Vụ Dương Chí Dũng: Toà dừng phiên xét xử để nghiên cứu tài liệu mới
Pháp đình - Ngày đăng : 09:27, 28/04/2014
Trần Hữu Chiều cho rằng ụ nổi hoạt động theo hệ thống quy phạm về “tàu biển”. Thời điểm đó, việc khảo sát chỉ xem xét tình trạng kỹ thuật bên ngoài. Trước khi đi khảo sát, Chiều khẳng định không gặp Dũng, Phúc. Khi đi khảo sát, Sơn cho biết đã báo cáo, cứ để Sơn làm. Chiều khai thêm, không nhớ lời khai tại cơ quan CA về thời gian việc Phúc chỉ đạo “mua bằng được” ụ nổi 83M và phải mua qua Công ty AP.
Thẩm phán yêu cầu Trần Hữu Chiều “mở hàng” buổi làm việc. Ảnh: Dân trí |
Chủ tọa phiên tòa tiếp tục thẩm vấn về lời khai của Trần Hữu Chiều tại cơ quan điều tra về việc Chiều biết giá chào bán của chủ sở hữu (Nakhodka) dưới 5 triệu USD. Sau đi khảo sát về, Chiều và Trần Hải có báo cáo Phúc về giá thực này song Phúc không chỉ đạo gì, chỉ yêu cầu xem xét mua và có hỏi về khoản “hỏa hồng”. Về lời khai này, bị cáo Trần Hải Sơn cũng xác nhận. Bị cáo Chiều cũng cho rằng đã báo cáo rõ tình trạng kỹ thuật “rất xấu” của ụ nổi 83M; không nhớ rõ có đưa mức giá thực của ụ nổi vào báo cáo khảo sát; không nhớ rõ Dũng, Phúc chỉ đạo thế nào. Nói thêm về những lời khai tại cơ quan điều tra về việc Dũng, Phúc chỉ đạo, Chiều cho rằng nhiều lời khai không kịp đọc lại, không nhớ. Song, Chiều thừa nhận việc Dũng ký hợp đồng từ đề xuất của mình, có cả phần giá là 9 triệu mua của AP, không kể chi phí khác. Quá trình thanh toán tiền mua ụ nổi, bị cáo Chiều có ký nháy để trình nhưng không biết là hồ sơ thiếu giấy tờ… Tóm lại, Chiều thừa nhận, là Phó tổng giám đốc, Trưởng ban dự án của Vinalines, có ký hàng loạt tờ trình đề nghị mua ụ nổi, ký nháy vào các chứng từ trình duyệt thanh toán. Bị cáo thừa nhận có tội “cố ý làm trái”, chỉ đề nghị xem xét giảm nhẹ do bối cảnh diễn ra hành vi, không có mục đích trục lợi.
Về số tiền 340 triệu đồng nhận từ Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều cho rằng đã hỏi lại về việc tiền này có liên quan đến ụ nổi 83M không và Sơn đã cho biết “cứ yên tâm”, “không liên quan”, bị cáo không quan niệm đó là số tiền được chia từ việc mua ụ nổi. Thời điểm đó, Chiều khai do hoàn cảnh khó khăn, đã vay mượn và khi được Sơn đưa tiền nghĩ là sự giúp đỡ.
Đại diện VKS tiếp tục xét hỏi về lời khai của Chiều về việc ký xác nhận đề nghị thanh toán tiền mua ụ nổi, lời khai về số tiền nhận từ Sơn, trong đó chỉ ra những lời khai mâu thuẫn của Chiều tại cp quan CA và trước tòa. Chiều thừa nhận trước đó có khai tại cơ quan điều tra rằng có xác nhận đề nghị thanh toán, khai biết nguồn gốc số tiền 340 triệu đồng, nhưng sau khi bị khởi tố tội tham ô muốn nói lại cho rõ.
