Hai lần thăm, lỡ yêu Ukraine mất rồi!

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 09:03, 02/05/2014

(HNMO) - Với đất “U” (cách gọi của người Việt tại Ukraine) trong tôi có nhiều kỉ niệm khó phai.


Chuyến thăm thứ nhất: Hồi hộp…

Ấy là mùa hè tháng 6 năm 2007, khi có một người bạn mời tôi đến thăm cho biết đất “U” ra làm sao? Dĩ nhiên là tôi không từ chối. Dù đã ở Nga khá lâu nhưng qua nước bạn để thăm thú dã ngoại là điều mà “máu lãng du” trong tôi không bao giờ cạn.

Chúng tôi gồm hai người, xuất phát từ ga Kurxkaia khoảng 21 giờ đêm. Con tàu hú một hồi còi dài tạm biệt rồi khe khẽ rùng mình, nhẹ nhàng trườn ra khỏi Mátxcơva hoa lệ… Đêm mùa hè ở nước Nga trên cánh đồng thật là lãng mạn. Bóng đêm cứ dài hun hút, gió mát ve vuốt mơn man qua khuôn mặt thêm mát lạnh. Một bà già Nga vẻ phúc hậu đi qua nhìn vào “Cub” (phòng riêng dành cho 4 người) khẽ bảo tôi: “Cẩn thận đấy anh bạn châu Á, đêm dù sao cũng không tốt cho anh bạn khi đứng vươn ra như vậy đâu!”...

Tôi cứ ngồi lặng lẽ ngắm trời sao trong đêm vun vút lao qua khung cửa sổ tàu. Những cánh đồng, làng mạc của nước Nga vụt tới rồi vụt lùi lại sau lưng… Phía trước sẽ là cánh đồng, làng quê và con người Ukraine… lạ lẫm, thú vị đang chờ đợi. Đêm mùa hè tháng 6 ở Nga thật dễ chịu, nó gợi nhớ tới mùa hè ở làng quê Việt Nam, nơi đã lâu lắm rồi tôi chưa trở về thăm!

Nhà thờ và tàu điện ở Odessa.


… Nửa đêm giấc ngủ đang ngon lành nhưng cứ chập chờn trong tiếng xình xịch đều đều của bánh sắt con tàu nghiến trên đường ray thì mọi người bỗng giật mình vì tiếng hãm phanh kêu ken két báo hiệu tàu sẽ dừng. Qua cửa khẩu Nga – Ukraine? Tàu dừng hai lần để kiểm tra giấy tờ hành khách: một tại phía biên phòng Nga và một tại biên phòng Ukraine. Với tôi thì không sao, vì vốn là “người Nga gốc Việt” mà! Nên chuyện đi lại trong SNG (các nước thuộc Liên Xô cũ) chỉ là “chuyện bình thường ở huyện”. Nhưng với người bạn đồng hành thì có vấn đề chút ít. Mặc dù là thương nhân đi lại nhiều lần qua các cửa khẩu hàng không như cơm bữa, đến nỗi cái con dấu không còn chỗ len chân ở cuốn hộ chiếu, nhưng vì bạn tôi mang hộ chiếu Việt Nam, nên vẫn không tránh khỏi bị xét nét. Hai cảnh sát cửa khẩu “U” dáng to cao lừng lững, lạnh lùng mời bạn tôi đi theo, tôi để ý thấy anh bạn tôi vừa nhét vội chút tiền USD vào bên trong cuốn hộ chiếu vừa nói nhỏ: “Thủ tục nhập cảnh ấy mà, anh yên tâm, tôi sẽ không sao đâu!”. Tôi hơi hồi hộp chờ đợi vì cả toa tàu mà chỉ có mỗi anh bạn tôi được “mời” đi? Nhưng chỉ nhoắng cái độ 2 phút sau thì anh bạn đã trở lại, vẻ mặt bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Có lẽ chả cần giải thích thêm. Mà cũng đúng thôi, bởi anh bạn tôi đi lại Nga – Ukraine tuy không thường xuyên nhưng cũng một năm khoảng hai, ba lần, vì có các cơ sở làm ăn ở bên đó, nên cái “khoản” này cũng đã thành thạo.

