Chất lượng thả nổi, quản lý bất cập
Kinh tế - Ngày đăng : 05:58, 25/04/2014
Làm thế nào để từng bước giải quyết tình trạng trên là một trong những nội dung quan trọng tại hội thảo do Sở NN&PTNT TP Hà Nội tổ chức sáng 24-4 tại Hội chợ Giống, vật tư, thiết bị và sản phẩm nông nghiệp Hà Nội năm 2014.
Đóng gói sản phẩm tại Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Ảnh: Phương Thanh |
Thực trạng đáng báo động
Thời gian qua, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đã lên đến mức báo động. Thực tế tiến hành kiểm tra, lấy mẫu ở một số đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn cả nước năm 2013 cho thấy, 46,7% số mẫu không đạt so với công bố áp dụng về hàm lượng hữu cơ, 46,6% mẫu không đạt về hàm lượng đạm tổng số, 33,3% mẫu không đạt về hàm lượng lân dễ tiêu… Mới đây, ngày 22-4, Công an tỉnh Phú Yên đã bắt quả tang một xưởng sản xuất phân bón giả số lượng lớn. Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc phân bón giả, nhái… bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Từ đầu năm tới nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng còn có chiều hướng diễn biến phức tạp, lực lượng QLTT, Bộ Công thương đã xử lý 350 vụ sản xuất, tiêu thụ phân bón vi phạm, trong đó tịch thu hơn 700 tấn phân bón giả, kém chất lượng.
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở NN&PTNT thì hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn TP Hà Nội những năm qua diễn ra khá phức tạp. Kết quả kiểm tra, xử lý 12 tổ chức cá nhân kinh doanh vi phạm về chất lượng phân bón trong năm 2012 cho thấy, các đơn vị sản xuất đa phần đều có quy mô nhỏ, thiếu vốn, không đủ điều kiện về mặt bằng nhà xưởng. Công nghệ sản xuất lạc hậu, thủ công, phối trộn bằng cuốc xẻng, không có phòng kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm nên chất lượng thấp. Một số cơ sở nhỏ nằm rải rác trong khu dân cư thường xuyên thay đổi địa điểm nhưng không báo cáo với cơ quan chức năng. Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT cho biết: Hiện nay trên địa bàn thành phố có 119 doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh phân bón trong đó có 14 DN chuyên nhập khẩu phân bón, 1.891 cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp, trong đó có phân bón. Đáng nói là cuối năm 2013, Sở NN&PTNT chỉ liên hệ được với 55/119 DN đăng ký hoạt động, 7 DN đã giải thể và 57 DN đã thay đổi địa điểm nhưng không thông báo với cơ quan chức năng.
Không chỉ phân bón, tình trạng giống kém chất lượng, giống giả cũng khá phức tạp. Theo đánh giá của Cục Trồng trọt: Giống cây ăn quả là lĩnh vực yếu kém trong thời gian rất dài. Về cơ bản, sản phẩm cây ăn quả của Việt Nam không đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới bởi hầu hết đều dựa trên giống cây truyền thống, tuy có khả năng chống chịu sâu bệnh và thời tiết không thuận lợi, nhưng năng suất rất kém và không ổn định: Cam chỉ 7 - 8 tấn/ha, dứa 7 - 12 tấn/ha, xoài 8 - 12 tấn/ha. Một số cây ăn quả bị thoái hóa nghiêm trọng, chất lượng thấp, quả nhỏ, nhiều hạt, mẫu mã xấu bị nhiễm bệnh. Hiện nước ta có 102 giống lúa nhưng theo thống kê có tới 50-70% được nhập từ Trung Quốc. Ngay trong năm 2013, hàng vạn héc ta trồng lúa ở nhiều tỉnh, thành trong đó có Hà Nội đã bị mất mùa do lúa bị lép hoặc không trổ bông sau khi nông dân mua phải giống BC15 giả trôi nổi trên thị trường.
