Cuộc chiến không mong đợi ở Ukraine
Thế giới - Ngày đăng : 06:38, 27/04/2014
Một tuyên bố chung được các bên ký cùng ngày, ngay sau cuộc gặp như dự đoán, đã không đủ giúp một quốc gia trong không gian hậu Xô viết tránh một cuộc nội chiến đã định hình.
Người biểu tình đòi ly khai đứng gác tại một trạm kiểm soát ở Slavyansk.Ảnh: Reuters |
Nguyên cớ khiến quốc gia có vị trí địa - chính trị, chiến lược và quân sự hệ trọng của Châu Âu này - vừa có đường biên giới chung Ukraine - Nga ở phía tây lại cả với EU ở phía đông - lâm vào cảnh như hiện nay do đa số người miền Đông Ukraine không công nhận chính phủ tạm quyền Kiev hiện nay. Với đa số người miền Đông, biểu tình kéo dài dẫn đến bạo lực, lật đổ chính phủ hợp hiến để lên nắm quyền hồi tháng 2-2014 của chính phủ tạm quyền Kiev là vi hiến. Điều này đã làm dấy lên làn sóng ly khai, đòi liên bang hóa tại nhiều thành phố, thị trấn miền Đông Ukraine trong những ngày qua. Những người ly khai đã lập nhiều "phòng tuyến" thô sơ bằng lốp xe cũ, bao cát tại hầu hết con đường dẫn vào các thành phố, thị trấn, thậm chí là các làng mạc...
Chiến dịch quân sự nhằm vào những người biểu tình đòi ly khai, liên bang hóa Ukraine ở miền Đông được Kiev nối lại (ngày 22-4) sau một tuần tạm yên như một bó đuốc ném vào thùng thuốc súng. Cuộc đụng độ giữa quân đội Ukraine với sự trợ giúp của xe tăng, máy bay vũ trang với những người biểu tình đòi ly khai giờ đã tự vũ trang nổ ra hai ngày sau đó tại thành phố Slavyansk (tỉnh Donetsk). Cuộc đọ súng dữ dội tại ngoại ô thành phố đã cướp đi ít nhất 5 sinh mạng của phe ly khai nhưng những người ly khai đang kiểm soát thành phố khẳng định đã đẩy lui được quân đội Ukraine ra khỏi thành phố và rằng, họ sẽ không đầu hàng. Một ngày sau, các máy bay trực thăng vũ trang Mi-24 và Mi-8 của Ukraine cũng quần thảo trên bầu trời thành phố Artyomovsk gần Slavyansk. Trong khi đó, thành phố Kramatorsk cũng rung chuyển bởi hàng loạt tiếng nổ lớn và những cột khói bốc cao. Theo những người biểu tình ly khai hiện đang kiểm soát thành phố này, một trực thăng vũ trang Mi-8 của quân đội Ukraine đã bị bắn hạ, cơ quan có trách nhiệm của Ukraine đã xác nhận thông tin máy bay rơi… Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, khoảng 11.000 binh sĩ, 160 xe tăng, 230 xe bọc thép và 150 khẩu pháo của quân đội Ukraine đã tham gia chiến dịch chống người biểu tình ở miền Đông Ukraine.
Tỷ lệ thuận với sức nóng của chiến dịch quân sự tại miền Đông Ukraine vừa được Kiev nối lại, va chạm Đông - Tây giữa một bên là Nga và một bên là Mỹ cùng các đồng minh Châu Âu một lần nữa "rung lắc" mạnh. Trong lúc quân đội Ukraine thực hiện chiến dịch quân sự tại thành phố Slavyansk, Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn truyền thông của Mặt trận nhân dân toàn Nga (ngày 24-4) cho rằng, nếu Kiev sử dụng quân đội chống lại dân thường, đó sẽ là một tội ác nghiêm trọng. Cùng ngày, người đồng cấp Barack Obama đang ở thăm Tokyo trong chuyến công du Châu Á đang diễn ra đã lần đầu tiên lên tiếng về cuộc khủng hoảng Ukraine, kể từ thỏa thuận Geneva. Người đứng đầu Nhà trắng cảnh báo Mátxcơva sẽ nhận trừng phạt mới; đồng thời, tiếp tục khẳng định sẽ không có giải pháp quân sự cho vấn đề Ukraine. Theo dự kiến, các lệnh trừng phạt mới từ Mỹ và Châu Âu nhằm vào xứ Bạch dương sẽ nhất loạt được đưa ra trong hôm nay (27-4, giờ địa phương).
Đó là trên phương diện chính trị kinh tế và ngoại giao. Về quân sự, những binh sĩ Mỹ đầu tiên trong số 600 binh sĩ Mỹ được Lầu Năm Góc triển khai tới Châu Âu vì cuộc khủng hoảng Ukraine đã tới Ba Lan và 3 nước Baltic trong sứ mệnh trấn an các thành viên mới trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Latvia, một quốc gia Baltic, đã lên tiếng hoan nghênh sự hiện diện của các binh sĩ Mỹ trên lãnh thổ nước này. Bộ Quốc phòng Latvia cho biết, khoảng 150 binh sĩ thuộc Lữ đoàn Không vận 173 của Mỹ sẽ đóng quân tại căn cứ Adazi gần thủ đô Riga ít nhất tới cuối năm nay. Ngay lập tức, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov đã lên tiếng bày tỏ sự "lo ngại" về lực lượng không quân Mỹ cùng đồng minh và binh sĩ Mỹ gia tăng tại vùng Baltic, Ba Lan cũng như sự hiện diện các tàu hải quân Mỹ và đồng minh tại Biển Đen. Như một phản ứng tự nhiên, Nga đã mở cuộc tập trận mới với các tiểu đoàn chiến thuật thuộc Quân khu phương Nam và Quân khu phương Tây cách biên giới Ukraine chỉ khoảng 1km. Rõ ràng những diễn biến tại Ukraine đang khiến thỏa thuận 4 bên có nguy cơ đổ vỡ. Các nước đã lên tiếng kêu gọi các bên thực hiện các thỏa thuận hòa bình Geneva để ngăn chặn cuộc xung đột lan rộng tại khu vực. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng kêu gọi các bên nỗ lực nhằm giảm thiểu căng thẳng hiện nay ở miền Đông Ukraine...
Cuộc chiến không mong đợi ở Ukraine đang không chỉ phản ánh sự chia rẽ sâu sắc giữa những người trong cùng một quốc gia mà còn đẩy mối quan hệ Đông - Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Căng thẳng không có dấu hiệu dừng lại ở miền Đông Ukraine đang dẫn Châu Âu đến những hệ lụy khôn lường.