Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Ba “nhà” chưa chung một “mái”
Giáo dục - Ngày đăng : 07:38, 03/05/2014
Chênh vênh 3 nhu cầu
Đó là nhu cầu đi học của người dân, nhu cầu nhân lực của xã hội và nhu cầu đào tạo của các trường. Trên thực tế, các cơ sở đào tạo hiện nay mở rộng ngành nghề, tăng quy mô tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu của người dân. Hằng năm, ước tính, hệ thống GDĐH cho ra "lò" gần một triệu lao động nhưng theo bản tin cập nhật thị trường lao động quý I-2014 do Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê, cả nước có thêm 72.000 lao động thuộc nhóm có trình độ ĐH, CĐ bị thất nghiệp so với số thất nghiệp ở quý IV-2012. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động trình độ ĐH trở lên tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Rõ ràng có sự vênh nhau giữa nhu cầu đi học của người dân và nhu cầu nhân lực của xã hội.
Hiện nay, đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn với nhu cầu của xã hội.Ảnh: Bảo Lâm |
Dù còn những quan niệm khác nhau về nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng có một điểm đã được thống nhất là nguồn nhân lực ấy phải đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động. Trong khi đó, đào tạo chưa gắn với nhu cầu nhân lực của xã hội, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp - một trong những vấn đề bức xúc của ngành GDĐH của nước ta những năm gần đây. Sinh viên tốt nghiệp khó tìm được việc làm hoặc công việc không phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, chi phí để đào tạo lại. Tình trạng nhà trường "đơn phương" đào tạo, còn doanh nghiệp đứng ngoài cuộc, chỉ "tuyển chọn" những sản phẩm đào tạo có sẵn và "phê phán" nhà trường đào tạo không sát với nhu cầu của họ vẫn còn tương đối phổ biến.
Bởi thế, một trong những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp đang gặp là thiếu đội ngũ lao động có trình độ, có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Vai trò của các trường đại học trong việc đào tạo và cung ứng lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp là điều rất cần thiết và cấp bách. Do đó, sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là cần thiết bởi vì sự tồn tại và phát triển bền vững đem lại lợi ích chung cho cả hai bên. Sẽ phải chuyển từ đào tạo theo khả năng của các nhà trường sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội, của thị trường lao động, phù hợp với khả năng và thế mạnh của nhà trường là một định hướng quan trọng của GDĐH để triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT. Nhưng chuyển như thế nào và bằng cách nào?
Không chỉ bằng lợi ích
Thực tiễn cho thấy, các bên đều không muốn kéo dài tình trạng "đồng sàng dị mộng" đó. Bởi thế, một vài năm gần đây, cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng lao động đã đổi mới, nhà trường thì chủ động tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, còn các doanh nghiệp cũng tham gia nhiều hơn vào quá trình đào tạo. Nhờ đó, nhà trường đã gắn kết tốt hơn với xã hội trong quá trình đào tạo, một mặt tìm hiểu được nhu cầu của xã hội để biết xã hội đang cần đào tạo những ngành nào và kỳ vọng gì ở những sản phẩm của mình, trên cơ sở đó đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo cho phù hợp. Mặt khác, nhà trường cũng "xã hội hóa" quá trình đào tạo, hợp tác và lôi cuốn được các đối tác tiềm năng trong xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp và người sản xuất, cùng tham gia vào quá trình đào tạo, làm cho người học gần hơn với môi trường mà sau này họ sẽ làm việc và học được những gì mà sau khi ra trường họ cần sử dụng. Cùng với sự chủ động của các trường, hiện cũng có doanh nghiệp mong muốn tham gia giảng dạy một số chuyên đề để trang bị, cung cấp thêm kiến thức thực tế cho sinh viên. Cũng có doanh nghiệp đề xuất, lấy các vấn đề đang đặt ra đối với doanh nghiệp làm đề tài tốt nghiệp cho sinh viên, cán bộ của doanh nghiệp cùng tham gia hướng dẫn tốt nghiệp. Tuy nhiên, sự phối hợp này còn phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của lãnh đạo, chưa thành nhu cầu sống còn của cả hai, hoạt động hợp tác chủ yếu dựa trên quan hệ cá nhân chứ chưa được tổ chức một cách bài bản. Đặc biệt, Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để phát triển mối quan hệ này.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố sống còn để CNH, HĐH thành công. Nhưng làm thế nào để liên kết các nhà nghiên cứu - nhà hoạch định chính sách; giữa đào tạo với các doanh nghiệp; vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo và phát triển nhân lực cao phải được xác định như thế nào hiện vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.