Cũng cần nói thêm, khi điền vào mục lí do đi lại, chúng tôi phải ghi là đi xa hơn, cụ thể là tới thành phố cảng Odessa – lí do là đi thăm bạn bè người Việt làm ăn tại “U”, mà bà con mình thì thời điểm này đang bán buôn ở chợ km số 7 có cả hàng ngàn chục người, dĩ nhiên là chúng tôi phải đến vùng Kharcov trước, chuyến hành trình sau đó mới tới cảng biển Odessa.

Ra đón tại ga Kharcov là hai đứa cháu của bạn tôi: Một bán buôn ở chợ, một đang làm nghiên cứu sinh. Bốn người cùng lên chiếc xe ôtô hiệu “Chevrolet” của đứa cháu bạn tôi đang bán hàng tại chợ và rong ruổi mấy vòng quanh thành phố với mục đích cho tôi được mãn nhãn tí chút về thành phố của “U”. Khỏi phải nói tôi đã chú ý tới thành phố có nhiều nét cổ kính với vẻ ngạc nhiên thích thú như thế nào. Rộng, đẹp, sạch sẽ… đó là ấn tượng ban đầu của tôi về Kharcov. Tương tự như ở Nga, từ nhà cửa, con người, mọi phương tiện giao thông, khí hậu, tiếng nói. Bởi Nga và Ukraine vốn là “anh em” trong cộng đồng Xô-Viết.

Tôi vẫn thấy ở “U” có cái gì đó mang dáng dấp cổ kính thú vị. Tuy na ná như phong cách của Nga nhưng vẫn có nét riêng đấy. Con người cũng không hoàn toàn giống Nga đâu. Họ có phong cách riêng của người Ukraine. Tôi để ý thấy dân tình trao đổi với nhau bằng tiếng Nga với kiểu phát âm đã quen thuộc bao nhiêu năm ở Nga rồi. Tuy nhiên, vẫn lác đác có những âm tiết là lạ, mà tôi đoán là tiếng “U” của họ. Đúng thế, tôi còn nhìn thấy trên các bảng hiệu cơ quan nhà nước hoặc cửa hàng xen lẫn giữa chữ cái tiếng Nga là cả phần chữ viết bằng tiếng Ukraine. Những nét chữ là lạ trông rất thú vị.

Người dân “U” phần đông là có màu mắt đen, cặp mắt to tròn, thỉnh thoảng cũng gặp người có những cặp mắt xanh da trời, tóc hầu như đen nhiều hơn là màu nâu, vàng. Ngược lại, người Nga thì hầu như là tóc vàng hoặc nâu, mắt xanh da trời, da trắng. Tuy nhiên vì người Nga hoặc là người gốc Nga ở đây cũng nhiều nên có sự pha trộn dòng máu với người “U”. Bởi thế tạo nên một “thế hệ F” rất đẹp, nhất là ở những cô gái Ukraine. Tôi thấy gái Nga đã rất xinh đẹp rồi, đến đây mới thấy con gái Ukraine chả kém gì! Thậm chí ở những người con gái Ukraine còn có nét sắc sảo mặn mà hơn. Một vẻ đẹp đến mê hoặc. Và có nét chung giữa con gái Nga và Ukraine là không chỉ có xinh đẹp, họ còn rất hiền lành. Thực ra, ở trên Mátxcơva tôi cũng đã gặp nhiều cô gái Ukraine sang đó làm ăn, học tập và sinh sống. Nhưng đến đây mới thấy hết vẻ đẹp sâu thẳm đầy chất “U” ẩn chứa trong những bóng hồng thật sự...

