Phòng, chống dịch sởi phải được duy trì cao độ dịp nghỉ lễ
Sức khỏe - Ngày đăng : 18:50, 28/04/2014
Ảnh minh họa |
Chiều tối 28/4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố Hà Nội đã tổ chức họp giao ban với sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Tiêm vét vắc xin sởi tại Hà Nội đạt hơn 98%
Tại đây, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong ngày 28/4 có thêm 18 người mắc sởi, đưa số người bị bệnh này từ đầu năm đến nay lên 1.432 người, phân bố rải rác ở 378/584 xã, phường của 30 quận, huyện. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi; trong đó trẻ dưới 9 tháng là 19,5%, trẻ 9-11 tháng là 11,8%, trẻ 1-4 tuổi là 27%, trẻ 5-9 tuổi chiếm 4,5%, trẻ 10-14 tuổi chiếm 5,3%, trẻ trên 15 tuổi và người lớn chiếm 31,9%.
Đến nay, toàn thành phố có 58 trường hợp tử vong liên quan đến sởi; trong đó có 14 trường hợp tử vong trực tiếp do sởi. Trong số 14 trường hợp trên, có 4 trẻ tử vong dưới 9 tháng tuổi, 10 trường hợp còn lại từ 9 đến 22 tháng tuổi; trẻ nhỏ nhất 3 tháng tuổi, lớn nhất 22 tháng tuổi. Hầu hết các trường hợp trước đó chưa được tiêm vắc xin sởi, 1 trường hợp duy nhất được tiêm 1 mũi vắc xin sởi trước khi mắc bệnh 5 ngày.
Ông Hoàng Đức Hạnh cũng cho biết, những ngày gần đây, số ca sốt phát ban dạng sởi chững lại và giảm đi. Số bệnh nhân nhập viện tại các bệnh viện Trung ương và bệnh viện Hà Nội có chiều hướng chững lại. Tuy nhiên, tại các bệnh viện Trung ương vẫn còn bệnh nhân nặng có nguy cơ tử vong cao như bệnh viện Nhi Trung ương có 9 ca ở Hà Nội, bệnh viện Bạch Mai có 6 ca đang thở máy. “Vì thế, có thể còn có bệnh nhân tử vong liên quan đến sởi, chủ yếu là trẻ nhỏ.”- Ông Hạnh nhấn mạnh.
Về tiêm vét vắc xin sởi, tính đến ngày 28/4, trên địa bàn thành phố có 88.229/90.013 trẻ được tiêm vắc xin sởi, đạt 98%. Như vậy, công tác tiêm vét vắc xin sởi của thành phố đã vượt kế hoạch, bởi theo dự kiến trước đó, hết tháng 4/2014, tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi ở trẻ trên địa bàn thành phố đạt hơn 95%.
Những ngày gần đây, Sở đã tổ chức tập huấn cập nhật phác đồ điều trị sởi; yêu cầu các bệnh viện bố trí khu vực cách ly, phòng khám sàng lọc và xây dựng các tiêu chuẩn sàng lọc bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo; phân tuyến chuyển bệnh nhân hợp lý; rà soát lại các cơ sở vật chất, sẵn sàng thuốc, vật tư, trang thiệt bị, hóa chất phục vụ công tác giám sát, điều trị bệnh nhân tại các đơn vị y tế; phối hợp cơ sở y tế trung ương trong cấp cứu điều trị và phòng chống dịch bệnh sởi và quản lý người bệnh trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện còn tồn tại là một số bệnh viện chưa tổ chức tốt phân luồng bệnh nhân tại phòng khám và phân loại bệnh nhân tại khoa lâm sàng; chưa bố trí điều trị tách biệt bệnh nhân sởi xét nghiệm dương tính, bệnh nhân chuẩn đoán xác định trên lâm sàng và bệnh nhân phát ban nghi sởi.
Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng phát 10.230 viên vitamin A loại 100.000 đơn vị và 10.095 viên vitamin A hàm lượng 200.000 đơn vị cho các bệnh viện để điều trị cho các bệnh nhân sởi có nguy cơ suy giảm miễn dịch; đồng thời có kế hoạch mua 5 máy thở chức năng cao, 10 máy thở thông thường, 24 máy thở CPAP, 25 máy truyền dịch, 67 bơm tiêm điện và 64 monitor theo dõi 7 thông số để trang bị cho các bệnh viên đa khoa thành phố; đã được Thành phố phê duyệt mua 584 tủ lạnh chuyên dụng bảo quản vắc xin cho các xã, phường. Đáng chú ý, ngày 28/4, Sở Y tế tăng cường 2 bác sĩ hồi sức cấp cứu và 15 điều dưỡng cho bệnh viện Xanh Pôn.
