Thấy gì từ nội dung tranh luận tại các cuộc hội thảo?
Kinh tế - Ngày đăng : 05:48, 28/04/2014
Một cuộc hội thảo về áp thuế TTĐB đối với nước có ga không cồn tại Hà Nội |
Quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng: NNCGKC được cảnh báo có ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng và đang được tiêu thụ ở Việt Nam nhiều nên cần phải hạn chế bằng việc đánh thuế TTĐB. Tuy nhiên, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp cho rằng nội dung giải trình của Bộ Tài chính chưa thật sự thuyết phục, bởi đây mới chỉ là cảnh báo của các chuyên gia quốc tế mà chưa được kiểm chứng trên cơ sở các luận cứ khoa học đầy đủ. Các nghiên cứu khoa học trên thế giới và một thông báo kết luận của Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, (Bộ Y tế) lại có những quan điểm không đồng thuận với những viện dẫn của Bộ Tài chính.
Từ việc NNCGKC có thể gây hại đến sức khỏe…
Ông Christopher J. Snowdon, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Luân Đôn (Anh quốc) cho rằng: “Hiện tại trên thế giới, không có quốc gia nào đánh thuế các đồ uống là NNCGKC dựa trên yếu tố có ga trong đồ uống đó. Các nước đánh thuế đối với nước giải khát là có, nhưng phổ biến dựa vào yếu tố hàm lượng đường quá nhiều đối với loại sản phẩm đó.” Còn theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, mức tiêu thụ đường trong nước ngọt hiện nay ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với thế giới. Trong công văn gửi Bộ Tài chính ngày 31/3, Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, so với các nước trên thế giới, mức tiêu thụ đường của người Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp, (chỉ khoảng 15kg/người/năm, trong khi mức bình quân thế giới là 23,7kg/người). Với dân số hơn 90 triệu người mà trong đó phần lớn là người thu nhập thấp thì việc tiêu thụ đường của bộ phận này thấp hơn con số bình quân 15 kg/người/năm rất nhiều… Ngoài ra, mức tiêu thụ của NNCGKC hiện nay khoảng 925 triệu lít/năm, ứng với lượng đường tiêu thụ khoảng 74.000 – 110.000 tấn đường/năm (chiếm tỉ lệ 5,48 – 8,15% trên tổng số đường tiêu thụ của nước ta hiện nay), thì lượng đường đã tiêu thụ cho sản xuất loại đồ uống này không lớn lắm. Với thực tế trên, Hiệp hội Mía đường đã kiến nghị chưa đưa ngay mặt hàng nước ngọt có ga vào diện chịu thuế TTĐB.
Trong tham luận tại Hội thảo góp ý Dự án Luật thuế TTĐB sửa đổi được chủ trì bởi Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ ngày 11/4, bác sĩ Mason Cobb, Chủ tịch Hội đồng Y tế và Sức khoẻ AmCham đã dẫn chứng các nghiên cứu uy tín của quốc tế và kinh nghiệm y khoa của bản thân xoay quanh vấn đề ảnh hưởng của nước ngọt có ga (CO2) đến sức khỏe con người. Bác sĩ Mason Cobb đã chỉ ra rằng ga (CO2) hoàn toàn không có tác động tiêu cực nào đến sức khoẻ con người, thậm chí, CO2 sục trong nước uống còn chứa nhiều lợi ích y tế, ví dụ như khả năng làm giảm chứng khó tiêu (ợ nóng, một biểu hiện của bệnh viêm loét), giảm chứng táo bón, và là tác nhân hạn chế hành vi ăn uống gây bội thực...
Đối với những quan ngại về việc nước ngọt có ga có chứa natri (muối), chất tạo màu 4-MEI, sodium benzoate, xi rô đường ngô dẫn đến nguy cư gây bệnh tiểu đường, gút, mỡ máu, béo phì, bác sĩ Mason đã đưa ra một dẫn chứng thú vị là trên thực tế hàng ngày người Việt Nam vẫn hấp thụ một hàm lượng nhất định một số chất nêu trên từ những thực phẩm quen thuộc. “- Cụ thể, một người phải uống hết 4 chai Cola 350ml thì mới hấp thụ lượng muối natri tương đương với ăn một bát phở. Nếu so sánh với lượng tiêu thụ nước tương, nước mắm thì con số còn lớn hơn thế…” - bác sĩ Mason cho biết.
