Thêm bằng chứng cho thấy sự bất thường
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:31, 26/04/2014
Một thông báo tùy tiện
Trước khi thông báo mời họp ĐHĐCĐ bất thường được gửi đến các cổ đông, CBCNV đã lo lắng, bất an về những văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Họ đặt ra một loạt câu hỏi như: Họp ĐHĐCĐ bất thường làm gì khi mà vừa mới ĐHĐCĐ lần đầu thành công tốt đẹp? Họp để miễn nhiệm ai? Việc miễn nhiệm đó có đúng pháp luật không? Bầu ai thay thế? Nay khi cầm thông báo trên tay, họ càng không biết tin vào đâu.
Nội dung Thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông bất thường do ông Nguyễn Tuấn Hùng ký. |
Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước. Theo kế hoạch, trong hai năm 2014-2015, số doanh nghiệp CPH là 432, riêng năm 2014 có 216 doanh nghiệp phải thực hiện CPH. Thế nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nhà nước đều đưa ra những khó khăn, không mặn mà với chủ trương CPH nên tiến độ CPH còn chậm. Trong khi đó, Vetvaco là doanh nghiệp đã thực hiện thành công việc CPH lại đang rơi vào cảnh bấn loạn do sự chỉ đạo, can thiệp vấn đề nhân sự lãnh đạo không phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Bà Nguyễn Thị Minh Ước, Tổng Giám đốc Vetvaco khẳng định: "Tôi còn giật mình trước một thông báo không có cơ sở pháp lý ấy, huống hồ là người lao động". Bà Ước cho biết, nếu theo quy chế sử dụng con dấu của công ty, ông Nguyễn Tuấn Hùng không được tùy tiện đóng dấu vào một thông báo không có cơ sở pháp lý như vậy. Hơn nữa, thông báo này không đưa ra được lý do chính đáng để họp ĐHĐCĐ bất thường, mà chỉ được đưa vào phần chương trình, nội dung đính kèm và cũng rất mập mờ: "Nêu lý do ĐHĐCĐ bất thường (theo Biên bản họp ngày 4-4-2014 của HĐQT công ty)".
Tìm hiểu được biết, biên bản họp ngày 4-4 được gọi là của HĐQT công ty nhưng thực chất là cuộc họp không chính thức sau khi HĐQT công ty họp phiên thường kỳ quý II-2014 kết thúc. Tại cuộc họp trên, ông Nguyễn Hồng Minh với tư cách là Chủ tịch HĐQT Vetvaco đã bác bỏ đề nghị triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường của 3 thành viên HĐQT. Ông Minh nêu rõ: "Chiểu theo các quy định trong khoản 3, điều 22 Điều lệ công ty, tôi thấy không có đủ cơ sở pháp lý để HĐQT triệu tập ĐHĐCĐ bất thường". Ông Minh đã cho dừng cuộc họp vì thấy rằng HĐQT không nên thảo luận tiếp về vấn đề mà đã biết rõ là vi phạm quy định của pháp luật. Ông Minh cam đoan chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về kết luận này.
Mặc cho điều lệ của công ty được chính họ bỏ phiếu thông qua cách đây chưa lâu và bất chấp những quy định của pháp luật, 3 thành viên HĐQT là các ông Nguyễn Tuấn Hùng, Phạm Thanh Long, Nguyễn Hiếu Liêm vẫn cứ họp tiếp. Cuộc họp của 3 nhân vật này đã nhất trí hai nội dung hết sức "bất thường". Thứ nhất, nhất trí triệu tập ĐHĐCĐ bất thường Công ty CP Thuốc thú y trung ương (Vetvaco) để miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Hồng Minh và bà Nguyễn Thị Minh Ước; đồng thời bầu bổ sung thành viên HĐQT để thay thế. Thứ hai, nhất trí giao ông Nguyễn Tuấn Hùng - thành viên HĐQT thay mặt HĐQT ký thông báo mời họp và tổ chức ĐHĐCĐ bất thường với nội dung nêu trên. Trên cơ sở một cuộc họp vội vàng đó, ông Hùng đã ký và ra một thông báo bất thường cũng không kém để mời họp ĐHĐCĐ vào ngày 27-4.
Đáng bàn hơn cả, trong phần chương trình, nội dung cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường được đính kèm theo thông báo mời họp có một nội dung là "Thông qua việc HĐQT họp miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với bà Nguyễn Thị Minh Ước và bầu ông Nguyễn Tuấn Hùng giữ chức Tổng Giám đốc". Đây là nội dung thứ 8 trong số 11 nội dung của cuộc họp. Vậy ra, ông Hùng tự ký vào thông báo, gửi tới các cổ đông một ngụ ý rằng: Tôi đã tự bầu cho tôi rồi. Các cổ đông chỉ cần tới dự ĐHĐCĐ bất thường rồi bỏ phiếu hợp thức hóa là xong.
