Điểm chung cần phải có
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:26, 29/04/2014
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Chính phủ sẽ làm hết sức mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng DN với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Điều này vừa để cho DN thành công, vừa để đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước; rất mong cộng đồng DN nỗ lực phát huy những kết quả, thành tựu đạt được, ra sức khắc phục những khó khăn, thách thức để thành công".
Một phần của hội nghị nêu trên là việc đánh giá tình hình phát triển các DN trong thời gian qua, đánh giá những mặt thuận lợi, mặt tốt, mặt làm được nhưng quan trọng hơn là việc chỉ rõ những khó khăn, hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ để đưa ra giải pháp cụ thể, thiết thực với mục tiêu phát huy tối đa thuận lợi, tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng DN phát triển bền vững, hiệu quả. Nói vậy là do trong thời gian qua nền kinh tế của chúng ta đã có dấu hiệu hồi phục. Cụ thể, quý I-2014, cả nước có hơn 18.000 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký gần 98.000 tỷ đồng, tăng khoảng 17% về số lượng và 23% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, cũng trong quý I năm nay vẫn còn gần 17.000 DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động (tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước). Chỉ qua một con số thống kê đó có thể thấy, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN vẫn gặp nhiều khó khăn, phục hồi tăng trưởng ở mức thấp và thiếu bền vững.
Cũng vì lý do đó, tại hội nghị này, cộng đồng DN Việt Nam đã tập hợp khoảng 300 kiến nghị theo 8 nhóm vấn đề để đề xuất Chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách giải quyết. Nổi lên hơn cả là những bất cập trong các chính sách về thuế, lệ phí. Theo ý kiến của các DN, thời gian qua mặc dù nghĩa vụ nộp thuế của DN có giảm nhưng các loại phí, lệ phí và các khoản đóng góp lại tăng, cộng thêm tình trạng tận thu của cơ quan thuế đã làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của DN. Do đó, cần rà soát, bãi bỏ các loại phí không còn phù hợp, chuyển một số loại phí thực hiện theo chế độ giá dịch vụ, chấn chỉnh hoạt động thu phí và lệ phí trái quy định, giảm gánh nặng cho người dân và DN. Thực hiện hiệu quả vấn đề này cũng chính là thực hiện hiệu quả việc cải cách hành chính.
Một vấn đề khác là chính sách tín dụng, các DN đề nghị cần được tiếp tục tháo gỡ theo hướng cải thiện điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho DN. Như phản ánh của một số DN, do chưa xử lý được vấn đề nợ xấu và điều kiện cho vay còn ngặt nghèo nên vẫn không thể tiếp cận được vốn ngân hàng và nhất là không thể tiếp cận được với mức lãi suất quy định vì phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức…
Phát biểu tại hội nghị trên, Thủ tướng Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện hỗ trợ cho các DN ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Đặc biệt trong đó là việc tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm tự do kinh doanh; thực hiện công khai, minh bạch; quan tâm cải cách thủ tục hành chính; tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận được nguồn vốn tín dụng…
Tuy nhiên chỉ như vậy là chưa đủ, ở phía ngược lại, các DN phải nỗ lực phát huy khả năng nội tại, chú ý việc tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, từ đó giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế…
Đây chính là điểm chung cần phải có và thiện chí giữa các cơ quan quản lý nhà nước cùng khối DN sẽ gặp nhau ở giao điểm phục vụ lợi ích phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.