Gợi mở từ một việc làm nhỏ
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:25, 27/04/2014
Nhớ thời bao cấp, để ngăn chặn bệnh dịch do chuột gây ra, phòng y tế các khu phố (nay là quận) liên tục phát thuốc diệt chuột cho các gia đình. Chuột ăn phải thuốc bị chết, người thiếu ý thức quẳng ra đường, thế là xuất hiện nhiều câu phê bình, đại loại như: "Chuột chết gây bệnh nan y/Vứt chuột ra phố hiểm nguy cộng đồng". Không chỉ nhắc nhở bằng những câu lục bát, tại các ngã tư, cơ quan văn hóa - thông tin ngày đó còn treo những bức tranh cổ động phê phán những hành vi thiếu văn hóa bằng lối vẽ giản dị, hài hước và phía dưới thường kèm theo câu thơ lục bát. Nhiều nhạc sĩ cũng tích cực tham gia sáng tác cho thiếu nhi, lời bài hát đồng thời là lời nhắc nhở, dạy dỗ các em ý thức chấp hành pháp luật: "Ra vườn hoa em chơi/Em muốn hái một bông hoa đẹp/Hoa lấp lánh nhìn em hoa cười/Nhưng cô dặn em đừng hái/Bông hoa này là của chung". Có những bài hát chỉ vài câu nhưng rất thiết thực mà không kém phần hóm hỉnh: "Đi học về em đi đường bên phải/Đi học về đường bên phải em đi/Đi học về không đi đường bên trái/Đi học về đường bên phải em đi". Những câu thơ "nôm na" dễ sáng tác, dễ thuộc, dễ nhớ có sức lan tỏa nhanh trong thành phố đã góp phần gìn giữ nếp sống văn minh, thanh lịch ở Thủ đô thời kỳ đó. Phải khẳng định đó thực sự là một hình thức tuyên truyền đơn giản, nhưng lại rất trí tuệ và sáng tạo, đặc biệt là cực kỳ hiệu quả. Các "tác giả" của những sản phẩm tuyên truyền kiểu này đã biết tìm ra những cách giáo dục bài trừ các thói xấu thông qua một câu thơ, một bài hát ngắn hay bức tranh nhẹ nhàng nhưng lại chạm tới được lòng tự trọng và ý thức của con người, khiến người dân dần thay đổi nhận thức.
Xây dựng một Hà Nội văn minh, hiện đại là mong muốn từ lâu không chỉ của lãnh đạo thành phố mà còn là của người dân Thủ đô. Những năm gần đây, đã có cuộc hội thảo được tổ chức, nhiều biện pháp, "chiến dịch" được cơ quan chức năng đưa ra, ví dụ như: Quy định các tuyến phố không được bán hàng rong, vứt rác ra đường, quảng cáo rao vặt… Nhưng vì chỉ làm theo chiến dịch, theo đợt, không thường xuyên nên cứ xong chiến dịch thì thành phố lại lem nhem, nhếch nhác, đâu vào đấy, kiểu như "bắt cóc bỏ đĩa" cho dù kinh phí bỏ ra không nhỏ. Bên cạnh đó, dư luận còn cho rằng lâu nay dường như thiếu vắng hẳn các cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài văn minh đô thị để có được những bài hát, câu thơ, truyện ngắn hay tranh vẽ dễ nhớ, dễ hiểu và đi vào lòng người nhằm thay đổi nhận thức trong nhân dân, đặc biệt là với thanh thiếu nhi.
Rõ ràng việc làm "bình thường" của người dân ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị đã thực sự mang lại hiệu quả, không hề tốn kém, cũng không phải áp dụng các biện pháp hành chính cứng nhắc mà ngõ phố vẫn văn minh, sạch sẽ, là rất đáng để học tập. Cách làm đơn giản này đã gợi mở cho các cơ quan chức năng, các địa phương trên toàn thành phố một hướng đi cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, thanh lịch và hiện đại.