Phát biểu tại buổi họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, sau 10 ngày thực hiện theo kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố, số bệnh nhân mắc sởi tại địa bàn đã giảm; đồng thời khống chế được bệnh nhân tử vong do sởi. Tuy nhiên, số bệnh nhân tử vong liên quan đến sởi trong 10 ngày qua vẫn có và hiện vẫn còn 16 ca sởi nặng, nguy cơ tử vong cao.
Cần quan tâm đến đối tượng ở trường học
Qua kiểm tra công tác phòng, chống dịch sởi tại các quận, huyện trong những ngày gần đây, Phó Chủ tịch nhận thấy, việc phòng chống bệnh dịch được thực hiện rất nghiêm túc. Chẳng hạn như tại Hà Đông, quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, khi hỏi về từng bệnh nhân sởi, hay lý do có cháu chưa được tiêm vắc xin sởi, các lãnh đạo địa phương đều nắm rõ. Hay như quận Hai Bà Trưng đưa tờ rơi về bệnh sởi và tiêm vắc xin đến từng gia đình, rồi có bệnh viện phát clip về bệnh sởi để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nắm rõ. Rồi tại phường Bạch Đằng, mặt trận tổ quốc, tổ dân phố phối hợp xác định đối tượng tiêm vắc xin và vận động gia đình cho trẻ đi tiêm. “Như vậy, việc vào cuộc tiêm chủng không chỉ bằng văn bản mà đã đi sâu đi sát cơ sở”.-Phó Chủ tịch khen ngợi. Qua kiểm tra cũng cho thấy ngành Y tế thành phố đã vào cuộc quyết liệt đối phó với dịch sởi, công tác tuyên truyền bệnh sởi rất phù hợp. Nhờ các giải pháp trên, kết quả đạt đã khá tốt và cho thấy lộ trình phòng chống dịch sởi của Thành phố là đúng hướng.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch, hiện mới chỉ giảm được dịch trong những tuần cuối tháng 4 và tính bền vững chưa cao, vì vậy, cần tiếp tục những giải pháp và điều hành, chỉ đạo chống dịch với tần suất như thời gian vừa qua.
Phó Chủ tịch yêu cầu các quận, huyện theo dõi diễn biến tình hình bệnh trên địa bàn và chịu trách nhiệm đánh giá chuẩn xem nơi nào phát sinh bệnh nhân mới và vì sao, đặc biệt là những quận có số mắc sởi mới cao trong thời gian qua; xác định rõ số trường hợp bị sốt phát ban, trường hợp nghi sởi, trường hợp bị sởi để có số liệu chuẩn xác.
Cần nắm chắc đối tượng, không thể bỏ qua đối tượng vừa được tiêm chủng vì mới tiêm nên các cháu chưa thể kháng bệnh; đối tượng vừa ra viện vì có cháu chưa khỏi hẳn ra viện có thể lây bệnh sang người khác; đối tượng chưa được tiêm; đối tượng ở các trường học vì ở trường học có trẻ bị sởi; các cháu ở nhóm trẻ gia đình; trẻ em có bố mẹ làm các khu công nghiệp, khu chế xuất thuê nhà ở các địa phương.
Về điều trị, cần phân loại ngay từ đầu, bệnh nhận nhẹ đưa về các trung tâm y tế điều trị và phân rõ bệnh nhân sốt phát ban, bệnh nhân nghi sởi, bệnh nhân dương tính với sởi nhằm tránh lây chéo. Với những bệnh nhân sởi nặng cần cho mỗi cháu nằm 1 giường, không thể ghép 2-3 cháu giường; đồng thời phải điều trị cho các cháu này loại thuốc tốt nhất.
Phó Chủ tích cũng biểu dương các quận, huyện về công tác tiêm chủng thời gian qua. Trong thời gian tới sẽ tiến hành tiêm bổ sung vắc xin cho trẻ 6-10 tuổi, vì vậy, Phó Chủ tịch yêu cầu các địa phương phải hoàn thành xác định số trẻ ở lứa tuổi trên để bắt đầu triển khai tiêm từ ngày 10/5. Mục tiêu là phấn đấu đạt trên 90% trong tháng 5. Đáng chú ý, trong 5 ngày nghỉ, Phó Chủ tịch yêu cầu ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Thành phố vẫn phải thực hiện công tác chống dịch với tần suất như hiện nay.