Mong sao nước mắt thôi rơi

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:18, 24/04/2014

(HNM) - Những ngày qua, chuyện về dịch sởi, những biến chứng khôn lường của virus sởi cướp đi sự sống của không ít sinh linh bé nhỏ đã tạo sức


Bước chân vào Khoa Truyền nhiễm (BV Nhi trung ương), chúng tôi nghe được đủ thứ tạp âm vọng lại. Đó là tiếng thở rít và tiếng máy móc kêu, tiếng trẻ nhỏ rên rỉ, tiếng ru con… Hàng trăm ông bố, bà mẹ với gương mặt thất thần đã bỏ cả công việc, ở đây túc trực và cùng con chống chọi với căn bệnh sởi quái ác. Bất chợt phía cuối phòng, tiếng một bà mẹ thét lên, ôm đứa con bé bỏng cơ thể đã tím ngắt trên tay. Hỏi ra mới biết, người phụ nữ ấy quê ở Thái Bình đưa con lên BV Nhi trung ương để chữa tim bẩm sinh. Nào ngờ, ngay khi bệnh tim có dấu hiệu hồi phục thì bệnh sởi lại tấn công. Toàn thân sốt cao, ban sởi bắt đầu mọc, con bị mê man bất tỉnh đã vài ngày nay. Đến khi cơ thể yếu ớt kia không thể chống đỡ được cùng lúc hai bệnh trọng cũng là lúc thiên thần này rời khỏi cõi đời để lại nỗi đau tột cùng cho người mẹ trẻ. 

Làm tốt công tác tiêm phòng sẽ hạn chế dịch sởi bùng phát. Ảnh: Văn Chiến


Một người phụ nữ tên Mai, đang chăm con tại giường kế bên sụt sùi kể, suốt cả tháng trời nay, không ngày nào ở đây không nghe thấy tiếng khóc của cha mẹ mất con. Có bà mẹ đau xót đến ngất lên ngất xuống, bác sĩ phải vào cấp cứu. "Ruột gan ai cũng rối bời, đưa con vào viện thì sợ lây chéo, để con ở nhà thì sợ không kịp cấp cứu, nguy hiểm đến tính mạng. Những đứa bé nhiễm bệnh rồi mất, lại toàn trẻ chưa tròn 1 năm tuổi, tay chân bé xíu mũm mĩm trắng hồng. Hễ có đứa bé nào mới mất là cả phòng lại rưng rưng nước mắt, lo sợ cho tính mạng của chính con mình", Mai vừa nói vừa lấy tay gạt nước mắt.

Bước chân vào những khoa bệnh khác của BV Nhi trung ương, ai cũng có thể nhận thấy những gương mặt mệt mỏi, thất thần của những ông bố, bà mẹ, đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ vẫn dán chặt vào màn hình máy thở - nơi đứa con nhỏ mới chỉ biết lẫy, biết bò đang chống chọi với bệnh sởi biến chứng. Chị Khoa (ở Hòa Bình) đang chăm sóc con tại đây nghẹn ngào nói: "Ở BV này đêm nào mọi người cũng thức trắng, chỉ cần nghe thấy tiếng khóc nỉ non vọng lại, tiếng bác sĩ chạy dồn dập, tiếng gào thét gọi "con ơi" là tim mọi người dường như ngừng đập". Và giờ thì cụm từ "bệnh sởi" không chỉ mang đến nỗi lo thường trực cho chính những người có con nằm trong BV mà còn bao trùm khắp lên các ông bố, bà mẹ có con nhỏ chưa nhiễm sởi. Anh Mai Anh Tuân (ở Bạch Mai, Hà Nội) tâm sự: "Những hôm đi làm, chỉ cần đi qua BV Bạch Mai, thấy cảnh những gia đình bồng bế con vào viện, tôi đã ớn lạnh. Bạn thân tôi cũng có đứa con nhỏ một tuổi đã mất tháng trước vì biến chứng sởi tại BV này".

Từ những biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong ở hơn một trăm cháu nhỏ do bệnh sởi, trên các phương tiện thông tin truyền thông, trang mạng xã hội, diễn đàn, những dòng tin được chia sẻ nhiều nhất là liên quan đến cụm từ "bệnh sởi". Nỗi lo sợ càng lúc càng lên cao khiến các ông bố, bà mẹ tự mày mò, rỉ tai nhau về các phương pháp chữa bệnh dân gian, gia truyền, những bài thuốc tự chế… mà chưa rõ thực hư hiệu quả ra sao khiến sự lo lắng nhân lên gấp bội. Những bậc phụ huynh tìm đủ mọi cách, từ tắm hạt mùi, uống vitamin A, vitamin C để tăng sức đề kháng bệnh…, đến những cách "hoang đường" như làm bùa "diệt virus" sởi, mua đồ dùng kháng khuẩn cho con… Nghe ai "mách" gì là các phụ huynh lại nhao đi mua về cho con dùng thử. Khắp các khu chợ đều "cháy hàng" hạt mùi mặc dù giá bán tăng đến vài lần.

