Điện Biên Phủ hôm nay và Một thời hào hùng
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:39, 03/05/2014
LTS: Những ngày đầu tháng 5 này, dường như mọi ngả đường đều đổ về Điện Biên Phủ - mảnh đất ghi dấu chiến thắng huyền thoại đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… một chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Phóng viên Báo Hànộimới đã ghi lại không khí náo nức của nhân dân cả nước cùng đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; lần tìm quá khứ về sự đóng góp của người dân địa phương - những "nốt trầm" ít được ngân lên trong bản hùng ca chiến thắng; những tấm gương cựu chiến binh vượt khó làm giàu xây dựng quê hương; tình cảm, sự hỗ trợ của Hà Nội và các tỉnh, thành bạn giúp Điện Biên trong công cuộc xây dựng và phát triển…
Toàn cảnh thành phố Điện Biên Phủ hôm nay. Ảnh: Hải Trang |
Bài 1: Những “nốt trầm” trong bản hùng ca
1. Hẳn cứ thật thà và tin theo lời cán bộ UBND xã Thanh Xương, huyện Điện Biên thì chúng tôi đã không thể gặp được những nhân chứng hiếm hoi còn lại của một thời. Mặt tưng bừng chẳng biết do nắng nóng của những cơn gió Lào đầu mùa bỏng rát hay vì men rượu ngô còn nồng, mấy anh cán bộ líu ríu thay nhau quả quyết rằng: Không biết đâu vớ. 60 năm rồi, chỉ còn một vài người đều đã quá già, bệnh tật, lãng trí… không thể nói được đâu. Nói tóm lại, theo họ là chúng tôi không nên đi tìm nhân chứng nữa, chỉ uổng công thôi. Cũng may Ban Biên tập Báo Điện Biên Phủ đã cử phóng viên Trần Hương từng là cô giáo cắm bản lâu năm, rất rành tiếng Thái cùng đi để yểm trợ, thế nên sau một hồi dò hỏi chúng tôi cũng tìm được “mỏ vàng”.
2. Cách UBND xã chừng 500m là gia đình bà Lò Thị Pướu - dân bản Noong Nhai (xã Thanh Xương) chính gốc. Năm nay đã hơn 90 tuổi nhưng nom bà Pướu còn khỏe và minh mẫn lắm. Móm mém, chậm rãi bà kể: Năm 1953, bản Noong Nhai chỉ có chừng 40 hộ, khi ấy bà con trong bản chưa biết gì về việc bộ đội đang bí mật gấp rút điều tra địa bàn, tìm đường kéo pháo đánh vào các cứ điểm… nhưng hễ thấy các anh về là tìm cách che giấu. Vẫn biết nếu địch phát hiện nuôi giấu bộ đội là sẽ bị giết cả nhà, nhưng cả bản không ai run sợ, nhiều người đã đào hầm để Việt Minh về có chỗ trú ẩn. Có lúc các anh bị địch truy lùng gắt gao, bà Pướu đã cho mượn quần áo để cải trang làm người Thái, đưa vào buồng trùm chăn nói là người nhà bị ốm. “Bộ đội tốt với dân lắm, các anh đều từ dưới xuôi lên đây, chiến đấu, hy sinh vì dân tộc, vì bà con vùng cao thì mình phải giúp họ chứ. Ông Khiêm, ông Hùng, ông Hoạt (những người đã từng ở nhà bà Pướu)… đều là bộ đội tốt lắm, đi vào lòng dân chúng tao rồi” - bà Pướu nói.