Mặt khác, thủ phạm chính gây ra hầu hết các bệnh nêu trên không gì khác ngoài lối sống thiếu lành mạnh và việc hấp thu quá nhiều đường từ tất cả các loại thực phẩm. Hàm lượng đường hấp thụ mỗi ngày trên thực tế còn đến từ nước ngọt không ga, hoa quả, thực phẩm qua chế biến, và đặc biệt là cơm trắng. Ngoài ra, thủ phạm dẫn đến gút là sự tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có chứa nhiều đạm như thịt, cá, cùng nhiều loại hải sản khác. Cần nói thêm rằng, khi so sánh tương đương trên mỗi 250ml giữa các loại nước ngọt không cồn thì hàm lượng đường của nước ngọt không cồn không ga không hề thấp hơn nước ngọt không cồn có ga, thậm chí còn cao hơn.
Theo Ông Đỗ Huy Tuấn, Trưởng phòng quản lý tiêu chuẩn và kiểm nghiệm, Cục ATVSTP, Bộ Y tế "CO2 là một chất phụ gia thực phẩm và được rất nhiều quốc gia sử dụng, ngay cả Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế CODEX cũng cho phép sử dụng trong thực phẩm. Do đó chưa thể khẳng định được điều NNCGKC là nguyên nhân gây ra bệnh tật ". Còn theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, thì chưa nên áp thuế TTĐB, mà phải nghiên cứu kỹ lưỡng thêm vì chưa đủ căn cứ khoa học để chứng minh rằng, NNCGKC gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng…
… Đến góc độ nhìn nhận về kinh tế
Tính đến cuối năm 2013, ngành Thực phẩm và Đồ uống chiếm tỷ lệ 15% tổng sản phẩm quốc dân và là ngành quan trọng trong chuỗi cung ứng đầu ra của nông nghiệp. Đây cũng là ngành công nghiệp có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo Ban soạn thảo dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi bổ sung, việc áp thuế đối với các sản phẩm NNCGKC sẽ làm tăng thu ngân sách. Cụ thể đến năm 2016 số thu ngân sách sẽ tăng thêm 1.500 tỷ đồng, và vào năm 2018 sẽ là 1.900 tỷ đồng. Đối với mục tiêu tăng thu ngân sách như dự thảo đưa ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng, khó đạt được mà ngược lại, thu ngân sách có thể sẽ bị giảm do giảm trừ từ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Theo Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, nguồn thu từ thuế TTĐB không phải lớn, mà lớn nhất là thuế VAT, thuế TNDN. Thuế TTĐB còn thấp hơn thuế thu nhập cá nhân. Vì vậy việc cho rằng, thuế TTĐB chỉ nhằm tăng thu là không phải. Bất kỳ chính sách thuế nào cũng nhằm tới mục đích tổng hợp như khuyến khích sản xuất, định hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe và thực hiện an sinh xã hội… Ở góc độ nghiên cứu kinh tế, tiến sĩ Trần Kim Chung, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích: Nếu giá nước ngọt tăng 1% thì lượng cầu sẽ giảm 2,8%. Nếu áp dụng thu 10% thuế TTĐB trên NNCGKC tại giá bán lẻ, lợi nhuận mất đi 1 năm của ngành đồ uống Việt Nam sẽ vào khoảng 1.000 tỷ đồng. Nếu đưa thuế vào giá xuất xưởng, lợi nhuận mất đi sẽ còn khoảng 851 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn thu được dự kiến tăng thêm cho hai trường hợp trên lần lượt chỉ là 145 tỷ hoặc 234 tỷ đồng…
“- Việt Nam nên rút kinh nghiệm từ Đan Mạch, khi Chính phủ nước này đã quyết định đánh thuế lên các sản phẩm chứa chất béo và đã gặp rất nhiều vấn đề. Thuế “chất béo” này đã từng được thế giới ghi nhận là công cụ hàng đầu chống béo phì, nhưng thực chất nó đã gây ra nhiều vấn đề hơn như: tăng tỷ lệ lạm phát lên 4.7% và hàng ngàn người đã bị mất việc. Ngoài ra, nó còn gây tốn một khoản chi phí lớn của nhà nước, và khiến nhà nước thất thu do người tiêu dùng chuyển sang mua sắm thực phẩm xuyên biên giới…”, - Đó là ý kiến của ông Snowdon, đến từ Viện nghiên cứu kinh tế Luân Đôn. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc áp thuế này sẽ có tác động lên thị trường và ảnh hưởng tới ngành công nghiệp sản xuất NNCGKC trong nước. Việc áp thuế TTĐB đối với mặt hàng này còn ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. “ - Thuế TTĐB về nguyên tắc là sắc thuế gián thu, doanh nghiệp sẽ nộp thuế TTĐB và trong trường hợp này chẳng hạn là nước ngọt có ga và người chịu thuế thực sự là người tiêu dùng và do đó về mặt thông thường khi mà người ta áp thuế TTĐB lên một sản phẩm nào đó thì giá đến người tiêu dùng cuối cùng sẽ được tăng thêm”, - Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định.