Vẫn "cố đấm ăn xôi"
Ở bài "Hé lộ những dấu hiệu bất thường" ra ngày 11-4-2014 trên Báo Hànộimới, phóng viên đã chỉ ra những văn bản vội vã của Bộ NN&PTNT không phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2005. Đến nay, chưa thấy Bộ NN&PTNT chỉ đạo thêm nhưng một nhóm thành viên HĐQT đang cố gắng tổ chức cho bằng được ĐHĐCĐ bất thường cho dù thiếu cơ sở pháp lý.
Về vụ việc này, Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội Luật gia thành phố Hà Nội cũng đã có câu trả lời rõ ràng. Từ những viện dẫn các quy định của điều lệ tổ chức và hoạt động công ty đã được ĐHĐCĐ lần thứ nhất thông qua, phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, việc 3 thành viên của HĐQT đề nghị tổ chức ĐHĐCĐ bất thường mà chỉ có duy nhất giấy đề nghị gửi công ty và không có thêm bất kỳ loại tài liệu khác kèm theo là chưa đủ căn cứ. Đây là điều kiện cần và đủ và là cơ sở để HĐQT họp và xem xét các quyết định triệu tập ĐHĐCĐ bất thường. Đồng thời, theo quy định của pháp luật, để HĐQT triệu tập ĐHĐCĐ bất thường, Vetvaco phải tuân thủ theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 cũng như Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vetvaco đã được 100% cổ đông bỏ phiếu thông qua. Trên cơ sở luật pháp và Điều lệ của Vetvaco, Trung tâm Tư vấn pháp luật khẳng định, HĐQT của Vetvaco chưa có đủ cơ sở để triệu tập ĐHĐCĐ bất thường.
Việc các thành viên đại diện phần vốn nhà nước với cơ cấu vốn điều lệ, trong đó cổ phần nhà nước giữ 65% yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường "bằng miệng" là không đúng với Điều lệ của công ty. Các thành viên này có quyền yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ bất thường với điều kiện phải có văn bản đề nghị và cung cấp đầy đủ nội dung theo quy định của Điều lệ công ty. Đây chính là cơ sở để HĐQT xem xét quyết định triệu tập ĐHĐCĐ bất thường.
Ngoài ra, Trung tâm Tư vấn pháp luật cũng nêu rõ, khi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã cổ phần hóa thì mọi hoạt động của công ty đều tuân thủ theo Chương IV của Luật Doanh nghiệp 2005. Việc bầu chức danh chủ chốt như Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT phải tuân thủ Điều lệ của công ty. Pháp luật không quy định cứ cổ đông nhà nước nắm vốn nhiều thì phải giữ chức danh như Tổng Giám đốc hay Chủ tịch HĐQT.
Ngày 27-4 này, nhiều khả năng ĐHĐCĐ bất thường của Vetvaco sẽ vẫn diễn ra tại trụ sở công ty. Không biết những người "cố đấm ăn xôi" sẽ điều khiển cuộc ĐHĐCĐ đi theo hướng nào. Nhưng dù đi theo hướng nào đi nữa, việc các thành viên HĐQT mâu thuẫn với nhau đang khiến CBCNV hoang mang, công việc sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khoản 3 điều 22 điều lệ Công ty (phù hợp với khoản 3 điều 97 Luật Doanh nghiệp 2005) nêu rõ, HĐQT phải triệu tập ĐHĐCĐ bất thường trong thời hạn 30 ngày đối với các trường hợp sau: 1. Theo quyết định của HĐQT xét thấy vì lợi ích của công ty. 2. Khi HĐQT và kiểm toán viên độc lập thấy rằng cần thảo luận về báo cáo kiểm toán hoặc về tình hình tài chính của công ty. 3. Khi bảng cân đối kế toán hàng năm, các báo cáo quý hoặc nửa năm hoặc báo cáo kiểm toán của năm tài chính cho thấy vốn điều lệ đã bị mất đi 30%. 4. Khi số thành viên HĐQT giảm hơn 1/3 số thành viên quy định trong Điều lệ. Trong các trường hợp giảm ít hơn hoặc bằng 1/3 số thành viên HĐQT, thì tại ĐHĐCĐ gần nhất bầu thành viên mới thay thế thành viên HĐQT đã bị miễn nhiệm, bãi miễn. 5. Theo yêu cầu của Ban kiểm soát. 6. Khi cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông như quy định tại mục 1.2 khoản 1 điều 10 Điều lệ này của Công ty yêu cầu triệu tập đại hội bằng một văn bản kiến nghị có chữ ký của các cổ đông liên quan. 7. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Nếu HĐQT không triệu tập họp ĐHĐCĐ như quy định thì Chủ tịch HĐQT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại phát sinh đối với công ty. |