Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng dư nợ tín dụng

Kinh tế - Ngày đăng : 05:54, 30/04/2014

(HNM) - Ngày 29-4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4 xem xét tình hình kinh tế - xã hội của đất nước 4 tháng đầu năm 2014.



Ngay sau phiên họp, 17h30 cùng ngày, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên chủ trì họp báo thông tin về kết quả. Với sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, hai vấn đề là dịch sởi và Đề án đổi mới giáo dục đã thu hút sự quan tâm của báo giới.

Tăng tổng cầu bằng hai kênh

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2014 tiếp tục đà chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận định: “Mặc dù chuyển biến chưa nhiều và còn chậm nhưng kết quả 4 tháng đầu năm rất đáng khích lệ và tạo được sự yên tâm”. Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 5,4%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển ổn định. Khu vực dịch vụ tăng khá với tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 10,6%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2013. Đã có gần 26.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 6.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 36,9% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ. Vốn đầu t­­ư trực tiếp nư­­ớc ngoài (FDI) thực hiện 4 tháng đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 6,7%; vốn ODA giải ngân tăng 6% so với cùng kỳ.

Chính phủ đã đồng ý áp giá trần và niêm yết giá trong 12 tháng với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ảnh: Bá Hoạt


Với mức tăng giá tiêu dùng thấp nhất trong vòng 4 năm qua, khả năng kiểm soát được lạm phát năm 2014 ở mức 5-6% là hoàn toàn có thể. Những chỉ số phản ánh tình hình kinh tế vĩ mô khá tích cực: Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 1%; mặt bằng lãi suất huy động ổn định; lãi suất cho vay giảm nhẹ; tỷ trọng các khoản vay lãi suất cao trong tổng dư nợ đã giảm mạnh. Dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng và đạt mức lớn nhất từ trước đến nay là 35 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng ước đạt 45,7 tỷ USD, tăng 16,9%; kim ngạch nhập khẩu đạt trên 45 tỷ USD, tăng 13,7%; xuất siêu khoảng 684 triệu USD. Tồn kho bất động sản 4 tháng đầu năm giảm khoảng 8.000 tỷ đồng, rút tổng số tồn kho bất động sản cả nước xuống còn 84.000 tỷ đồng.

Thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay là cơ sở để Chính phủ tin tưởng sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 5,8% trong cả năm. Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, trước hết, các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt chỉ đạo tăng tổng cầu bằng 2 kênh chính. Thứ nhất là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn FDI, ODA, vốn đối ứng, đẩy nhanh tiến độ các dự án, các công trình trọng điểm... Thứ hai là tiếp tục quan tâm tăng dư nợ tín dụng gắn liền với giải quyết nợ xấu, bảo đảm chất lượng tín dụng. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó hết sức chú ý đến cải cách thủ tục hành chính... Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao nhất.

Kiểm soát giá sữa, dập dịch sởi

Tại cuộc họp báo, những câu hỏi liên quan đến dịch sởi và trách nhiệm của ngành y tế đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời khá rõ ràng. Trước câu hỏi “Bộ trưởng có nghĩ đến việc từ chức trong lúc này hay không?”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Tôi không thể từ chức vào lúc này. Vì toàn ngành chúng tôi đang tập trung nhiệm vụ cao nhất là giành giật sự sống cho các cháu. Từ thứ trưởng đến cục trưởng, vụ trưởng, kể cả ngày lễ vẫn sẽ tiếp tục đi kiểm tra… Hiện còn hơn 20 cháu đang nằm máy thở ở Bệnh viện Nhi trung ương, 7 cháu ở Bệnh viện Bạch Mai. Tôi đã nói với các bác sĩ bằng mọi cách phải cứu lấy các cháu. Cam kết đặt quyền lợi của dân tộc, nhân dân lên trên, phấn đấu làm hết sức mình với trách nhiệm, lương tâm và đam mê nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, sẽ về làm công tác chuyên môn nếu cấp trên không đồng ý cho tiếp tục đảm nhận chức vụ.

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tái khẳng định, con số 34.000 tỷ đồng trong Đề án đổi mới giáo dục là sai sót của những người làm giáo dục khi tính toán về kinh tế. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh rằng: Đổi mới giáo dục là bắt buộc vì cách dạy và học hiện nay không đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước.

Một nội dung đáng chú ý khác tại cuộc họp báo là việc Chính phủ đồng ý với phương án áp giá trần và niêm yết giá trong 12 tháng với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Thông tin thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: “Bộ đã ký 5 quyết định thanh tra với 5 doanh nghiệp. Kết quả là các công ty đều có điều chỉnh tăng giá bán các loại sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, mặt hàng tăng giá thấp nhất là 2,4%, cao nhất là hơn 30%”. Nhận định về việc quy định giá trần đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Đây là quyết định mang tính nhân văn hướng đến việc bảo đảm quyền lợi cho 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi”.

Hiền Lương