Quản lý thiếu đồng nhất
Ông Hoàng Văn Tại, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển bức xúc cho biết: Việc quản lý chất lượng phân bón hiện chưa đồng nhất. Ngay trong ngành nông nghiệp, có địa phương giao phòng trồng trọt, có nơi giao phòng kỹ thuật, hoặc chi cục bảo vệ thực vật, chi cục quản lý chất lượng… Việc phân cấp quản lý tưởng như rõ ràng, nhưng thực tế lại rất rời rạc tạo nên những kẽ hở để các tư thương trục lợi. Các lỗ hổng trong quản lý phân bón hiện khá nhiều do hệ thống văn bản pháp luật chồng chéo, chưa có định nghĩa chính xác về chất dinh dưỡng, mập mờ giữa phân bón và các sản phẩm khác. Nhiều DN sản xuất phân bón, trong đó có không ít các "ông lớn" cũng lợi dụng những kẽ hở của văn bản pháp luật để trà trộn giữa các thành phần dinh dưỡng trong phân bón, tạo ra một sân chơi không bình đẳng giữa các DN hoạt động trong lĩnh vực này. Đáng lo là tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh" đang trở nên khá phổ biến ảnh hưởng tới các DN làm ăn chân chính.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bất cập trong công tác quản lý, sử dụng phân bón, như TS Trương Hợp Tác (Cục Trồng trọt) phân tích: Hiện nay, việc quản lý chất lượng mặt hàng phân bón thuộc nhiều ngành, trong đó chủ yếu là ngành công thương và nông nghiệp. Theo phân công, ngành công thương quản lý các mặt hàng phân bón có nguồn gốc vô cơ và việc xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón…, còn ngành nông nghiệp quản lý các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ. Tuy nhiên, do trong quản lý có quá nhiều tầng nấc trung gian dẫn tới khó kiểm soát giá bán và chất lượng phân bón. Tuy có nhiều đơn vị sản xuất phân bón, nhưng trên thực tế chưa có đơn vị nào tự xây dựng được mạng lưới phân phối riêng đến khâu bán lẻ. Chính việc "mua đứt, bán đoạn" này khiến cho tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng "có đất" tồn tại. Một trong những nguyên nhân nữa dẫn tới tình trạng "nhờn thuốc" trong quản lý phân bón giả, kém chất lượng còn ở chỗ kinh phí giám định còn thiếu, thời gian giám định kéo dài vì vậy không xử lý kịp thời; mức xử phạt thấp nên tính răn đe không cao, nhiều đối tượng vi phạm vẫn tái phạm.
Trong khi công tác quản lý phân bón còn ngổn ngang, khó khăn thì việc sử dụng giống cây trồng cũng đang là những thách thức không nhỏ đối với cơ quan chức năng. Nhiều giống cây trồng phụ thuộc vào nhập khẩu, không chủ động được nguồn nên giá cả bị đẩy lên cao. Các giống lúa tốt trong nước thuộc sự quản lý độc quyền của các công ty, xí nghiệp nên có giá thành cao, khó mở rộng diện tích. Các hoạt động tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ giống cây trồng, vật nuôi… cũng chưa được làm thường xuyên. Việc quản lý các thành phần kinh tế, các tổ chức kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi còn chưa chặt chẽ, thiếu các chế tài kiểm tra, xử phạt đền bù thỏa đáng cho nông dân khi hậu quả xảy ra.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến kiến nghị Nhà nước cần tăng cường công tác truyền thông trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ để sản xuất nông nghiệp bền vững; tạo cơ chế thông thoáng, có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho các DN sản xuất kinh doanh phân bón hữu cơ, nhân rộng các mô hình nông nghiệp an toàn… đặc biệt là, nâng mức xử phạt đối với các cơ sở sản xuất phân bón, giống giả, kém chất lượng. Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm cho rằng: Ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo quản lý nghiêm ngặt nguồn gốc giống cây trồng và phân bón; đặc biệt là kiên quyết không sử dụng giống không rõ nguồn gốc, tăng cường kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiêu hủy tất cả các lô giống khi phát hiện không rõ nguồn gốc… nhằm bảo đảm quyền lợi cho nông dân.