Nam ra thế giới

Với nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, viết văn không chỉ là một công việc yêu thích, một sự giải tỏa, một cuộc tìm kiếm bản thể, mà còn là tiếng lòng bày tỏ tinh thần yêu nước, làm sao để người nước ngoài biết đến văn chương Việt nhiều hơn. Biết đến văn chương, tức là biết đến một phần quan trọng của tâm hồn và văn hóa Việt.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, hiện sống và làm việc tại Philippines lần nào về nước cũng tìm mua những đầu sách văn học Việt Nam đáng chú ý. Năm nay, rời Việt Nam, chị đã ôm sang Manila "Cơ hội của chúa", "Khải huyền muộn" - hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Nguyễn Việt Hà mới được tái bản, "Gót thị Mầu, đầu Châu Long" - tập truyện mới nhất mang hơi hướng giả cổ của Trần Chiến, "Cửa hiệu giặt là" của Đỗ Bích Thúy, "Nhắm mắt nhìn trời" của Nguyễn Xuân Thủy…

Cũng như vậy là nhà phê bình văn học, Tiến sĩ Đoàn Cầm Thi, hiện sống và nghiên cứu tại Pháp. Mỗi lần có bạn bè từ Việt Nam sang, thứ quà mà chị mong muốn nhất là sách văn học Việt Nam.

Không thể phủ nhận rằng việc dịch và xuất bản tập truyện ngắn của Phong Điệp, tản văn của Nguyễn Việt Hà tại Pháp có nỗ lực lớn của Đoàn Cầm Thi và các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam ở Pháp… Mới đây, Tiến sĩ Đoàn Cầm Thi cùng các đồng nghiệp Pháp, Việt Nam tham gia tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để quảng bá văn học Việt như tọa đàm "Văn học nữ Việt Nam trong thời toàn cầu hóa", hội thảo quốc tế "Việt Nam đương đại: văn chương, điện ảnh, ngôn ngữ" với sự tham gia của hơn 50 nhà nghiên cứu văn học, phê bình điện ảnh, ngôn ngữ học của Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… Tại cuộc hội thảo này, ngoài các chuyên gia Pháp, đại biểu các quốc gia khác đều sử dụng tiếng Việt để thảo luận.

Không chỉ về nguồn bằng cách viết văn, quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, các cây bút người Việt ở nước ngoài còn trở thành cầu nối văn hóa giúp các nhà văn Việt Nam đi thực tế, mở rộng giao lưu ở nước ngoài. Tuy nhiên, những nỗ lực cá nhân phần nào chỉ đủ xới lên vấn đề. Cần có những cuộc tiếp xúc quy mô, cần sự gắn bó chặt chẽ giữa lực lượng người Việt cầm bút ở nước ngoài với một tổ chức chính trị, xã hội, đại diện cho văn giới cả nước là Hội Nhà văn Việt Nam. Việc này cần thiết, cũng là để không làm lãng phí một nguồn lực tác giả, tác phẩm và những nhân tố cầu nối văn hóa đáng quý của đất nước ta.

Thi Thi