Vươn tầm khu vực và quốc tế
Chính trị - Ngày đăng : 06:38, 30/04/2014
Hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13-2-2014, TP Hồ Chí Minh đóng vai trò là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang). Trong giai đoạn đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ là trung tâm dịch vụ, công nghiệp, khoa học, công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại đồng bộ, với hệ thống cơ sở văn hóa giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, y tế và thể dục thể thao ở trình độ cao so với khu vực.
Cầu Phú Mỹ nối quận 2, quận 7 và quận 9 mở ra hướng phát triển đô thị mới cho TP Hồ Chí Minh. |
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được hình thành theo hướng đa trung tâm với 15 đô thị vệ tinh nhằm tạo động lực để phát triển các vùng xung quanh TP Hồ Chí Minh và tạo sự liên kết cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các đô thị vệ tinh gồm: Nhơn Trạch, Long Thành, Tam Phước, Hiệp Phước, Củ Chi, Đức Hòa, Trảng Bom, An Lạc, Nhà Bè, Cần Giờ, Dĩ An - Thuận An, Tân An, Gò Công, Bến Lức và Cần Giuộc. Vùng này sẽ được phát triển đồng bộ về hạ tầng với các tuyến đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển…
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31-12-2013 cũng đặt ra các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể cho TP Hồ Chí Minh. Theo đó, mô hình phát triển của TP Hồ Chí Minh sẽ là tập trung - đa cực với trung tâm và 4 cực phát triển. Cụ thể, trung tâm là trung tâm hiện hữu gồm quận 1, quận 3; một phần quận 4, quận Bình Thạnh, Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 4 trung tâm cấp thành phố tại 4 hướng phát triển (hai hướng chính là hướng Đông và Nam, hai hướng phụ là Tây, Bắc và Tây - Tây nam).
Tập trung mọi nguồn lực triển khai quy hoạch
Trong hội nghị công bố và triển khai các quy hoạch trên, vừa được tổ chức vào trung tuần tháng 4, Chủ tịch Lê Hoàng Quân khẳng định, thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực triển khai thực hiện quy hoạch của thành phố và phát huy vai trò là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong quy hoạch vùng.
Theo tính toán của TP Hồ Chí Minh, thành phố cần khoảng 8 triệu tỷ đồng thực hiện quy hoạch giai đoạn 2016-2020 và 2020-2025, trong đó, giai đoạn 2016-2020 ước cần 2,7 đến 3 triệu tỷ đồng (vốn ngân sách chiếm 10%), giai đoạn 2021-2025 ước cần khoảng 5 đến 5,6 triệu tỷ đồng (vốn ngân sách chiếm 8%). Để giải bài toán về nguồn vốn đầu tư, UBND thành phố cho biết sẽ huy động mọi nguồn lực xã hội trong và ngoài nước. Dự kiến, vốn từ thành phần kinh tế nhà nước chiếm 25%-30%, còn lại là thành phần kinh tế ngoài nhà nước và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các hình thức đầu tư như BOT, BT, PPP…
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết, thành phố đã và đang lựa chọn các công trình, chương trình có tính chất đòn bẩy, cân đối nguồn vốn để ưu tiên thực hiện trước. Chủ tịch cũng khẳng định, bản thân TP Hồ Chí Minh không thể thực hiện quy hoạch vùng một cách thống nhất mà cần tăng cường sự đầu tư liên ngành, liên vùng, kể cả tăng cường sự hỗ trợ của Trung ương và hợp tác quốc tế.
Chỉ tiêu kinh tế đặt ra cho TP Hồ Chí Minh là GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 4.856 - 4.967 USD, đến năm 2020 đạt 8.430 - 8.822 USD; đến năm 2025 đạt 13.340 - 14.285 USD. GDP bình quân thời kỳ 2011 - 2020 cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân cả nước. Để đạt mục tiêu này, thành phố sẽ tập trung phát triển những ngành, lĩnh vực có lợi thế, hướng đến nâng cao chất lượng tăng trưởng và kinh tế tri thức. |