Chờ đợi bình minh

Thế giới - Ngày đăng : 06:30, 29/04/2014

(HNM) - Vào thời điểm Mỹ gật đầu đồng ý với phương án đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình của Nga để cứu Syria khỏi một cuộc chiến tổng lực vào tháng 9-2013, đã có nhiều nghi ngại về khả năng thỏa thuận này sẽ được thực hiện


Vấn đề không hẳn nằm ở mối ngờ vực "thành ý" của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad mà còn bởi những khó khăn của nhiệm vụ vô hiệu hóa kho vũ khí hóa học vào hàng lớn nhất thế giới này. Chưa khi nào, công việc đầy nguy hiểm như vậy lại diễn ra ngay trong điều kiện chiến sự ác liệt. Tuy nhiên, khi thời hạn chót 27-4 đến, cũng là lúc cộng đồng quốc tế đánh giá Syria đã "cán đích" những cam kết giải giáp loại vũ khí hủy diệt này. Dữ liệu mới nhất do Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) công bố cho thấy, Damascus đã đưa ra ngoài lãnh thổ Syria hoặc tiêu hủy hơn 92% vật liệu để chế tạo vũ khí hóa học.

70% cơ sở hạ tầng của Syria đã tan nát vì chiến tranh.



Như vậy, việc hoàn thành hạn mức ít ỏi còn lại hiện đang được cất giữ tại một địa điểm, trong đó có ít nhất 6,5% loại vũ khí phải tiêu hủy tại chỗ hoặc di chuyển ra khỏi lãnh thổ Syria là hoàn toàn khả thi. Việc Damascus giữ đúng lời hứa không chỉ loại bỏ một phần vũ khí có khả năng giết người hàng loạt khỏi đời sống nhân loại, mà còn giúp chế độ của Tổng thống B.Al-Assad tránh được "búa rìu" dư luận. Trước đó, thông tin Chính phủ Syria sử dụng các loại chất độc hóa học có khả năng sát thương khủng khiếp để giành lợi thế trong cuộc nội chiến đã là một cái cớ khiến quốc gia Trung Đông suýt trở thành tiêu điểm của một cuộc tấn công quân sự từ Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, sự hợp tác đầy đủ với các thành viên OPCW của chính quyền Tổng thống B.Al-Assad mới chỉ tạm rút đi một ngòi nổ trên thùng thuốc súng tiềm tàng. Hơn 3 năm sau cuộc nổi dậy vốn được xem như tác động dây chuyền của phong trào "Mùa xuân Arab" đang bốc cao ngùn ngụt tại Trung Đông và Bắc Phi lúc bấy giờ, cuộc đối đầu khốc liệt tại Syria đã xé tan đất nước bên bờ Địa Trung Hải thành nhiều phần nhỏ, dưới sự quản lý của những phe phái chính. Thế nhưng, không giống như Tunisia, Ai Cập, Libya hay Yemen, làn sóng đòi thay đổi dân chủ ở Syria đã không thể lật đổ được chế độ của Tổng thống B.Al-Assad. Ngược lại, với mục tiêu rõ ràng là khôi phục quyền kiểm soát càng nhiều vùng lãnh thổ càng tốt, đội quân trung thành với nhà lãnh đạo Syria đã giành lại được quyền kiểm soát những mặt trận quan trọng cho dù khoảng 70% cơ sở hạ tầng của quốc gia này đã biến thành đống gạch vụn từ những trận giao đấu đẫm máu.

Nguyên nhân dẫn tới những thắng lợi trên chiến trường của chính quyền Damascus phải kể đến sự "chưa hợp đã tan" của phe đối lập. Bắt đầu là một lực lượng có vẻ cùng tập trung dưới một ngọn cờ đòi lật đổ chế độ, đội quân hùng hậu được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ và phương Tây ngày càng lộ rõ bất đồng, chia rẽ sâu sắc do tranh giành quyền lãnh đạo, tiền bạc và vũ khí của nước ngoài. Sự tham lam và toan tính ấy đã khiến những "Mạnh thường quân" từng hậu thuẫn mạnh mẽ cho lực lượng này nhận thấy bản chất của một nhóm quân ô hợp khó có thể lãnh đạo một quốc gia quan trọng như Syria. Triển vọng mù mịt trong việc chèo lái quốc gia bên bờ Địa Trung Hải chắc chắn sẽ biến nơi đây thành trung tâm khủng bố mới khi ngày càng có nhiều phần tử cực đoan xâm nhập vào lãnh thổ Syria dưới danh nghĩa tham gia thánh chiến. Do vậy, việc Mỹ và phương Tây tỏ ra kém mặn mà với phe đối lập Syria để ngăn ngừa nguy cơ "nuôi ong tay áo" gần như đã khiến lực lượng này rơi vào cảnh "rắn mất đầu".

Song vì những lợi ích riêng mà Mỹ và phương Tây không thể đứng về phía Tổng thống B.Al-Assad. Cho dù khởi nguồn từ một cuộc đấu tranh đòi dân chủ, cuộc nổi dậy ở Syria diễn biến theo xu hướng của một cuộc đối đầu giáo phái, trong đó đa số người Sunni chống lại thiểu số người Shiite-Alawite cầm quyền. Vì thế, các quốc gia Sunni như Qatar, Saudi Arabia hay Thổ Nhĩ Kỳ đã không tiếc tiền của để "đặt cửa" cho quân nổi dậy, trong khi đó những đồng minh Shiite của Tổng thống B.Al-Assad là Iran và Hezbollah ở Lebanon ra sức củng cố sức mạnh của chính quyền Damascus. Cũng xuất phát từ cuộc cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược, Syria trở thành địa bàn của cuộc chiến cân não giữa phương Tây do Mỹ nắm vai trò chính và Nga - quốc gia đang nỗ lực duy trì và mở rộng vị thế tại Trung Đông.

Với sự can dự của một số lượng kỷ lục quốc gia liên quan, Syria mang dáng dấp của một cuộc khủng hoảng khu vực và quốc tế nhiều hơn là tranh chấp nội bộ. Do đó, việc chính quyền Damascus tuyên bố tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 3-6 tới cho dù có thể tạo tính pháp lý cho chính quyền của ông B.Al-Assad - người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 17-7 - nhưng không phải là đáp án của hòa bình. Trước tình trạng đối đầu căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan vấn đề Ukraine, người Syria chắc chắn sẽ còn phải đợi chờ ánh bình minh ngày mới.

Vân Khanh