Chăn nuôi lợn: Thiếu quy hoạch tổng thể

Xã hội - Ngày đăng : 06:38, 25/04/2014

(HNM) - Hiện ở nước ta, chăn nuôi lợn đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, song do chủ yếu quy mô nuôi nhỏ lẻ trong hộ gia đình nên còn nhiều bất cập.

Chăn nuôi lợn ở Việt Nam vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Ảnh: Phương An


Theo Cục Chăn nuôi, tổng đàn lợn của cả nước hiện có gần 30 triệu con, với tốc độ tăng trưởng bình quân 1,8%/năm. Bên cạnh chăn nuôi hộ gia đình với quy mô nhỏ, chăn nuôi lợn theo hình thức trang trại, công nghiệp đang phát triển ở hầu khắp các địa phương. Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), sản lượng thịt lợn của Việt Nam đứng thứ nhất Đông Nam Á (chiếm 42,2%), đứng thứ hai Châu Á sau Trung Quốc…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chăn nuôi lợn ở nước ta phổ biến là quy mô nhỏ, chiếm 70% về đầu con và 60% về sản lượng, phân tán trong nông hộ với trên 4 triệu hộ; trong đó chỉ có 1% số hộ nuôi từ 50 con trở lên, 12,7% số hộ nuôi 10-50 con. Số hộ nuôi 1-2 con chiếm tới 51,8%… dẫn tới năng suất chăn nuôi thấp, giá thành đầu vào cao. Trong khi trọng lượng bình quân xuất chuồng ở các nước phát triển là 110-120 kg/con, Thái Lan khoảng 100 kg/con thì trọng lượng lợn bình quân xuất chuồng của Việt Nam mới đạt 67 kg/con. Việc chọn lọc, nuôi dưỡng và quản lý giống chưa tốt, giết mổ chế biến thịt còn thủ công, chưa đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Giá bán sản phẩm thịt lợn của Việt Nam ở mức trung bình so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhưng do giá thành cao dẫn đến sức cạnh tranh của ngành hàng thịt lợn ở nước ta chưa cao, trong khi đó vấn đề dịch bệnh và hệ thống giết mổ hiện đại còn nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây) cho biết, khó khăn lớn nhất đối với các hộ chăn nuôi lợn là nguồn vốn để mở rộng trang trại, do phát triển không theo quy hoạch nên người dân nuôi ồ ạt, ngành chăn nuôi chưa kiểm soát được giá cả thức ăn nên còn phụ thuộc vào nước ngoài, dẫn tới nguyên liệu đầu vào luôn ở mức cao hơn 10-20% so với các nước khác…

Theo các chuyên gia, để giải quyết những tồn tại nêu trên cần quy hoạch lại vùng chăn nuôi lợn, bảo đảm an toàn dịch bệnh, kiểm soát môi trường, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế và định hướng phát triển của từng vùng, từng địa phương. Bên cạnh đó, chương trình nạc hóa đàn lợn, tăng tỷ lệ đàn lợn giống ngoại phù hợp với đặc trưng tiêu dùng thực phẩm của từng thị trường và đặc thù của sản xuất chăn nuôi từng vùng là điều kiện sống còn.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho rằng, để chăn nuôi lợn không những là sản phẩm chủ lực của Việt Nam, phát triển theo hướng bền vững, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn, sinh học VietGap, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Như vậy, nếu có thể phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm gắn người chăn nuôi với các doanh nghiệp giết mổ, chế biến và cung ứng thịt cho từng thị trường, để tăng giá bán tại trại, giúp người chăn nuôi có lãi, gia tăng giá trị sản phẩm, phục vụ tốt thị trường nội địa, hướng tới xuất khẩu… 

Ngọc Quỳnh