”Bệnh chặt chém” tái phát trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5
Du lịch - Ngày đăng : 06:12, 04/05/2014
Cần tạo dựng hình ảnh điểm đến thân thiện để thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Ảnh: Sơn Tùng |
Rõ tín hiệu tăng trưởng
Theo đánh giá của nhiều hãng lữ hành, lượng khách chọn các tour biển đảo và thăm chiến trường xưa trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các tour thăm Điện Biên Phủ, đường Trường Sơn, về Quảng Bình viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp… đặc biệt thu hút khách. Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Red Tours cho biết, dịp nghỉ lễ 30-4 gần kề với lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nên nhiều cơ quan, đoàn thể tổ chức cho cán bộ, nhân viên tham gia hành trình về nguồn, coi đó như một hoạt động sinh hoạt chính trị tư tưởng giàu ý nghĩa. Bên cạnh đó, nếu như trước đây, các công ty lữ hành tổ chức tour đi miền Trung thường tập trung vào tuyến Đồng Hới, Phong Nha, động Thiên Đường thì năm nay nhiều tour bổ sung thêm điểm đến Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. "Rất nhiều người muốn kết hợp đi Vũng Chùa viếng Đại tướng nhân dịp nghỉ lễ này", ông Nguyễn Công Hoan nói.
Dịp này, nhiều địa phương có tiềm năng du lịch biển đã tổ chức khai trương mùa du lịch hè 2014 khá rầm rộ với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật. Điển hình là lễ khai trương mùa du lịch biển Đà Nẵng 2014, lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2014, Carnaval Hạ Long. Nhìn chung, lượng khách đổ về những nơi này khá đông. Ngày 30-4, với sự kiện đêm hội Carnaval 2014, TP Hạ Long đón khoảng 20.000 lượt khách tham dự. Tại Khánh Hòa, theo báo cáo của Sở VH-TT&DL tỉnh này, trong dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, lượng khách đăng ký lưu trú tại thành phố Nha Trang ước đạt hơn 97.000 lượt; tổng lượng khách đến các điểm tham quan, giải trí đạt mức 472.423 lượt. Về công suất buồng phòng, tính bình quân trong 5 ngày lễ, nhóm khách sạn từ 3 đến 5 sao như Novotel, Sunrise, Sheraton… đạt gần 90%, nhóm khách sạn 2 sao đạt khoảng 85%, nhóm khách sạn từ 1 sao trở xuống đạt khoảng 80%.
Tại Hà Nội, dù không có lễ hội khai mùa du lịch hè năm 2014 rầm rộ như nhiều nơi khác nhưng tín hiệu tăng trưởng khá rõ. Nhiều gia đình chọn những điểm đến gần thành phố như Ba Vì, Tam Đảo, Đại Lải... Riêng huyện Ba Vì đón khoảng 50.000 lượt khách, chủ yếu là khách Hà Nội. Theo đánh giá của một cán bộ Sở VH-TT&DL Hà Nội, khuyến cáo của ngành y tế về bệnh sởi cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của người dân nhưng không trầm trọng và chỉ rơi vào lĩnh vực du lịch nội địa, hầu như không ảnh hưởng đến lượng khách quốc tế. Trong mấy ngày nghỉ lễ, ước tính số lượng khách quốc tế đến Hà Nội khoảng 47.000 lượt, khách nội địa hơn 198.000 lượt.
Quyết trị "bệnh chặt chém"
Từ cuối tháng 4, nhiều nhóm khách tự đi du lịch đã gọi điện thoại đặt phòng tại một số khách sạn, nhà nghỉ từ 2 sao trở xuống tại Nha Trang, hầu hết khách sạn đều cho biết phòng đã được đặt hết. Một số khách sạn còn phòng đều "hét" giá gấp đôi, gấp ba lần giá ngày thường. Khách sạn T.M trên đường Trần Phú định giá 800.000 đồng/phòng đơn và 1.200.000 đồng/phòng đôi, gấp ba lần giá ngày thường.