Đêm dạo chơi ở chợ Kharcov mới thấy bà con làm ăn thu nhập cũng khá, tuy có vất vả. Điều lạ hơn là ở Kharcov có chợ đêm mua bán đến 7 giờ sáng hôm sau thì kết thúc. Tha hồ mà đi dạo. Trời hè lại mát mẻ. Cảm giác buồn ngủ tiêu tan. Tôi đi mà cứ ngỡ như đang đi ở Mátxcơva vậy. Những bóng người quen thuộc, tiếng nói quen tai có, lạ có… Gặp mấy người dân quê mình, dừng lại trò chuyện hỏi han về thời tiết, giá cả, công việc làm ăn, chuyện gia đình vợ con. Chợ rất rộng, trần nhà cao, thoáng. Hàng hóa đủ chủng loại ngập tràn… và phần nhiều được lấy ở Mátxcơva về và được đưa từ cảng Odessa lên. Được biết TTTM này chiếm trọn khu đất có diện tích mấy chục ngàn mét vuông, đi mỏi cả chân.

Ở Kharcov mấy hôm, chúng tôi lại hành quân về Odessa. Lần này ngoài hai chúng tôi, có thêm hai đứa cháu bạn tôi nói trên lại có cả cô bé con đứa cháu bạn tôi bán buôn ở chợ. Toa chỉ dành cho 4 người, mà đoàn thì có 5 người? Dĩ nhiên bố phải nhường giường cho con gái, rải tấm nệm xuống sàn đánh một giấc vô tư trong tiếng sình sịch và cả tiếng hú xuyên đêm của còi tàu…

Đến Odessa, đứa cháu của bạn tôi đưa xe ra đón. Lại một vòng dạo quanh thành phố cảng, nơi mà tôi chỉ biết qua màn ảnh từ thời còn ở VN. Phải nói Odessa rất khác với Kharcov. Cái lạ nhất là nhà cửa ở đây không có nhà cao tầng? Đấy là nhận xét đầu tiên của tôi. Hầu như chỉ có 2, 3 tầng hoặc cao nhất là 4? Theo lời mấy đứa cháu nói: Ở Odessa vì tính chất của vùng đất sát biển nên không được phép xây nhà cao tầng nhằm tránh hậu họa. Thì ra vậy, nhưng điều đó lại có vẻ làm tôi thích thú. Vì được đi trong không gian cổ kính, trầm mặc bởi những tòa nhà cổ nhiều hơn, rêu phong cũng nhiều hơn và người dân ở đây cũng có vẻ ít nói hơn nhưng rất mến khách…

Cảnh phố xá có cái gì giông giống với Hà Nội cổ? Cũng những ngôi nhà kiến trúc kiểu cổ, những hàng cây xanh thấp ven đường, nhiều đoạn đường lát đá chứ không rải nhựa, nhà nhà sát với mặt đường qua các cửa hiệu sáng ánh đèn ở tầng một và lấp loáng những biển quảng cáo đủ loại… Người đi bộ trông nhàn tản. Khách ngoại quốc rất nhiều và đủ các quốc gia, tôi nói đùa với mọi người cùng đi: “Xem ra ở Odessa này như là hợp chủng quốc ấy nhỉ”. Mọi người cười tán đồng.

Lần đầu nhìn thấy đồng grivna – tiền “U”, trông là lạ và giá trị quy ra USD so với đồng rúp thì thấp hơn, khoảng: 1 USD/29 rúp Nga, trong khi đó 1 USD/5 grivna. Như vậy để thấy đồng grivna có vẻ là… có giá trị cao hơn đồng rúp.

Người Việt mình ở Odessa cũng tương đối đông, vẫn chủ yếu là bán buôn. Tôi đặc biệt ấn tượng khi đến thăm khu Chợ km số 7, ấy là cách gọi nôm na dân dã của bà con mình kiểu như Chợ km 41 ở Mátxcơva vậy! Chợ km số 7 nằm cách xa trung tâm thành phố hơn chục km, có mô hình y chang như chợ Vòm (Cherkidov ở Mátxcơva) chủ yếu là hoạt động ngoài trời, nhà có vòm mái che và sử dụng bằng các container là chủ yếu. Thậm chí họ xếp lên 2 tầng container. Mà giá bán thì… khủng không khác gì ở chợ Vòm!

Thời tiết ở trung tâm thành phố cảng Odessa mùa hè khá nóng, mồ hôi vã ra thấm áo. Nhưng vì gần biển nên tôi luôn có cảm giác như những ngọn gió mát mang hơi thở của biển cả? Và khi cả đoàn vi vu ra với biển Odessa thì khó nói cảm xúc dâng trào như thế nào? Tôi cứ ngỡ như mình đang đứng trước biển quê hương?

