Sức mạnh nội sinh của sự phát triển bền vững
Văn hóa - Ngày đăng : 06:51, 30/04/2014
Nền tảng tinh thần của xã hội
Nhìn lại quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước từ khi có Đảng lãnh đạo, chúng ta có thể nhận thấy phát triển văn hóa luôn gắn kết chặt chẽ với các giải pháp về chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang cho dân tộc, mang lại hạnh phúc cho nhân dân.
Cưới tập thể, nét đẹp văn hóa của thanh niên Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam |
GS.TS Trần Văn Bính (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định: Nếu không có Đề cương văn hóa năm 1943 với ba phương châm: Dân tộc, khoa học, đại chúng thì nước ta khó có thể huy động một đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tài năng tham gia sự nghiệp kháng chiến và xây dựng nền văn hóa mới. Nếu Đảng và Bác Hồ không quan tâm xây dựng một nền văn hóa mới thì chúng ta khó có thể huy động sức mạnh to lớn của toàn dân tộc cho kháng chiến. Theo GS.TS Trần Văn Bính, tư tưởng nổi bật, nhất quán của Đề cương văn hóa năm 1943 là cách mạng văn hóa và cách mạng chính trị gắn kết chặt chẽ với nhau, đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện trong nhiều thập kỷ.
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xu hướng coi trọng văn hóa, coi văn hóa là nhân tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững tiếp tục được duy trì. Vì thế, Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" ra đời năm 1998 đã khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện... Nghị quyết Đại hội X, XI của Đảng một lần nữa nhấn mạnh những yêu cầu, nhiệm vụ này.
Thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII), những năm qua, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo để bảo vệ, gìn giữ, phát triển vốn văn hóa truyền thống; đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Với vị thế là trung tâm văn hóa, chính trị của đất nước, Hà Nội triển khai Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh" đến các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu tổ chức tiệc cưới văn minh, tiết kiệm với lượng khách không quá 300 người theo tinh thần Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3-10-2012; thí điểm xây dựng mô hình phường văn hóa ở phường Quảng An (Tây Hồ)…
Hướng tới sự phát triển bền vững
Với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII), công tác phát triển văn hóa ở nước ta trong những năm gần đây đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" có sức lan tỏa sâu rộng với hơn 16 triệu hộ (hơn 70%) và gần 7,2 vạn làng, tổ dân phố (hơn 60%) đạt danh hiệu văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở như nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ… từng bước được đầu tư nâng cấp hoặc xây mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Nhiều hủ tục nặng nề, lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội được loại bỏ, thay vào đó là mô hình tổ chức việc cưới, việc tang văn minh, tiết kiệm. Quan tâm tới kho tàng di sản văn hóa của dân tộc, Nhà nước và nhân dân đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng tu bổ, tôn tạo di tích; khôi phục các loại hình di sản văn hóa phi vật thể… Một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… đã khai thác các giá trị, tiềm năng của di sản để phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ, mang lại nguồn thu không nhỏ.
Ở Hà Nội, từ khi Chương trình 04 được triển khai, các cơ quan chức năng từ thành phố tới cơ sở dành sự quan tâm nhiều hơn tới việc xây dựng và nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, góp phần làm thay đổi diện mạo văn hóa, xã hội của Thủ đô. Chẳng hạn như quận Hà Đông duy trì và thực hiện tốt mô hình tổ chức tiệc cưới không quá 40 mâm cỗ (mỗi mâm 6 người); người dân huyện Đông Anh, quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm… thể hiện lối sống văn minh thông qua việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong việc tang, không làm cỗ mời khách ăn trong ngày tang, đưa di hài người chết đi hỏa táng. Đặt nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lên hàng đầu, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã lập đề án "Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng, dân cư, nơi công cộng thành phố" và tổ chức lấy ý kiến của giới học giả trong nước để xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung cho nhân dân Thủ đô. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đang triển khai quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và đề án bảo tồn di tích Cổ Loa… Cùng với Hà Nội, 62 tỉnh, thành phố khác cũng có những chính sách ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển văn hóa.
Tuy còn những hạn chế cần khắc phục, song kết quả đạt được trong lĩnh vực văn hóa sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng là không thể phủ định. Tại buổi làm việc với Bộ VH-TT&DL về văn hóa và con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, diễn ra vào ngày 11-4, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Văn hóa là sản phẩm của quá trình phát triển lịch sử, muốn gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa thì không thể không tuân theo quy luật phát triển. Văn hóa cùng với các hệ giá trị của nó chỉ có thể tồn tại, phát triển khi chúng ta tạo ra môi trường duy trì, nuôi dưỡng, trong đó môi trường quan trọng nhất chính là gia đình, rồi mới đến làng xã, trường học, nơi làm việc, dư luận xã hội. Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam mong muốn mỗi người dân Việt Nam phát huy vai trò làm chủ về văn hóa từ những việc làm nhỏ nhất.
Rõ là, bản sắc văn hóa đã, đang và sẽ là nguồn sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững và trong quá trình phát triển ấy, con người luôn luôn giữ vai trò trung tâm.