Thách thức vì dự án Keystone XL
Thế giới - Ngày đăng : 07:08, 03/05/2014
Đường ống Keystone XL được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2008. Theo kế hoạch phác thảo, đường ống dẫn dầu Keystone XL với tổng vốn đầu tư lên tới 7 tỷ USD dài hơn 2.700km chạy từ tỉnh Alberta của Canada tới Vịnh Mexico ở miền Nam nước Mỹ, đi qua 6 bang của nước này và kết thúc tại các nhà máy lọc dầu ở thành phố Houston và cảng Athur, bang Texas. Từ khi bắt đầu dự án đường ống dẫn dầu xuyên quốc gia hợp tác giữa hai nước láng giềng này đã trở thành vấn đề chính trị gây tranh cãi tại Mỹ. Trong khi các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa tích cực ủng hộ và thúc giục Tổng thống Barack Obama phê duyệt dự án, nhiều nhà hoạt động môi trường lại phản đối mạnh mẽ vì lo ngại đường ống sẽ làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ và có thể dẫn tới thảm họa sinh thái nếu xảy ra sự cố tràn dầu. Năm 2011, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường từng tổ chức cuộc biểu tình ngay trước Nhà Trắng. Do đó, chính quyền Mỹ đã nhiều lần trì hoãn phê duyệt dự án này trong năm 2011 và 2012. Nhưng theo báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường của dự án Keystone XL do Bộ Ngoại giao Mỹ phát hành mới đây, những lo ngại về môi trường là không đáng kể và cũng không ảnh hưởng đến sản lượng dầu cát hay việc tiêu thụ dầu của Mỹ.
Phản ứng lại quyết định trì hoãn thực hiện dự án Keystone XL của Mỹ, Chính phủ Canada đã bày tỏ sự thất vọng. Thủ hiến tỉnh Alberta Alison Redford nhận định rằng, lịch sử hội nhập kinh tế lâu dài giữa Canada và Mỹ đang đứng trước thách thức lớn nếu dự án Keystone XL không được phê duyệt và việc bác bỏ dự án đồng nghĩa với việc Mỹ đã không còn coi Canada là một đối tác thương mại đáng tin cậy. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế đánh giá Canada sẽ mất tới hơn 50 tỷ USD trong vòng ba năm, nếu chính quyền của Tổng thống Barack Obama tiếp tục trì hoãn việc phê duyệt dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL. Chuyên gia kinh tế thuộc CIBC World Markets Peter Buchanan cho biết, việc trì hoãn phê duyệt dự án Keystone XL của chính quyền Mỹ sẽ đẩy chi phí sản xuất dầu của các công ty Canada tăng cao hơn. Canada sẽ tổn thất chi phí lên đến 20 tỷ USD trong năm 2013; 15,2 tỷ USD trong năm 2014 và 16,5 tỷ USD trong năm 2015.
Dẫu vậy, trong bối cảnh vẫn còn khoảng 21 triệu người Mỹ thất nghiệp, thu nhập của các hộ gia đình trung lưu đang ở mức thấp thì chính quyền của Tổng thống B.Obama dường như không muốn trì hoãn lâu hơn dự án Keystone XL nhằm mang lại nguồn lợi kinh tế cho hai bên cũng như góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người dân hai nước.