Nỗi lòng ai tỏ

Không chỉ phụ huynh "lòng như lửa đốt", mà ngay cả các bác sĩ, y tá, điều dưỡng cũng đang sống trong những ngày căng thẳng, mệt mỏi và buồn. Bệnh nhi nhập viện nhiều đến quá tải, cường độ công việc cao đến chóng mặt, người nhà lo lắng hỏi han, thậm chí mang cả những lời đe dọa… Nhận định về vụ dịch năm nay, nhiều bác sĩ cho rằng, chưa bao giờ khủng khiếp đến thế và cũng chưa bao giờ những người thầy thuốc lại cảm thấy mình bất lực đến vậy.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) kể, chứng kiến những cái chết của con trẻ, các bác sĩ, y tá đều không cầm nổi nước mắt. Có những ngày được nghỉ nhưng chỉ nghe đồng nghiệp báo tin có nhiều bệnh nhi cấp cứu, các bác sĩ lại lao thật nhanh đến BV, nỗ lực đến hết mình để cứu sống các cháu bé. Thế nhưng, do nhiều cháu bị nhiễm bệnh khi quá nhỏ, sức đề kháng kém, bệnh lại xâm nhập và tiến triển quá nhanh khiến mọi cố gắng cấp cứu đều vô vọng.

Làm nghề cứu người nhưng, nhiều thầy thuốc, y tá cũng có con nhỏ ở nhà. Họ cũng mang cả nỗi lo sẽ truyền virus sởi nên đã phải cách ly với chính con cái họ ở nhà. Nỗ lực, hy sinh là thế nhưng trước mỗi cái chết của trẻ, phụ huynh đều đổ lỗi tại BV, tại y, bác sĩ. Dù đang mang thai 4 tháng đứa con đầu lòng nhưng chị Hồ Thị Bình (điều dưỡng của BV Nhi trung ương) chưa nghỉ buổi làm nào suốt từ đầu mùa dịch. Điều mà nữ điều dưỡng này lo sợ khi chống dịch suốt thời gian qua không phải là những lời trách móc, mắng mỏ hay sự quá tải trong công việc mà là khi phải chứng kiến những sinh linh bé nhỏ lịm dần trong cơn bạo bệnh và quặn người trước nỗi đau của những người mẹ. Khi chúng tôi hỏi chuyện, nước mắt lại ướt nhoè trên gương mặt nhỏ nhắn của Bình mỗi khi nhắc đến những bệnh nhi tử vong vì sởi mà chị được chứng kiến. Có lẽ ám ảnh những hơi thở thoi thóp cuối cùng rồi ngừng bặt khiến nữ điều dưỡng càng thêm nỗ lực...

Suốt từ sáng sớm cho đến nửa đêm, các bác sĩ, y tá không dám chợp mắt, bởi chỉ cần một tiếng gọi thất thanh "bác sĩ ơi", tiếng máy theo dõi nhịp tim bất ngờ kêu tít tít dồn dập, lập tức họ chạy vào phòng bệnh tiến hành hồi sức, ép tim cấp cứu kịp thời cho các bệnh nhi. Chứng kiến một ca cấp cứu tại BV Bạch Mai, chúng tôi không khỏi bàng hoàng. Gần 23h đêm, các bác sĩ, y tá Khoa Nhi vẫn tích cực theo dõi, cấp cứu cùng một lúc cho 2 bệnh nhi mắc sởi. Thương tâm hơn, đó là hai cháu nhỏ con của một gia đình ở Hà Nội, bé lớn V.G.K mới 25 tháng tuổi và em trai V.G.B 7 tháng tuổi. Hai thân hình bé nhỏ nằm trên giường bệnh với ban sởi lan kín cùng đủ các loại dây gắn khắp cơ thể... Thế nhưng, đến 7h sáng hôm sau, các bác sĩ đã không thể giữ sự sống cho bé K, còn em trai của K đang trong tình trạng biến chứng sởi rất nặng. Không tin đứa con mình vĩnh viễn ra đi, mẹ bé khóc ngất, lao đến cầu xin bác sĩ tiếp tục ép tim cho con và rồi sụp đổ, ngất lịm khi nhìn thấy ánh mắt hoe đỏ trên gương mặt các bác sĩ. Tiếng khóc nấc nghẹn của người mẹ, lưng áo bác sĩ ướt đẫm mồ hôi... tất cả những người có mặt tại phòng bệnh lặng đi!

Dịch sởi chưa có dấu hiệu tạm lắng vì thời tiết vẫn còn oi bức và độ ẩm cao tạo điều kiện cho virus sởi lây lan. Điều ước của nhiều người giờ đây là nắng lên, để nước mắt thôi rơi…!

Xuân Lộc