Chuyến thăm thứ hai: Lỡ yêu Ukraine mất rồi!

Mùa đông năm 2007, bạn tôi lại “rủ rê” đi tiếp, còn chờ đợi gì nữa? Có điều lần này sát tết âm lịch, lúc quay về tới Mátxcơva sẽ là 25 tết, chuyến đi sẽ chiếm trọn nửa tháng. Tôi dặn dò vợ con vài thứ, nhất là nhớ thắp hương ngày 23 tết cho ông Táo về trời.

Tôi và bạn tôi lại đáp xe lửa đi Ukraine. Từ Mátxcơva đi Kharcov trong phòng Cub của bọn tôi hôm nay chỉ có 2 chúng tôi, khoảng nửa đêm gần sáng thì mới có thêm 2 khách lên từ dọc đường.

Ra đón tại ga Kharcov vẫn là hai đứa cháu dạo nọ, chúng nó đưa bọn tôi về căn hộ của vợ chồng đứa cháu bạn tôi chứ không thuê nhà trọ như dịp hè vì thời gian lưu lại tại Kharcov ngắn, sẽ dành cho Odessa nhiều hơn vì bạn tôi có nhiều việc phải giải quyết ở đó.

Các cô gái Ukraine trong trang phục truyền thống tiếp đón khách theo phong tục.


Điều thú vị hơn chuyến trước vào dịp hè, lần này sau khi xong việc tại Kharcov, bọn tôi sẽ có chuyến vi hành hết sức thú vị bằng ô tô riêng xuyên đất “U” để đến với Odessa! Khỏi phải nói không khí của chúng tôi háo hức thế nào.

Xe, xăng, máy móc, lương thực, thực phẩm, giấy tờ và những thứ cần thiết khi đi đường đã chuẩn bị sẵn sàng. Xuất phát! Chỉ có 4 người: Tôi, bạn tôi và 2 đứa cháu lần trước.

Mùa đông giá lạnh âm hàng chục độ C, con đường dài phía trước sẽ rất khó khăn cho tay lái. Theo tính toán, ít nhất phải mất hai ngày đêm mới tới Odessa, bởi đoạn đường dài hàng mấy ngàn km xuyên từ đông sang tây Ukraine, lại hành trình trong mùa đông băng tuyết, trơn trượt khá nguy hiểm. Nhưng không vì thế mà làm chúng tôi nao núng, trái lại càng hấp dẫn lôi cuốn chúng tôi phiêu lưu. Xe vun vút lao qua các thành phố, làng mạc và cánh đồng của dải đất Ukraine màu mỡ. Những con đường thẳng tắp căng như sợi chỉ vắt mình nhấp nhô qua những cánh đồng đất đen màu mỡ sau mùa gặt hái nay đang ẩn mình dưới lớp băng tuyết trắng giá lạnh. Có một chi tiết thú vị, hôm từ Odessa trở về Kharcov của chuyến đi này, ông trời có vẻ khang khác, nắng có lên nên nhìn từ xa, chúng tôi có cảm giác như mặt đường loang loáng màu xanh? Hóa ra, đó là cái chất đá rải nền đường có màu xanh thật. Nhìn rất đẹp

Những đoàn xe ngược chiều nhau trong mưa tuyết loang loáng trước cửa kính xe, cần gạt phải hoạt động liên tục. Một cảm giác thích thú cứ lan man trong tôi. Chiếc máy ảnh nhỏ dùng phim Konica trên tay cứ nhoay nhoáy lia hết cảnh này đến cảnh khác. Xe có khi chạy bình bình trên đoạn đường bằng phẳng nhưng có những lúc là lên xuống theo độ nhấp nhô của những vùng đồi bình nguyên thoai thoải, ấy bởi đất châu u hầu như là vậy. Nó không có nhiều đồi núi cao nguyên như ở vùng châu Á. Phóng tầm mắt ra xa chỉ là những vùng đất mênh mông trải dài, dường như chân trời ở nơi xa lắm… Có những khi cả đoạn đường dài hun hút mà không có một bóng người hay xe cộ nào khác, chỉ có xe chúng tôi vẫn lao đi trong mưa tuyết vù vù quất vào thành xe lộp bộp với âm thanh của nhạc dân ca miền Trung thương nhớ…

