Mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân
Chính trị - Ngày đăng : 05:59, 26/04/2014
Xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp tổ chức bộ máy đô hộ và lập ra nhà nước phong kiến tay sai để cai trị đất nước, kìm kẹp nhân dân, đàn áp các phong trào đấu tranh, vơ vét tài nguyên và bóc lột sức lao động. Tháng 2-1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã xác định rõ: Tiến hành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, đánh đổ đế quốc và phong kiến, giành lại hòa bình và độc lập cho dân tộc, hạnh phúc và ấm no cho toàn dân. Đường lối cách mạng của Đảng đáp ứng nguyện vọng và lòng mong đợi của nhân dân. Được Đảng giác ngộ và lãnh đạo, nhân dân cả nước đã vùng lên đấu tranh giành chính quyền tháng 8-1945.
Vận chuyển lương thực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Không để Việt Nam được độc lập và dân tộc Việt Nam được tự do, núp dưới lá cờ đồng minh, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Khác với cuộc tiến công xâm lược lần thứ nhất năm 1858, quân Pháp bị quân và dân ta chặn đánh rất quyết liệt trên cả ba miền đất nước. Trước sức mạnh quân sự và dã tâm xâm lược của kẻ thù, Đảng ta đã lãnh đạo quân và dân cả nước bước vào công cuộc trường kỳ kháng chiến với phương châm "vừa kháng chiến vừa kiến quốc". Quan điểm "tự lực tự cường" dựa vào sức mình là chính, với tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế, tạo sức mạnh đánh thắng quân địch. Có chủ trương và phương hướng lãnh đạo đúng đắn của Đảng, quân và dân ta đã anh dũng đứng lên đấu tranh, đẩy mạnh sản xuất, tích cực xây dựng lực lượng vũ trang và thế trận chiến tranh toàn dân. Lực lượng vũ trang trưởng thành, thế trận chiến tranh nhân dân phát triển, quân và dân ta đã đánh thắng quân Pháp trong nhiều trận đánh lớn, tiến lên mở chiến dịch phản công, đánh bại cuộc tiến công chiến lược của địch vào chiến khu Việt Bắc. Giành quyền chủ động, quân và dân ta đã mở nhiều chiến dịch tiến công đánh thắng quân Pháp ở đường số 4, mở thông biên giới để tiếp nhận sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, cùng nhiều chiến dịch ở vùng trung du và đồng bằng, Bắc, Trung và Nam bộ. Thắng lợi đó đã làm thay đổi so sánh thế và lực, giữa ta và địch trên chiến trường có lợi cho cách mạng.
Nhận thấy thất bại trong chiến tranh là điều khó có thể tránh khỏi, bước sang năm 1953 có sự viện trợ của Mỹ, Chính phủ Pháp dốc sức thực hiện kế hoạch chiến lược do tướng Nava xây dựng. Theo đó, quân Pháp hạn chế giao chiến, tập trung xây dựng lực lượng chủ lực, nhất là quân cơ động đủ sức mạnh đánh bại quân chủ lực Việt Minh, đi đến kết thúc chiến tranh trong danh dự. Đánh giá và dự đoán đúng âm mưu của kẻ thù, Bộ Chính trị mở chiến cục tiến công Đông Xuân 1953-1954, phối hợp chặt chẽ với nhân dân Lào và Campuchia, đánh địch rộng khắp trên toàn chiến trường, tập trung lực lượng chủ lực đánh địch trên những hướng chiến lược. Mục đích nhằm phân tán và dàn mỏng lực lượng chủ lực, nhất là quân cơ động, làm suy yếu quân Pháp, phá vỡ kế hoạch Nava, buộc chúng phải đưa lực lượng ra chiến trường có lợi, để ta tiêu diệt đi đến kết thúc chiến tranh. Đây là nghệ thuật điều địch phải hành động theo cách đánh của ta và kế tạo thế ta, phá thế địch của Bộ Chính trị.
Đúng như dự tính, khi bộ đội ta tiến lên Tây Bắc giải phóng tỉnh Lai Châu, sợ mất địa bàn quan trọng, Nava vội vã đưa quân lên xây dựng Điên Biên Phủ thành tập đoàn phòng ngự chiến lược mạnh, tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn. Tin tưởng vào sức mạnh và khả năng tác chiến của tập đoàn cứ điểm, Chính phủ và nhiều phương tiện thông tin của Pháp đánh giá và ca ngợi: Điện Biên Phủ là nơi bất khả xâm phạm, cơ hội để kết thúc chiến tranh Đông Dương. Ngay khi Pháp đổ quân xuống Điện Biên Phủ, Quân ủy Trung ương đã quyết định mở chiến dịch tiến công. Những đại đoàn chủ lực mạnh nhất, cùng nhiều phương tiện tác chiến hiện đại được đưa vào tác chiến. Cách đánh của chiến dịch cũng được tính toán và thảo luận kỹ, thay đổi nhiều lần để đi đến quyết định chính xác nhất. Đó là cơ sở để ta phát huy sức mạnh của quân và dân Điện Biên, sự chi viện và phối hợp tác chiến của cả nước, tạo sức mạnh đánh thắng quân địch giành thắng lợi quyết định chiến tranh. Trải qua 56 ngày đêm kiên cường và anh dũng chiến đấu, quân và dân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm lớn nhất của quân Pháp ở Đông Dương, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva công nhận nền hòa bình và độc lập của nhân dân ba nước Đông Dương.
Thắng lợi mà nhân dân ta giành được đã làm nhân lên niềm tin, cổ vũ các dân tộc bị đô hộ, áp bức và bóc lột trên toàn thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập. Báo Tiếng nói nhân dân Albania viết: Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu giai đoạn mới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc chống đế quốc ở Đông Nam Á cũng như trên thế giới. Chứng minh một dân tộc dù nhỏ bé, vẫn có thể đánh bại kẻ thù lớn mạnh và hung bạo nếu dân tộc đó có tinh thần cách mạng được Đảng lãnh đạo, nhân dân đoàn kết đấu tranh vì độc lập, dân chủ và tiến bộ, chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc, được nhân dân thế giới ủng hộ. Báo Lao động Tân văn của Đảng Cộng sản Triều Tiên cho rằng: Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam, mà còn là chiến thắng chung của các dân tộc bị áp bức, bóc lột đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và thực dân giành độc lập.
Noi gương Việt Nam nhân dân ở nhiều nước bị thực dân và đế quốc đô hộ đã vùng lên đấu tranh giành độc lập. Chỉ tính riêng năm 1960, 17 nước ở Châu Phi giành được độc lập. Đến năm 1967 thực dân Pháp đã phải trao trả nền độc lập cho tất cả các nước thuộc địa còn lại. Qua đó cho thấy Chiến thắng Điện Biên Phủ đã thực sự trở thành thời điểm mở đầu, cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân và đế quốc trên phạm vi thế giới.