Theo Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, tuy năm nay thành phố không tổ chức thi trình diễn pháo hoa quốc tế song lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Đà Nẵng trong dịp lễ 30-4, 1-5 vẫn đạt mức 209.863 lượt, tăng 0,23% so với năm 2013. Hiện tại, thành phố có 400 khách sạn với hơn 14.000 phòng, tăng gần 2.000 phòng so với năm trước, nên áp lực về dịch vụ lưu trú cũng bớt căng thẳng. Tuy nhiên, hầu hết các khách sạn từ 3 đến 5 sao ở Đà Nẵng đều đã "cháy" phòng trong 3 đêm, tính từ 30-4 đến 2-5. Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai Plaza Đà Nẵng có 206 phòng, với dịp nghỉ lễ này, khách đã đặt kín phòng trước đó 1 tháng. Chị Lưu Mai Anh, P707, Nhà N105, Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội cho biết, giá phòng ở một số resort tại Đà Nẵng cao hơn năm trước, trung bình là 100 USD/phòng so với 70 USD/phòng vào năm ngoái. Giá đồ ăn cũng tăng khá.
Tại Điện Biên, hiện tượng thiếu phòng lưu trú dẫn đến nạn "chặt chém" cũng xảy ra. Điển hình là đoàn khách của Đoàn chèo Hà Nội lên Điện Biên tham quan đã bị "hét" giá phòng lên đến 1,5 triệu đồng/phòng dù giá ngày thường chỉ là 500.000 đồng. Tại một số khu du lịch ở Cửa Lò (Nghệ An), Bãi Cháy (Quảng Ninh), TP Huế... cũng xảy ra tình trạng đẩy giá các loại dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí và lưu trú.
Tăng giá vô tội vạ là "bệnh" cũ, thường bùng phát dữ dội vào mùa du lịch cao điểm. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này: Thứ nhất, là công tác quản lý tại điểm đến chưa tạo hiệu quả. Thứ hai, là tâm lý kinh doanh "mùa vụ" còn phổ biến, kể cả ở một số khách sạn, cơ sở dịch vụ cao cấp. Muốn trị "bệnh" dứt điểm không dễ, dù nhắm mắt cũng có thể đề ra giải pháp cơ bản là xử lý nghiêm cơ sở làm ăn chụp giật. Tuy nhiên, năm nay, ở một số nơi, như thị xã Sầm Sơn, TP Vũng Tàu, những cam kết của chính quyền địa phương cho thấy quan điểm coi trọng việc tạo dựng và bảo vệ hình ảnh điểm đến thân thiện đã bắt đầu trở nên phổ biến, được cụ thể hóa thông qua những biện pháp mạnh. Tại Sầm Sơn, năm nay, lễ khai mạc mùa du lịch hè không "choang choang" kiểu "… biển gọi", mà gần gũi hơn với chủ đề "Sầm Sơn - sức khỏe, bạn bè". Thị xã biển của tỉnh Thanh Hóa đề ra 9 giải pháp nhằm cải thiện môi trường du lịch, trong đó, những chủ kinh doanh ưa lối "chặt chém" có thể phải nhận hình phạt cấm kinh doanh vĩnh viễn. Tại Hà Nội, quãng 7-8 năm nay không còn nhiều hiện tượng kinh doanh chụp giật do người Hà Nội đã hiểu cách làm du lịch hơn. Mặt khác, vào mỗi dịp lễ lớn, Sở VH-TT&DL Hà Nội đều có công văn gửi đến tất cả các công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng, yêu cầu quán triệt tinh thần chung là không tăng giá, những cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, không chỉ bị phạt nặng mà còn bị nêu tên trên trang web của Sở.
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Mai Tiến Dũng, cần phải kiên quyết thực hiện mục tiêu xây dựng hình ảnh điểm đến, nâng cao ý thức bảo vệ thương hiệu và uy tín. Để ngăn chặn tình trạng “chặt chém” thì phải coi trọng việc giáo dục ý thức của cộng đồng trong việc làm du lịch, việc này không chỉ thực hiện một lần mà phải tiến hành thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, cần phải kiên trì áp dụng chế tài mạnh, có các hình thức phạt bổ sung nhằm răn đe những nơi làm ẩu.