Tái cấu trúc tổ chức tín dụng: Nhiều ngân hàng chấp nhận mất tên
Tài chính - Ngày đăng : 07:24, 03/05/2014
Một trong những thương vụ được nhắc tới nhiều cuối năm vừa qua là việc Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) sáp nhập với Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) và mua lại Công ty Tài chính Société Générale (SGVF - Pháp), nay là HDFinance. Kết quả của thương vụ này là cái tên DaiABank biến mất trên thị trường tài chính ngân hàng, nhưng HDBank lại tăng nguồn vốn điều lệ lên 8.100 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 86.227 tỷ đồng, cùng mạng lưới 190 điểm giao dịch của HDBank và 1.121 điểm giới thiệu dịch vụ của HDFinance trên toàn quốc. Năm 2014, HDBank đặt mục tiêu đạt tổng tài sản 104.607 tỷ đồng, huy động 76.000 tỷ đồng, cho vay 53.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.028 tỷ đồng. Không chỉ có HDBank được lợi từ thương vụ sáp nhập, những ngân hàng khác như LienVietPostBank, SHB… cũng có thêm hàng trăm điểm giao dịch, với tổng tài sản mạnh hơn nhiều sau khi sáp nhập với những đơn vị khác.
Cái tên khác cũng "vượt bão" khá thành công là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Sau công cuộc "cải tổ" vì không muốn bị mất tên trong hệ thống ngân hàng, TPBank đã hoạt động khá bền vững. Trong 4 tháng đầu năm, ngân hàng này đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, lợi nhuận lũy kế trên 20% kế hoạch cả năm, huy động tăng 8%, dư nợ tăng 12%. TPBank cũng phấn đấu tăng tổng tài sản lên 50.000 tỷ đồng, lợi nhuận 438 tỷ đồng trong năm 2014, lượng khách hàng tăng 60%, nợ xấu kiểm soát dưới 2,5% để có thể chạm tới mục tiêu là một trong những ngân hàng lớn nhất trong hệ thống. Cuộc sáp nhập khác gây sự chú ý không kém là Tổng Công ty Tài chính CP Dầu khí (PVFC) "bắt tay" với Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank) ra đời Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcomBank). Sau một thời gian khó khăn xoay xở với khoản nợ xấu cồng kềnh (dư nợ gốc của Vinashin là hơn 1.000 tỷ đồng, Vinalines khoảng gần 1.750 tỷ đồng), hiện nay PVcomBank đã hoạt động ổn định, nợ xấu đã giảm xuống mức an toàn hơn. Ngân hàng có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt hơn 100.000 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) chiếm 52% và 6,7% vốn điều lệ thuộc cổ đông chiến lược Morgan Stanley.
Tại đại hội cổ đông vừa tổ chức của Maritime Bank, nội dung nhận sáp nhập với MDB đã được đưa ra. Dự kiến, ngân hàng sau sáp nhập sẽ nằm trong top 5 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất cả nước (hiện tại, vốn điều lệ của Maritime Bank là 8.000 tỷ đồng, vốn điều lệ của MDB là 3.750 tỷ đồng) và có mạng lưới lớn thứ ba trong khối các ngân hàng TMCP mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối, với gần 300 điểm giao dịch. Nếu thương vụ sáp nhập này được thực hiện, Maritime tự tin đặt kế hoạch cho năm 2014 là tổng tài sản đạt gần 112.000 tỷ đồng, vốn huy động 83.600 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 51.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 265 tỷ đồng…
Một số ngân hàng cũng đang có kế hoạch hợp nhất với đơn vị khác như Viet Capital Bank, PG Bank... Điểm chung của những vụ sáp nhập có thể diễn ra trong thời gian tới là ngân hàng quy mô nhỏ muốn kết hợp với nhà băng quy mô lớn hơn, chấp nhận bị xóa tên trên thị trường tài chính ngân hàng, nhưng lại có cơ hội tồn tại, bảo đảm quyền lợi cho toàn bộ cổ đông, cũng như cán bộ, nhân viên của ngân hàng. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khẳng định, ngay từ đầu quý II, NHNN sẽ bắt đầu chương trình tái cấu trúc một số tổ chức tín dụng mới. Dự kiến năm 2014, NHNN sẽ tái cấu trúc hoặc sáp nhập 6-7 ngân hàng. Như vậy, sẽ đưa tổng số ngân hàng bị giải thể, rút giấy phép lên 7-10 ngân hàng.
Theo các chuyên gia, những cuộc sáp nhập hay tự tái cơ cấu của ngân hàng thời gian qua đều thành công, nợ xấu cũng đã giảm mạnh so với những thời điểm trước. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục cần những cuộc "cải tổ" để loại bớt ngân hàng yếu, thiếu thanh khoản, gây ảnh hưởng tới những ngân hàng khác. Thực tế là ngay từ những tháng đầu năm 2014, trong đại hội cổ đông của các ngân hàng, có thêm nhiều cái tên xin cổ đông thông qua chủ trương mua bán, sáp nhập. Đó là Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) xin sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) hay Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB) muốn về với Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MaritimeBank). |