Bị cáo Mai Văn Phúc bị thẩm vấn đã phủ nhận hoàn toàn lời khai của Trần Hải Chiều, cho rằng Chiều, Sơn không báo cáo Phúc. Phúc khai không nhớ có giao ai làm trưởng đoàn, không giao trực tiếp nhiệm vụ, chỉ dựa vào báo cáo của Ban Dự án. Phúc khai sau khi đoàn khảo sát về có Chiều, Sơn, Khang đến báo cáo, nhưng không báo cáo về giá dưới 5 triệu của ụ nổi. Về việc số tiền 1,66 triệu USD, Phúc xác nhận khai tại cơ quan điều tra rằng: có suy nghĩ phải do Dương Chí Dũng hoặc Mai Văn Phúc chỉ đạo, thỏa thuận ngầm mới có khoản “lại quả” này; Trần Hải Sơn không thể một mình chiếm hưởng số tiền này, phải chia cho nhiều người, nếu Phúc được chia cũng phải bằng Dũng; người có quyền đàm phán mua ụ nổi chỉ có thể là Dũng và Phúc. Tuy nhiên, Phúc cho rằng đến thời điểm này đã có những suy nghĩ khác và cho rằng Trần Hải Sơn “khủng khiếp quá”.
Tại tòa, HĐXX đã tập trung là rõ chi tiết lời khai của Mai Văn Phúc rằng Dương Chí Dũng đã chỉ đạo Phúc mua ụ nổi, nếu không mua được sẽ kỷ luật, đề nghị cách chức. Nhưng, trước tòa, Dương Chí Dũng phủ nhận lời khai này. Bị cáo Phúc tiếp tục khẳng định không nhận 10 tỷ đồng từ Sơn, chỉ nhận chai rượu và 2 triệu đồng.
9h00’: Bị cáo Dương Chí Dũng khi bị xét hỏi cho biết, quan hệ với Goh Hoon Seow từ khoảng năm 1997-2000, khi mua một tàu thi công từ Singapor. Về lời khai “không quen” ông Goh tại cơ quan điều tra, lúc đầu là do sợ ảnh hưởng đến Goh. Dũng khai biết việc mua ụ nổi 83M là không đúng qui trình. Việc mua bán ụ nổi đã hoàn thành (7-2008) trước khi có công văn của Chính phủ về việc cho phép chỉ định thầu các hạng mục của dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam (tháng 10-2008). Dương Chí Dũng khai rằng, có gặp lại Goh tại một hội thảo về ụ nổi nhưng không nắm rõ, chỉ thông qua tham mưu mới được biết. Lúc đó, Phó tổng giám đốc Bùi Văn Trung phụ trách mảng kinh doanh đối ngoại, chịu trách nhiệm, không hiểu sao Phúc lại giao cho Chiều thay Bùi Văn Trung. Về việc này, Phúc khai không trực tiếp phân công Chiều mà do các cơ quan tham mưu trình, Phúc duyệt.
Về quá trình đàm phán mua ụ nổi, Dũng khai không biết rõ, việc này Tổng Giám đốc (Mai Văn Phúc) phải làm. Do nội bộ Tổng Công ty “phức tạp”, Phúc “chống phá” chủ tịch HĐQT nên chỉ khi nào Tổng Giám đốc trình thì bị cáo mới biết. HĐXX lập luận, điều đó cho thấy lời khai của Sơn có phần đúng khi cho rằng không gặp cùng lúc cả 2 người Dũng và Phúc. Về lời khai tại cơ quan điều tra về việc việc đàm phán mua ụ nổi chỉ có Dũng hoặc Phúc có quyền quyết và việc Sơn không thể một mình chiếm hưởng 1,66 triệu USD, Dũng phủ nhận bút lục đó không chính xác. Dũng cho rằng sai sót của mình là không đọc lại biên bản ghi lời khai trước khi ký.
Dương Chí Dũng cũng nhận sai sót trong quá trình mua ụ nổi, với tư cách lãnh đạo Vinaline, quá tin váo cơ quan tham mưu.
Trả lời trước tòa, Mai Văn Khang xác nhận lời khai của Trần Hữu Chiều về việc Chiều cho biết có sự chỉ đạo (của Dũng) việc mua ụ nổi, giá thực của ụ nổi… Bị cáo khai chỉ ký nháy vào báo cáo đã được soạn sẵn. Bị cáo Khang cũng phủ nhận một số lời khai tại cơ quan CA về tầm quan trọng của báo cáo khảo sát, cho rằng chỉ nghe lại qua lời Trần Hữu Chiều, một số lời khai không nhớ, một số lời khai đã thay đổi. Tuy nhiên, HĐXX chỉ rõ nội dung cơ bản các lời khai của Khang là phù hợp với lời khai của Chiều, Sơn.
