Ghép tế bào gốc tạo máu: Tăng cơ hội sống cho người mắc bệnh hiểm nghèo
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:45, 28/04/2014
Sự sống được hồi sinh
Nhìn vẻ hoạt bát của ông Đỗ Văn Hòa (64 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội), không ai nghĩ cách đây 5 năm ông mang trong mình bệnh ung thư máu. Ông Hòa kể: "Sau khi phẫu thuật dạ dày, tôi biết mình mắc bệnh ung thư máu. Lúc đó, tôi suy sụp hoàn toàn, chỉ nghĩ đến cái chết. Khi được giới thiệu đến Viện Huyết học - Truyền máu trung ương để chữa trị, tôi vẫn thấy hoang mang, nghi ngờ. Sang Singapore thì chi phí quá lớn, sức khỏe tôi lại yếu, việc ra nước ngoài càng khó khăn. Đắn đo mãi, cuối cùng tôi chọn Viện Huyết học - Truyền máu trung ương. Được ghép TBG và nằm điều trị liên tục tại viện suốt 2 năm, các y - bác sĩ tận tâm với nghề đã giúp tôi chiến thắng bệnh tật, tìm lại sự sống".
Bé Trần Ngọc Ánh, 9 tuổi ở Hưng Yên vừa được ghép tế bào gốc thành công tại Viện Huyết học - Truyền máu |
Niềm hứng khởi không chỉ có ở ông Đỗ Văn Hòa. Anh Lâm Tiến Bình (35 tuổi, ở Lạng Sơn) biết mình bị ung thư máu cách đây 6 năm, khi đang ở độ tuổi sung sức nhất. Khi đó, anh Bình định buông xuôi tất cả. Tháng 11-2008, anh được các bác sĩ của Viện Huyết học - Truyền máu trung ương tiến hành ghép TBG đồng loại. "Kể từ ca ghép đó, 6 năm qua, sức khỏe tôi đã tiến triển rất tốt. Các bác sĩ tại viện giống như những người đã sinh ra tôi lần thứ hai. Cả gia đình tôi mang ơn họ suốt đời, anh Lâm Tiến Bình tâm sự.
Từ tháng 11-2013, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương đã triển khai ghép TBG tạo máu đồng loại cho bệnh nhi, tính đến nay đã thực hiện được 3 ca ghép. Trường hợp gần nhất là bé Trần Ngọc Ánh (9 tuổi, ở Tiên Lữ, Hưng Yên), người mắc bệnh suy tủy nặng điều trị tại BV Nhi trung ương từ tháng 10-2013 và được chỉ định ghép TBG. May mắn, các bác sĩ đã tìm thấy sự hòa hợp giữa Ánh và người em ruột Trần Ngọc Giang (6 tuổi). Do hoàn cảnh gia đình Ánh rất khó khăn nên viện đã quyết định miễn phí hoàn toàn cho ca ghép này. Ca phẫu thuật đã thành công và sức khỏe của Ánh đang tiến triển rất tốt.
Đường dẫn đến thành công
Chia sẻ về việc áp dụng kỹ thuật ghép TBG, Ths Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết, tháng 6-2006, Viện đã thực hiện ca ghép TBG đầu tiên cho bệnh nhân bị ung thư tủy xương. Để thực hiện một ca ghép như vậy, cần có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, từ cơ sở vật chất đến nguồn lực. Ngoài việc chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ, hóa chất, công đoạn khó nhất là tìm nguồn thuốc "đặc trị" dành cho bệnh nhân ghép TBG, bởi ở thời điểm đó, hầu như không công ty dược nào muốn nhập. "Sau một quá trình vận động mệt mỏi, chúng tôi thuyết phục được các công ty dược nhập thuốc về. Viện cũng cử một đoàn bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng sang học tập tại Viện Sức khỏe Hoa Kỳ trong giai đoạn năm 2004-2005", Ths Bạch Quốc Khánh nói.
Từ ca ghép đầu tiên cho đến đầu năm 2010, Viện chỉ tiến hành ghép TBG được cho khoảng 5-6 trường hợp, bởi điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực hạn hẹp. Tuy nhiên, từ tháng 7-2010, khi đã có được cơ sở mới khang trang, viện đầu tư mạnh mẽ hơn cho kỹ thuật ghép TBG.
Từ đó, sau mỗi năm, số ca ghép tiếp tục nhân lên trong niềm phấn khởi của các y, bác sĩ. Nếu như năm 2011, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương ghép được 19 ca thì đến năm 2012, số ca đã thực hiện là 22, năm 2013 là 26 ca và trong quý I năm 2014 đã ghép được 18 ca. Kể từ ca ghép đầu tiên, sau 8 năm, viện đã ghép được 107 ca, trong đó có 66 trường hợp ghép đồng loại (lấy tế bào gốc từ người khác), 41 trường hợp ghép tự thân (lấy tế bào gốc từ chính bệnh nhân). Dự kiến trong năm 2014, Viện sẽ thực hiện 50-60 ca ghép TBG.
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, thời gian đầu, do không tin tưởng vào tay nghề của bác sĩ trong nước nên nhiều người bệnh đã ra nước ngoài để ghép TBG. Có bệnh nhân từng điều trị ở Singapore, nhưng vì chi phí quá cao nên quyết định quay về Việt Nam để ghép TBG. Trong khi đó, kỹ thuật ghép TBG ở nước ta hiện không thua kém gì các nước trên thế giới, chi phí lại thấp hơn rất nhiều. Hiện nay, đối với ghép TBG tự thân, mỗi ca có mức tổng chi khoảng 200 triệu đồng, nếu trừ khoản bảo hiểm chi trả thì người bệnh chỉ phải bỏ ra khoảng 100 triệu đồng. Với ghép TBG đồng loại, mỗi ca có tổng chi phí khoảng 600 triệu đồng, người bệnh chi trả khoảng 200-300 triệu đồng sau khi trừ bảo hiểm. Nếu ghép tại Singapore, người bệnh sẽ phải trả khoảng 100.000 USD/ca ghép tự thân và 150.000-200.000 USD/ca ghép đồng loại cao gấp hàng chục lần khi chọn ghép TBG tại Việt Nam.
"Cuộc cách mạng" ở Viện Huyết học - Truyền máu trung ương không chỉ mang lại cơ hội sống cho người mắc bệnh hiểm nghèo, mà còn giảm nhẹ gánh lo tiền bạc đối với gia đình người bệnh. Đó là một thành quả được cả xã hội chờ đợi.