Xứng đáng với sứ mệnh lịch sử

Chính trị - Ngày đăng : 06:00, 30/04/2014

(HNM) - Với hơn 11,5 triệu người, chiếm 33% tổng số lao động và 17% dân số cả nước, giai cấp công nhân Việt Nam đang ngày đêm nỗ lực lao động sản xuất, đóng góp 65% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách nhà nước.



Trong giai đoạn hiện nay, GCCN được Đảng, Nhà nước quan tâm để tiếp cận nhanh với khoa học - công nghệ tiên tiến, từng bước đảm đương và làm chủ kỹ thuật và công nghệ cao, tiến đến hình thành đội ngũ công nhân trí thức, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH - HĐH đất nước…

Giai cấp công nhân Việt Nam đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ảnh: Bảo Đan


Đạt nhiều thành tựu

5 năm trở lại đây, GCCN chịu tác động và ảnh hưởng nhiều nhất từ tình hình khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 20 của Đảng về Tiếp tục xây dựng GCCN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, với nhiều chính sách cụ thể, quan tâm đời sống, việc làm, trình độ học vấn… kịp thời đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đoàn viên và hàng triệu công nhân, lao động (CNLĐ) các ngành, các thành phần kinh tế. Qua đó, tạo động lực mạnh mẽ trong toàn xã hội về chăm lo xây dựng GCCN xứng tầm với sứ mệnh lịch sử và trách nhiệm vẻ vang của GCCN trong tiến trình lịch sử dân tộc ta.

Trên thực tế, thời gian qua, Nghị quyết 20 được Chính phủ cụ thể hóa bằng Đề án tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động (NLĐ); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho CNLĐ; Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp (KCN)… Đặc biệt, Quốc hội cũng vừa thông qua Luật Lao động và Luật Công đoàn sửa đổi, bổ sung, trong đó cụ thể hóa nhiều chính sách về tiền lương, nhà ở, giáo dục đào tạo cho công nhân.

Hiện nay, các cấp ủy đảng, chính quyền, công đoàn ở từng địa phương đang nỗ lực vào cuộc phối hợp với các ngành chức năng cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, đề án, chương trình hành động, trong đó có hai vấn đề lớn: Giải quyết những bức xúc của CNLĐ về việc làm, thu nhập, đời sống, điều kiện ăn ở; nâng cao trình độ học vấn chuyên môn nghề nghiệp, giác ngộ giai cấp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, hiểu biết chính sách và pháp luật cho CNLĐ. Tiêu biểu như TP Hà Nội đã xây dựng nhà ở tại KCN Bắc Thăng Long, giải quyết chỗ ở cho 15 nghìn CNLĐ; tỉnh Bình Thuận đầu tư 77,8 tỷ đồng cho hoạt động đào tạo cho CNLĐ; tỉnh Bình Phước ban hành chính sách đào tạo nghề, giúp hơn 17 nghìn lượt CNLĐ được thụ hưởng; tỉnh Vĩnh Phúc xây nhà trẻ cho 1 nghìn con công nhân. Ngoài ra, TP Đà Nẵng cấp gần 24ha đất xây nhà ở cho công nhân; TP Hồ Chí Minh xây dựng 310 tổ chức đảng trong DN ngoài nhà nước, với 3.419 đảng viên là nòng cốt dẫn dắt phong trào công nhân hoạt động công đoàn phát triển.

Tuy vậy, theo Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Văn Đông, sự quan tâm chăm lo GCCN hiện vẫn chưa được thực hiện đồng đều ở các địa phương trên cả nước, việc phối hợp ở nhiều nơi chưa đồng bộ, thậm chí nhiều nơi "khoán trắng" việc thực hiện nghị quyết cho công đoàn.

… nhưng còn "nút thắt"

Chính sách đã có, giải pháp, mục tiêu đã đủ, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, trình độ học vấn, tay nghề của GCCN đã được nâng lên, nhưng so với yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH, hội nhập sâu với quốc tế thì kết quả đó vẫn còn khoảng cách khá xa.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng cho biết, 80% CNLĐ ở các KCN là người xuất thân từ nông thôn, chưa qua đào tạo về kiến thức pháp luật, yếu trình độ tay nghề và kỹ năng sống. Đời sống CNLĐ cũng còn rất nhiều khó khăn do lương thấp, chất lượng bữa ăn chưa bảo đảm. Hiện mới chỉ có 10% CNLĐ được hưởng các chính sách về nơi ở, khám chữa bệnh, tham gia các hoạt động văn hóa, giải trí. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách chăm lo về lương, thưởng, BHXH, BHYT… chưa được thực hiện nghiêm và đầy đủ. Đặc biệt, tình trạng nợ lương, bảo hiểm và vi phạm nhiều chế độ chính sách khác liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ vẫn diễn ra phổ biến. Đơn cử, nợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2013 là 600 tỷ đồng, gấp 14 lần năm 2009; nợ BHXH lên tới 11 nghìn tỷ đồng…

Ông Trần Văn Thực, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội trăn trở, công tác phát triển Đảng trong CNLĐ, nhất là với đội ngũ trực tiếp sản xuất hiện vẫn chưa được chú trọng, chưa đáp ứng yêu cầu cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Kể cả nhiệm vụ trí thức hóa GCCN cũng còn khoảng cách xa so với thực tiễn. Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội chia sẻ, dù công đoàn hết sức cố gắng, nhưng trong 8 KCN của Hà Nội với 534 DN ngoài nhà nước, đến nay mới chỉ có 23 DN có tổ chức Đảng. Còn theo thông tin do Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ cung cấp, số đảng viên mới được kết nạp hằng năm là CNLĐ trực tiếp sản xuất và cán bộ công đoàn cơ sở chỉ đạt bình quân 6 - 8%. Và hiện mới chỉ có 30% có trình độ THPT, còn lại trình độ thấp hơn. Số CNLĐ được học nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng thực hành để làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại còn hạn chế.

Nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế diễn ra nhanh chóng. Đây đang là thách thức lớn, đòi hỏi có sự vào cuộc một cách quyết liệt của Đảng, chính quyền, công đoàn, xây dựng GCCN thực sự lớn mạnh, xứng đáng với sứ mệnh Đảng và Nhà nước giao phó.

Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam: Kết quả thực hiện Nghị quyết 20 có bước chuyển đáng mừng. Cụ thể như, hiện nay 75% NLĐ được tuyên truyền giáo dục pháp luật, 95% người sử dụng lao động cũng được nắm bắt kiến thức pháp luật liên quan đến NLĐ và hoạt động của DN. Hằng năm, 65% công đoàn cơ sở ký thỏa ước lao động tập thể. Hơn 15 nghìn gia đình CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận chính sách hỗ trợ từ 20-40 triệu đồng xây, sửa nhà ở. Bên cạnh đó, hơn 4 triệu CNVCLĐ được học tập nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề, kỹ năng nghiệp vụ...

Linh Nhi