Có khi chúng tôi cho xe dừng lại ở một quán thịt nướng (sasờlức) ven đường để nạp thêm “nhiên liệu” cho đỡ đói và lấy sức đi tiếp. Mùi bia, thịt nướng, bánh mì nướng lò kiểu dân dã… không khí ấm áp trong quán với tiếng cười nói vô tư, đôi mắt lúng liếng trên đôi gò má hây hây đỏ của cô chủ quán đẫy đà như làm chúng tôi quên đi hết những mệt mỏi đường trường.

Đêm đến chúng tôi tìm vào nhà trọ trong một thành phố hay thị trấn nào đó, cứ 2 anh một phòng. Tiền thuê phòng cũng không cao lắm so với mặt bằng ở Mátxcơva. Nhà trọ bình dân nhưng sạch sẽ đầy đủ, cung cách phục vụ cũng cởi mở. Ăn uống thì ra kiốt ngoài đường hoặc cửa hàng (praduckti) mua thực phẩm đưa về phòng cùng ăn.

Tôi vẫn cảm thấy người dân Ukraine còn nghèo lắm, có khi họ còn nghèo hơn dân Nga ấy? Nhận xét đó của tôi được mọi người đồng tình. Nhất là ở những miền thôn quê trên suốt chặng đường chúng tôi đi qua trong chuyến hành trình này. So với những năm tháng thời còn Liên Xô, cuộc sống của họ có vẻ như chẳng có gì thay đổi mấy? Vẫn là nét mặt khắc khổ của các ông bà cụ đã trải qua bao đau thương của thời chiến tranh thế giới lần thứ 2; là những cuộc cách mạng cải tổ của thập niên 90…; là cuộc Cách mạng Cam xảy ra 2004…

Trong chuỗi vi hành giữa chốn đồng không mông quạnh, duy nhất có một lần chúng tôi được 3 vị cảnh sát “hân hạnh hỏi thăm”, vì họ tỏ vẻ rất ngạc nhiên khi thấy mấy vị khách ngoại quốc châu Á bé nhỏ lẻ loi trên đoạn đường thiên lí bằng xe ô tô riêng giữa mùa đông giá lạnh và vắng vẻ này? Sau khi kiểm tra giấy tờ thấy không có vấn đề gì thì họ khuyên đi đường cần phải cẩn thận, chúng tôi hiểu và tỏ lời cảm ơn.

Odessa cuối cùng cũng hiện ra trong nỗi vui mừng của sự gặp lại với những người quen cũ… Dẫu cho mùa đông ở Odessa sau lần trở lại này kém hấp dẫn với tôi hơn dịp hè chỉ vì không được ra chơi với biển cả… nhưng tôi đã lỡ yêu thích con người, mảnh đất Ukraine nơi có bao điều thú vị mà tôi vẫn còn chưa thể kể hết…

Lời kết

Và bây giờ, năm 2014 này khi chiến sự căng thẳng đang từng giờ, từng phút xảy ra trên mảnh đất mà tôi đã có những lần ngắn ngủi viếng thăm vào năm 2007, tôi cảm thấy như có một nỗi buồn riêng chất chứa trong lòng vô cùng khó nói? Thực tình lúc xảy ra điều không đáng có ấy, tôi cứ tự hỏi tại sao? Vâng, tại sao lại xảy ra những điều đáng tiếc và xót xa như vậy? Vì đâu nên nỗi hỡi các bạn Ukraine? Tôi chỉ muốn các bạn sống chung trong không khí hòa bình như bao năm nay vẫn vậy. Liệu ngày đó có bao giờ trở lại?

Và dĩ nhiên, trong lòng tôi vẫn hằng mong muốn sẽ có một lần nữa trở lại với đất nước Ukraine hiền hòa của các bạn… dù có nguy hiểm như thế nào?

Võ Hoài Nam