“Tháng 11-1953, khi đó dân bản đang gặt thì “xe bin” - tiếng Thái có nghĩa là máy bay - của Pháp kéo đến nhiều như nhặng bu trên cánh đồng Mường Thanh. Bọn chúng thả bom, dồn dân, đổ lính xuống lập trại tập trung” - Ông Lò Văn É, em bà Pướu vẫn ngồi nghe chị nói, giờ mới góp chuyện. Ông É khi đó mới 15 tuổi nhưng nhớ rất rõ là khi cán bộ vận động, dân làng ai có gạo góp gạo, có lợn góp lợn… nhà ông góp một con trâu. Bọn Pháp tức lồng lộn vì dân tìm mọi cách tiếp tế cho bộ đội, nên hễ thấy trâu của dân là bắn chết lôi về đồn làm thịt, những nhà nghi có giấu Việt Minh, chúng cho xe cam nhông kéo sập, đem hết gỗ cột, vách về làm công sự.
Khớp lại những gì bà Pướu, ông É kể và chuyện chúng tôi nghe được từ một số nhân chứng khác trong bản thì có thể hình dung ra “tình cảnh” Noong Nhai trước ngày Điện Biên giải phóng thế này: Cuối năm 1953, sau khi nhảy dù xuống Điện Biên, để ngăn không cho đồng bào tiếp tế, giúp đỡ bộ đội, giặc Pháp đã dồn dân vào 4 trại tập trung. Hơn 3.000 người ở các xã Noong Luông, Sam Mứn, Noong Hẹt, Thanh An, Thanh Xương được đưa về Noong Nhai, nơi có trại tập trung lớn nhất, rộng hơn 10ha, được dựng lên vội vã, lán bằng tre lợp rơm rạ để ở tạm, lán nào cũng vẹo vọ, chật chội và rất mất vệ sinh, xung quanh chằng chịt dây thép gai. Để ngăn dân phá rào, bỏ trốn, địch cho đào hào sâu, gài mìn xung quanh, lập nhiều bốt canh giữ. Âm mưu của chúng nhằm cô lập bộ đội với nhân dân, khai thác sức dân để xây dựng hầm hào, đồn bốt. Trai tráng bị sung quân, làm bia đỡ đạn, phụ nữ và trẻ em thì bị lính Pháp bắt lao động khổ sai, bị hà hiếp rất thương tâm. Nghe bà Pướu kể, tôi chợt nhớ đến bài hát Em bé Mường La, trong đó có đoạn: “Phú Tầy ác lắm noọng ơi, noọng ời/Nó đốt bản nó dồn dân bao ruộng đồng bỏ hoang/Cha em phải đi phu, nó đánh chết vứt xác bên khe/Mẹ em không chịu nhục, lẩn lút sống trong rừng/Một dạ nuôi em, đói rét lầm than”.
Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ đang ở đợt tấn công thứ hai, đứng trước nguy cơ bị thất bại hoàn toàn, 2h chiều 25-4-1954, Đờ-Cát đã cho 4 máy bay Đa Cô Ta chở hàng trăm bom sát thương và bom napan trút xuống trại tập trung Noong Nhai, nhằm đúng lúc dân đang đến rất đông để đưa một đám tang. 444 người trong đó đa số là người già, phụ nữ và trẻ em đã chết cháy, bị vùi trong đất đá, nhiều gia đình chết không còn một ai, như nhà ông Lường Văn Cu có 7 người, chết cả 7, nhà ông Lù Văn Inh chết cả 6, đau đớn nhất là nhà ông Lường Văn Puốn có 22 người, chết 21… Để tưởng niệm những người dân vô tội đã phải chết bởi sự tàn ác của thực dân Pháp, năm 1984 khu tưởng niệm đã được xây dựng ngay tại hố bom cũ ở bản Noong Nhai.
60 năm đã qua, bản Noong Nhai tan hoang ngày nào giờ đã có dáng dấp phố thị “ngoại ô” thành phố Điện Biên Phủ. Ông É nhớ như in, sau ngày 7-5-1954, dân từ các trại tập trung lục tục trở về quê, nhà ông ở cách trại có 6km mà phải đi bộ đẫy 3 ngày mới về đến nơi. Tại sao ư? - À là vì cả cánh đồng Mường Thanh khi đó dọc ngang toàn giao thông hào, hố bom và vô số mìn. Muốn về bản cũ phải đi vòng, theo các triền núi mà đi cho an toàn - ông É giải thích. Ông É còn cho biết thêm: Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đi bộ đội vũ trang, nghe Khu ủy Tây Bắc tính toán, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã đóng góp cho Chiến dịch Điện Biên Phủ như sau: Gạo 2.666 tấn, thịt 226 tấn, rau xanh 210 tấn, huy động được 16.972 dân công, tính ra bằng 517.210 ngày công, 348 con ngựa thồ, 38 thuyền mảng, góp hơn 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo vượt qua...
