Bệnh nhân điều trị sởi không phải nằm ghép giường

Sức khỏe - Ngày đăng : 05:28, 26/04/2014

(HNM) - So với 10 ngày trước, sáng 25-4, tại BV Nhi trung ương, lượng bệnh nhân đến khám đã giảm hơn một nửa.



So với 10 ngày trước, sáng 25-4, tại BV Nhi trung ương, lượng bệnh nhân đến khám đã giảm hơn một nửa. Trước đây, trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận 2.500 - 3.000 bệnh nhân thì hiện chỉ còn khoảng 1.500 ca đến khám. Ngoài ra, trước đây BV này tiếp nhận 30 bệnh nhân sởi mới/ngày thì nay số bệnh nhân sởi nhập viện mỗi ngày là 5-7 ca, đa phần là bệnh nhân nặng từ BV tuyến dưới chuyển lên. Hiện toàn BV còn 307 ca sởi đang điều trị, hoàn toàn không còn tình trạng nằm ghép giường.

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm các bệnh nhi bị sởi. Ảnh: Dân trí


Tương tự, tại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương, hiện còn 75 trường hợp sởi đang điều trị, trong đó có 28 bệnh nhi. Tình trạng nằm ghép ở BV này cũng không còn. Tại khoa Nhi (BV Bạch Mai), số bệnh nhân sởi tiếp nhận mới, số ca nặng đang điều trị vẫn ở mức cao nhưng tình trạng quá tải đã giảm. Tại đây hiện còn 70 bệnh nhân sởi, trong đó có 6 ca nặng đang phải thở máy.

* Tối 25-4, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong ngày 25-4, cả nước ghi nhận thêm 38 trường hợp mắc sởi xác định trong số 210 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 25 tỉnh, thành phố và 2 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi tại BV Nhi trung ương và BV Bạch Mai. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 3.647 trường hợp mắc sởi xác định trong số 10.227 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố. Kết quả thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin sởi phòng chống dịch và tiêm vét vắc xin sởi chung trên toàn quốc đến ngày 25-4 là 74,02%.

* Bộ Y tế cũng đã công bố hướng dẫn phòng và điều trị bệnh sởi bằng y học cổ truyền. Theo đó, áp dụng biện pháp vệ sinh phòng bệnh như: Xông khói phòng ở và môi trường xung quanh bằng cách đốt vỏ khô quả bưởi hoặc quả bồ kết khô; đun nước củ xả hoặc nước cây mùi già lau cửa, bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi và đồ dùng của trẻ. Đối với nơi công cộng tập trung đông người (trường học, bệnh viện, bến tàu xe…), tùy theo điều kiện của cơ sở để vệ sinh môi trường sạch sẽ, chống lây chéo như: Dùng dung dịch có tinh dầu xả để lau, rửa làm sạch môi trường; đốt các loại tinh dầu có tác dụng khử trùng như chanh, cam, bưởi, hương nhu… Bên cạnh đó, vệ sinh thân thể bằng việc tắm, gội lá mùi già, lá và vỏ quả bưởi, vỏ quả chanh đun nước tắm gội hoặc lau toàn thân; đồng thời vệ sinh răng, miệng, mắt, mũi và tránh đến nơi có đông người, nhất là vùng đang có dịch bệnh.

Về chế độ dinh dưỡng nên ăn đủ chất, bổ sung các loại rau, củ, hoa quả tươi; uống đủ nước, uống nước bột sắn dây, nước ép rau diếp cá. Khi mắc bệnh, nếu trường hợp nhẹ có thể áp dụng bài thuốc uống giai đoạn khởi phát và toàn phát: Lá kinh giới 12 - 20g, lá sài đất 8-12g, lá diếp cá 8-12g, lá bồ công anh 8-12g, lá tre 12 - 20g, lá dâu 8-12g, cỏ nhọ nồi 12-16g, hạt muồng sao 4-8g, cam thảo nam 4-8g hoặc mía 3 khẩu và sắc cùng 2 bát nước, trong 20 phút. Uống lúc thuốc còn ấm và uống từ 3 đến 5 ngày với 1 thang/ngày chia đều 3-4 lần. Nếu bị ho có thể sử dụng lá húng chanh 12-20g, lá hẹ 8-10g; quả quất 3 lát hấp cách thủy với 5g đường phèn (thêm 50ml nước) hoặc 50ml nước mía. Lấy nước uống chia 3-4 lần trong ngày. Nếu sởi khó mọc, lấy cây mùi già hoặc hạt mùi giã nát với rượu sát khắp người. Giai đoạn ban sởi lặn lấy lá dâu hoặc quả dâu chín 6-12g, cỏ nhọ nồi 6-12g, đỗ đen 10g, cam thảo nam hoặc cỏ ngọt 6-8g, lá sen 6-8g lấy 2 bát nước sắc còn nửa bát, uống khi còn ấm và uống từ 5 đến 7 ngày với 1 thang/ngày. Ngoài ra nên tắm cho trẻ bằng lá mùi già, lá và vỏ quả bưởi, vỏ chanh đun nước tắm gội, lau toàn thân và áp dụng chế độ ăn uống và vệ sinh cá nhân: cho trẻ uống đủ nước, nấu đậu xanh cả vỏ để lấy nước uống, uống bột sắn dây, ăn nhẹ dễ tiêu, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, vệ sinh sạch sẽ và ở phòng thoáng mát, tránh gió lùa.

* Chiều 25-4, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi vào viện trong ngày là 118 ca, trong đó bao gồm các bệnh nhân dương tính với sởi và bệnh nhân sốt phát ban do virus khác. Hiện tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi toàn thành phố đạt 97,4%. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, ngành y tế Thủ đô tiếp tục chỉ đạo tổ chức tiêm miễn phí vắc xin sởi cho trẻ em từ 9 đến 71 tháng tuổi chưa được tiêm tại 70 Nguyễn Chí Thanh và Trung tâm Y tế 30 quận, huyện, thị xã. Còn về việc triển khai tiêm vắc xin sởi cho trẻ đến 10 tuổi, ngành chức năng sẽ tổ chức điều tra số lượng trẻ trong độ tuổi này chưa được tiêm sởi hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi, từ đó đưa ra kế hoạch cụ thể trong thời gian tới.

Thu Trang