9h50': Bị cáo Trần Hải Sơn khai cùng Chiều, Khang nhiều lần lên báo cáo Phúc. Về số tiền 1,66 triệu USD, Sơn báo cáo riêng rẽ Dũng, Phúc. Sơn nhận thức được rằng Dũng, Phúc bất đồng. Bị cáo Sơn tiếp tục khẳng định đã đưa tiền cho Dũng, Phúc. Sơn xác nhân lời khai đưa tiền cho lần đầu cho Dũng tại một khách sạn tại TP Hồ Chí Minh, lần 2 tại nhà bố mẹ vợ Dương Chí Dũng. Sơn khai 3 lần đưa tiền cho Phúc: lần đầu ở nhà riêng Phúc – Làng Quốc tế Thăng Long (2,5 tỷ đồng), lần 2 cũng tại nhà Phúc (5 tỷ đồng), lần 3 ở quê Phúc - ở Hải Phòng (2,5 tỷ đồng). Tuy nhiên, một số tình tiết cụ thể như thời gian, việc mở tài khoản tại ngân hàng Hàng hại chi nhánh Hà Nội, nơi rút tiền…, Sơn khai không nhớ rõ.
Về lời khai của Chiều, Sơn xác nhận là đúng, cho rằng Chiều biết việc có khoản tiền 1,66 triệu USD. Nhưng về số tiền 340 triệu đồng, Sơn chỉ nói với Chiều là tiền “bồi dưỡng”, không nói rõ là tiền từ việc mua ụ nổi, vì ở Vinalines có nhiều khoản “bất thành văn”, chỉ cần hiểu là “bồi dưỡng”. Sơn khai khi mang tiền đến cho Chiều là 500 triệu đồng nhưng vẫn công nhận lời khai của Chiều là số tiền chỉ là 340 triệu đồng.
10h25': Luật sư của Dương Chí Dũng thẩm vấn bị cáo Mai Văn Khang. Bị cáo cho biết không nghe trực tiếp Dương Chí Dũng chỉ đạo việc mua ụ nổi. Quá trình đi khảo sát, đoàn có gặp đại diện chủ sở hữu ụ nổi là Nakhodka, nhưng không nghe thấy nói về giá cả. Khi được hỏi, bị cáo Trần Hữu Chiều cho biết việc người đầu tiên bàn việc mua ụ nổi là Chiều trình cho Tổng Giám đốc. Việc biết giá dưới 5 triệu là qua làm việc tại Nga.
Trả lời luật sư của Dương Chí Dũng, Trần Hải Sơn xác nhận có trình việc AP chào giá 9 triệu USD cho Bùi Văn Trung để mua ụ nổi, trước khi đi khảo sát. Sơn tiếp tục xác nhận việc chuyển tiền cho Dũng tại TP Hồ Chí Minh. Việc chuẩn bị tiền là do các em của Sơn chuẩn bị. Việc chuyển tiền do Goh Hoon Soew tổ chức, qua Công ty em gái Sơn. HĐXX đã hỏi thêm về tình tiết Sơn khai sau khi đưa tiền có gọi lái xe của Công ty đưa về trong khi ký hợp đồng thử việc với lái xe này sau thời điểm đó. Sơn khai có việc ký hợp đồng 1 tháng 1 lần với lái xe này.
Các luật sư tiếp tục hỏi Sơn về khoản cho Trần Hữu Chiều vay và “bồi dưỡng”. Trần Hải Sơn tiếp tục cho rằng không nhớ rõ. Luật sư cũng hỏi thêm nhân chứng Trần Thị Hải Hà (em gái Sơn) để làm rõ phương thức rút tiền giúp Sơn; hỏi Sơn về phương thức chuyển tiền về Việt Nam.
Trả lời HĐXX và luật sư, Dương Chí Dũng nhận sai về hành vi “cố ý là trái” nhưng cho rằng thời điểm đó không nắm rõ, các cơ quan tham mưu đều trình mua, các thành viên HĐQT không có ý kiến khác. Cũng do bối cảnh lúc đó cần mua ụ nổi sức nâng lớn nên đồng ý mua.