Các cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa. |
Sau giải phóng, Chính phủ đem muối lên trả ơn những gia đình có công đóng góp cho cách mạng. Nhà ông É được 3 tạ muối, ăn mấy năm mới hết. Chiến tranh kết thúc, dù đau thương chồng chất như núi nhưng người dân Noong Nhai vẫn nhanh chóng dựng nhà, ổn định đời sống, cải tạo đất hoang, trồng trọt trở lại. Bản Noong Nhai hiện có 82 hộ, chủ yếu trồng lúa và chăn nuôi lợn, gà, thả ao cá. Mấy gia đình quê gốc Thái Bình ở Noong Nhai khoe với chúng tôi là tham gia xây dựng kinh tế mới ở Điện Biên (ở đây vẫn có câu ca Thái đen, Thái trắng, Thái Bình. Ba Thái đồng tình xây dựng Điện Biên) từ năm 1972. Họ nhớ: “Ngày ấy vợ chồng con cái chúng tôi rồng rắn, quang gánh lên Điện Biên khai hoang, lập nghiệp. Buổi đầu, nhiều hộ gặp không ít khó khăn, thiếu thốn nhưng đa số đều cố gắng bám đất để trồng trọt, chăn nuôi nên kinh tế dần ổn định. Giờ nhiều nhà đã khá giả, có của ăn, của để, con cái được học hành, có công việc ổn định. Trước kia, đời sống bà con dân tộc trong bản thiếu thốn, bữa đói, bữa no, trình độ dân trí hạn chế. Nay bản Noong Nhai đã đổi khác, người dân no đủ, cuộc sống sung túc hơn nhiều”. Ông Lò Văn Dưỡng, Trưởng bản Noong Nhai hồ hởi nói: Bản có 16ha ruộng trồng lúa hai vụ, nhờ áp dụng kỹ thuật, chăm sóc tốt, nước tưới tiêu đủ nên năng suất cao, trung bình mỗi vụ được khoảng 6,5 tấn/ha, mà toàn là gạo đặc sản Điện Biên nổi tiếng. Năm 2014, Noong Nhai chỉ còn lại hai hộ nghèo nhưng không ai phải ở nhà tạm, bản đã được công nhận Bản Văn hóa…
Tôi ngỏ ý muốn được ra thắp hương tại khu di tích Noong Nhai, bà Pướu nói sẽ cúng ở nhà vì già yếu rồi, không đi được xe máy. Vả lại, gia đình bà cũng có mấy người thân bị chết trong trận bom, ngày 25-4 là ngày giỗ chung của cả bản, cả xã… Ông É lật đật thay bộ quần áo mới, kêu đứa cháu đưa đi. Lúc nhận nén hương tôi đưa, ông thì thầm: “Mình có người yêu chết trong trận bom đấy! Đau đớn lắm, nhưng dân Noong Nhai, dân Điện Biên vẫn một lòng theo Đảng đến ngày toàn thắng”. Rồi ông É lầm rầm khấn gì đó, nghe không rõ bởi mắt tôi khi đó nhìn vào bức tượng người phụ nữ Thái với gương mặt được khắc họa sự đau đớn tột cùng, đang ôm đứa con bị chết vì bom trên tay, nhưng trong đầu lại miên man về sự vô lý, tàn bạo của chiến tranh; về những hy sinh vô bờ bến của đồng bào các dân tộc Tây Bắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; về ngọn nguồn làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ - một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước…
(còn tiếp)