Sinh khí mới ở vùng “đất thép”

Chính trị - Ngày đăng : 06:35, 30/04/2014

(HNM) - Về vùng

Giữa trưa nắng ran, ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Mỹ dẫn chúng tôi xuống nhà anh Trần Hoàng Thanh (ấp Bình Thượng 1), một trong những hộ dân tiêu biểu của địa phương về xây dựng NTM. Trong cái nắng như đổ lửa, anh Thanh vẫn miệt mài vừa lọc nước vừa cho đàn cá giống ăn. "Trời nắng nóng kéo dài nên việc bảo đảm nguồn nước sạch là yếu tố quyết định đến năng suất và sản lượng cá, giúp cá mau lớn hơn", anh Thanh chia sẻ.

Trồng lan tại xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thanh Tâm


Ít ai ngờ rằng, cách đây 5 năm, gia đình anh Thanh là một trong những hộ nghèo của xã. Sau đó, anh vay vốn ngân hàng tiến hành nuôi cá giống. Tuy nhiên, do không nắm bắt được kỹ thuật nên cá gần như chết sạch, khiến vợ chồng anh gần như lâm vào bước đường cùng. Thế nhưng, sau khi thành phố triển khai xây dựng NTM vào cuối năm 2009, gia đình anh được chọn trong diện triển khai và được hỗ trợ 7 triệu đồng/năm (trong 2 năm 2010 và 2011); đồng thời được cán bộ khuyến nông trực tiếp xuống hướng dẫn kỹ thuật, rồi được cử đi học các lớp ngắn hạn sau đó nên việc nuôi cá giống đạt năng suất cao không còn là vấn đề lớn. Từ đây, thu nhập của gia đình tăng lên, đời sống ngày càng khấm khá.

Theo anh Thanh, gia đình hiện có khu sản xuất rộng hơn 200m2 với gần 800.000 con cá giống. Hằng tháng, trừ mọi chi phí, thu nhập trung bình của gia đình khoảng 8 đến 10 triệu đồng/tháng. Ngoài việc trả hết nợ cho ngân hàng thì vợ chồng anh đã xây được ngôi nhà khang trang, mua sắm xe cộ và các tiện nghi hiện đại. "Nhờ có chương trình NTM, người dân chúng tôi đã biết làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương, thoát được cái nghèo đeo bám dai dẳng trước kia", anh Thanh cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, nhờ chương trình xây dựng NTM nên đến nay toàn xã có gần 70 hộ nuôi cá giống với đời sống ổn định. Thế nhưng, hiện các hộ này rất khó khăn trong việc giải quyết đầu ra nên chính quyền địa phương mong muốn các cấp, ngành thành phố quan tâm hơn nữa, giúp người dân có thể yên tâm làm ăn. Thời gian tới, chính quyền xã đang có kế hoạch mở tiếp các lớp dạy nghề ngắn hạn, đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để bà con làm ăn, phấn đấu đưa hộ nghèo và cận nghèo sớm thoát nghèo.

Ngoài nuôi cá giống, xã Thái Mỹ còn có thế mạnh về trồng bắp. Điển hình có gia đình anh Trần Văn Út (ấp Bình Hạ Tây) là một trong những hộ tiêu biểu. Với diện tích gần 2ha, trung bình đạt sản lượng khoảng 17 tấn bắp/mùa, nếu trừ hết chi phí, doanh thu đạt khoảng 45 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, gia đình anh Út còn đẩy mạnh chăn nuôi bò, với 10 con thì hiện thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn đẩy mạnh trồng lúa, trung bình một năm đạt sản lượng xấp xỉ 10 tấn, lãi hơn 20 triệu đồng. Dự định trong năm tới, gia đình sẽ đẩy mạnh chăn nuôi bò sữa và mở rộng tăng gia sản xuất nâng cao thu nhập.

Tại xã Tân Thông Hội, chúng tôi có dịp ghé thăm gia đình anh Nguyễn Thanh Ngà (tại ấp Chánh), với mô hình trồng hoa phong lan. Trước đây, gia đình anh Ngà chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên thu nhập thấp, đời sống rất khó khăn. Thế nhưng khi bắt tay vào xây dựng NTM, anh Ngà được tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lan và được vay vốn theo chương trình mục tiêu phát triển nông nghiệp của thành phố. Từ đó, anh mạnh dạn đẩy mạnh sản xuất, đưa diện tích vườn lan của gia đình lên tới gần 3.500m2, với khoảng 15.000 gốc, bình quân thu nhập xấp xỉ 30 triệu đồng/tháng. "Sắp tới, sẽ tiếp tục vay vốn theo diện hỗ trợ của thành phố để mở rộng diện tích trồng lan, phấn đấu tăng thu nhập hằng tháng đạt hơn 50 triệu đồng", anh Ngà cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, qua 5 năm triển khai xây dựng NTM, bộ mặt đời sống nông thôn cải thiện rõ rệt. Cụ thể, cơ sở hạ tầng phát triển đáp ứng được nhu cầu sản xuất và dân sinh, góp phần đưa thu nhập trung bình của người dân tăng cao bền vững. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần cũng được nâng cao. Cũng thông qua chương trình, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ từ xã đến ấp được nâng lên một bước. Đặc biệt, qua chương trình đã ghi nhận các điển hình tập thể và cá nhân trong hiến đất làm đường, trong phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng.

Theo Ban chỉ đạo của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về Chương trình xây dựng NTM, đến nay, tổng vốn đầu tư cho chương trình của thành phố đạt gần 12.300 tỷ đồng, trong đó vốn của người dân chiếm 73%. Thành phố đã xây dựng được 1.500 công trình, xóa hơn 730 căn nhà dột nát, từng bước xây dựng hạ tầng nông thôn đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu phát triển. Đặc biệt, chương trình còn giúp gần 30.000 lao động nông thôn có công ăn việc làm ổn định. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn có xu hướng giảm dần qua các năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,77% năm 2010 thì đến nay chỉ còn 1,15%. Năm 2014, thành phố dự kiến cần gần 10.000 tỷ đồng để tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng NTM cho 50 xã chưa hoàn thành chương trình và phấn đấu có thêm ít nhất 17 xã cơ bản đạt từ 17 đến 19 tiêu chí; các xã còn lại tối thiểu đạt 15 tiêu chí về NTM.

Hà Tuấn