Trả lời HĐXX và luật sư, bị cáo Trần Hữu Chiều xác nhận có nghe phiên dịch truyển đạt lại lời Goh về việc sắp đặt cho ụ nổi vận hành để làm cơ sở báo cáo. Mai Văn Khang cho biết không năm hết nội dung các văn bản liên quan đến nghiệp vụ, báo cáo khảo sát chỉ là báo cáo công tác chứ không phải báo cáo giám định, bị cáo chỉ ký nháy nhằm chịu trách nhiệm những phần liên quan đến dịch thuật.
Mai Văn Phúc khai tiếp, việc ký duyệt thanh toán ụ nổi là do có đề xuất, chứ ký của cơ quan tham mưu, không thấy báo cáo về việc thiếu hồ sơ, giấy tờ. Bị cáo cho rằng, khi về nhận chức không nắm bắt được việc mua ụ nổi, chỉ sau khi đoàn khảo sát về mới biết về ụ nổi 83M. Bị cáo đã cố gắng hết sức để xây dựng Vinalines.
Được luật sư của Mai Văn Phúc tiếp tục xét hỏi về việc chuyển tiền, Trần Hải Sơn xác nhận những lời khai trong hồ sơ, viện là không nhớ rõ, không giải thích được những mâu thuẫn trong lời khai.
Tòa nghỉ, 14h tiếp tục làm việc.
14h10': Tòa tiếp tục làm việc. Tòa đã triệu tập ông Bùi Văn Trung (thời điểm năm 2007 là trưởng ban Kinh doanh Đối ngoại, Phó Tổng Giám đốc Vinalines), người được phân công mảng kinh doanh đối ngoại, quản lý dự án xây dựng nhà máy sửa chữa, trong đó có ụ nổi; tìm kiếm đối tác nước ngoài có tiềm lực... Tại toà, ông Trung khai không biết Công ty AP, không nắm được những văn bản chào hàng mua bán ụ nổi. Về giao dịch mua ụ nổi, ông Trung cũng khẳng định không tham gia quá trình đàm phán mà tham gia thẩm định. Ngoài tham gia tổ thẩm định, ông Trung cho biết có tham gia 1 buổi về cuộc họp để mua ụ nổi 83M.
Để làm rõ những lần giao dịch rút tiền của Trần Hải Sơn, HĐXX đã thẩm vấn đại diện ngân hàng Hàng hải. Đại diện ngân hàng này cho biết, việc xác minh hoạt động rút tiền của Trần Hải Sơn cần có thời gian để tra cứu chứng từ, vì vậy sẽ cung cấp cho tòa vào ngày 29-4.
14h50': Bị cáo Mai Văn Phúc tiếp tục trả lời trước tòa về nội dung có hay không việc Trần Hải Sơn chuyển tiền cho bị cáo. Mai Văn Phúc tiếp tục phủ nhận lời khai của Trần Hải Sơn, cho rằng Sơn khai báo gian dối. Về sai phạm trong việc mua ụ nổi, Mai Văn Phúc nhận một phần trách nhiệm, song cho rằng không có động cơ, mục đích trục lợi.
Khi được thẩm vấn, các bị cáo Lê Văn Dương, Trần Hữu Chiều tíêp tục cho rằng không biết về số tiền hơn 1,66 triệu USD "lại quả". Trần Hữu Chiều cho rằng khi nhân 340 triệu đồng không biết đó là tiền từ khoảng 1,66 triệu USD trên. Lê Văn Dương khai không nhận được tiền, tham gia đoàn khảo sát chỉ do được phân công công việc.
3h15': Tòa tạm nghỉ.
Sau thời gian tạm nghỉ khoảng 15 phút, HĐXX tiếp tục làm việc. Chủ tọa phiên tòa đã công bố việc vừa nhận thêm một số tài liệu liên quan đến vụ án, trong đó có tài liệu xác minh về Công ty Nakhodka (Nga), kết quả thẩm vấn 2 nhân chứng Nga, căn cứ thuế về bán ụ nổi 83M và một số tài liệu khác… Do đây là những tài liệu mới nhận được, chưa nghiên cứu đầy đủ nên HĐXX quyết định dừng phiên tòa buổi chiều 28-4 để dành thời gian nghiên cứu.
Ngày mai, 29-4, tòa sẽ tiếp tục làm việc.