Doanh nghiệp bức xúc
Ông Nguyễn Đặng Hiến, TGĐ Công ty TNHH Tân Quang Minh, đại diện doanh nghiệp sản xuất nước giải khát có ga cho biết với tình hình suy thoái kinh tế đang tiếp diễn, việc đề xuất áp thuế TTĐB 10% với mặt hàng NNCGKC sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường. Trong ngành thực phẩm nước giải khát, điều chỉnh giá 3-4% là việc phải cân nhắc kỹ lưỡng vì sự chênh lệch giá vài trăm đồng trên một thùng sản phẩm có thể làm người mua chuyển từ sản phẩm này sang sản phẩm khác. Do đó, nếu áp thuế 10% NNCGKC thì sức tiêu thụ của thị trường chắc chắn sẽ giảm và khó khăn của doanh nghiệp sẽ ngày càng chất chồng. Nhiều doanh nghiệp sau khi tăng giá mới 4% có thể giảm tiêu thụ 10-12% và việc mất thị phần tiêu thụ rất khó phục hồi trở lại…
Trong khi đó, theo đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, nên giữ mức áp dụng thuế đối với mặt hàng bia, rượu, nước giải khát như hiện nay là hợp lý. Nếu có tăng phải có lộ trình, và tăng ngay từ 1-7-2015 sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp, vì các doanh nghiệp khi xây dựng phương án đầu tư đều có lộ trình cụ thể. Trong khi đó, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay thuộc hàng cao nhất khu vực Đông Nam Á, nếu tiếp tục tăng thuế TTĐB, vô tình biến Việt Nam thành “ốc đảo” kém sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Một khi sức cạnh tranh hàng trong nước càng yếu thế, có thể hàng hóa, đặc biệt là bia, rượu, nước giải khát, từ các nước Đông Nam Á sẽ tràn vào Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc tạo “thời cơ vàng” cho buôn lậu vì chênh lệch giá giữa hàng trong nước và hàng nhập lậu tăng cao, lợi nhuận cao hơn sẽ làm cho buôn lậu rầm rộ hơn.
Cơ quan hữu quan còn băn khoăn
Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương cho rằng, cần làm rõ khái niệm, phạm vi, đối tượng áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng NNCGKC sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Bộ Kế hoạch Đầu tư nêu ý kiến rằng, Ban soạn thảo dự Luật cần kiểm chứng trên cơ sở các luận cứ khoa học đầy đủ, và tham vấn ý kiến doanh nghiệp ngành trước khi bổ sung đối tượng chịu thuế này. Còn theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, việc sửa đổi Luật cần phải tuân thủ một số nguyên tắc: Thứ nhất là không được phân biệt đối xử. Thứ 2 là phải phù hợp với thông lệ quốc tế, với những ý kiến lo ngại việc áp thuế mà những nước khác không áp dụng thì nên tránh. Thứ 3 là phải khoa học, phải nêu ra các luận điểm để sửa đổi. Ví dụ với luận điểm bảo vệ sức khoẻ NTD, ban dự thảo phải chứng minh, có căn cứ. Nếu không các nhà sản xuất họ lập luận ngược lại khiến ý định của mình không có cơ sở khoa học…
Dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều phía, đặc biệt trong bối cảnh sản xuất đang gặp nhiều khó khăn, sức mua giảm. Mục đích tối thượng của bất kỳ chính sách thuế nào cũng nhằm điều chỉnh hài hòa lợi ích chung của toàn xã hội và vì sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững của đất nước. Để luật được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, cần có sự nghiên cứu đầy đủ, toàn diện hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần thận trọng trước khi quyết định áp thuế TTĐB đối với những sản phẩm thông thường đang được đông đảo người dân sử dụng một cách đại trà.