Tạo động lực giúp người nghèo tự vươn lên

Xã hội - Ngày đăng : 06:12, 24/04/2014

(HNM) - Dù các mục tiêu giảm nghèo trong 8 năm qua đều đạt và vượt, nhưng yêu cầu điều chỉnh chính sách liên quan đang đặt ra ngày càng cấp thiết.

Dù các mục tiêu giảm nghèo trong 8 năm qua đều đạt và vượt, nhưng yêu cầu điều chỉnh chính sách liên quan đang đặt ra ngày càng cấp thiết.

Áp dụng khoa học - kỹ thuật phát triển nông nghiệp sẽ giúp người dân giảm nghèo bền vững. Ảnh: Bá Hoạt


Đạt nhiều mục tiêu quan trọng

Với kinh phí đầu tư huy động từ các nguồn trung bình trên 100.000 tỷ đồng/năm trong 8 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% năm 2005 xuống còn 9,45% năm 2010 theo chuẩn cũ; theo chuẩn nghèo hiện hành, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7,8% năm 2013. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm. Mức này đáp ứng mục tiêu kế hoạch đề ra theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19-5-2011 của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011-2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Chính phủ giai đoạn 2012-2015. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm từ 47% năm 2006 xuống còn 28,8% năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo tại 62 huyện nghèo nhất cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ cũng giảm từ 58,33% năm 2010 xuống còn 43,89% năm 2012, bình quân giảm 7%/năm.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng, các đoàn giám sát của Quốc hội đã ghi nhận có 4 điểm sáng trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo 8 năm qua. Đó là chính sách tín dụng; bảo hiểm y tế; hỗ trợ giáo dục và hỗ trợ nhà ở. Theo Báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH, chỉ trong 5 năm 2006-2010, trên cả nước đã có 6,2 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi. Trong giai đoạn 2011-2013, ngân sách nhà nước đã bố trí 36.302 tỷ đồng để hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi...; bố trí gần 22.000 tỷ đồng để miễn giảm học phí cho trên 6 triệu lượt học sinh nghèo. Cũng trong 3 năm 2011-2013, có tới 531.000 hộ nghèo được giúp đỡ xây, sửa nhà ở.

Các ý kiến tại hội nghị thống nhất cho rằng, kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo 8 năm qua đã tăng thêm niềm tin của dân đối với Đảng, chế độ; tôn vinh những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Khẩn trương rà soát, điều chỉnh chính sách

Thống nhất với những đề xuất hướng sửa đổi cơ chế, chính sách giảm nghèo thời gian tới của Bộ LĐ,TB&XH, các đại biểu cho rằng phải nhanh chóng rà soát, điều chỉnh hệ thống chính sách giảm nghèo. Chưa có luật riêng, quy định nằm rải rác ở 20 luật và hàng chục văn bản dưới luật khiến hệ thống chính sách về giảm nghèo còn dàn trải, chồng chéo. Đặc biệt, hệ thống chính sách còn mang tính cào bằng, chưa khuyến khích người nghèo tự vươn lên. Đại diện các tỉnh, thành phố đều khẳng định, với chính sách hiện hành, người nghèo dễ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, ngay cả cán bộ xã, thôn cũng vậy. Đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Xã nghèo ven biển được hưởng trợ cấp xây dựng hạ tầng 1 tỷ đồng/năm; cán bộ xã cũng được hưởng phụ cấp 70%. Vì sợ mất các khoản hỗ trợ này nên không cán bộ xã nào muốn thoát nghèo". Để khắc phục, các tỉnh, thành đề nghị Chính phủ sớm điều chỉnh chính sách theo hướng giảm hỗ trợ trực tiếp, tăng hỗ trợ cộng đồng và hỗ trợ gián tiếp; gắn hỗ trợ với trách nhiệm; chính quyền và các hộ nghèo phải cam kết thoát nghèo mới được hỗ trợ...

Từ kết quả giám sát vừa qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng nhận xét, những hạn chế đáng kể nhất trong thực hiện chính sách giảm nghèo hiện nay là có những chương trình chỉ bố trí được 30% vốn nên không thể thực hiện được. Tình trạng lãng phí trong sử dụng nguồn lực xảy ra, rõ nhất là lĩnh vực đầu tư cho cơ sở hạ tầng và dạy nghề. Kết quả giảm nghèo tích cực, nhưng tính chất giảm nghèo thì chưa vững chắc với tỷ lệ "3 ra, 1 vào" nghĩa là 3 hộ ra khỏi diện hộ nghèo thì lại có 1 hộ nghèo mới. Đó là chưa kể, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư có xu hướng tăng. Ông Đỗ Mạnh Hùng đề nghị, tới đây Chính phủ cần chú trọng đến nguồn lực thực hiện chính sách tín dụng cho người nghèo với tinh thần "tăng cho vay, giảm cho không" và "hai tăng, một giảm" (nghĩa là tăng mức vay, tăng thời hạn vay và giảm lãi suất). Ngoài ra, Chính phủ cũng cần phân cấp mạnh hơn nữa để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương. Ý kiến này nhận được sự đồng tình cao của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ KH-ĐT. Trong đó, đại diện Bộ KH-ĐT còn đề xuất, nên bố trí vốn cho địa phương thực hiện giảm nghèo theo trung hạn, khoảng 5 năm để giúp các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng thời yêu cầu địa phương tham gia đối ứng 10% để tăng thêm phần trách nhiệm.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo để điều chỉnh theo hướng: Thu gọn đầu mối, loại bỏ văn bản chính sách bất hợp lý. Trong quá trình thực hiện rà soát, bổ sung, điều chỉnh, không được làm gián đoạn việc thực hiện chính sách. Đối với những chính sách đang thực hiện dở dang hoặc đã ban hành chưa có nguồn lực hoặc chưa bố trí đủ nguồn lực, các bộ, ngành, địa phương phải tìm mọi cách để bố trí đủ nguồn lực. Nếu gặp khó khăn, không tự giải quyết được, phải kịp thời báo cáo Chính phủ. Phó Thủ tướng chỉ đạo, từ nay trở đi, khi thiết kế chính sách giảm nghèo, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động được về nguồn lực cũng như tính khả thi của chính sách. Chính sách phải hạn chế bao cấp, tập trung khuyến khích, ràng buộc trách nhiệm để người nghèo tự vươn lên. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương phải kiên định mục tiêu, phấn đấu giảm nghèo nhanh hơn và bền vững hơn.

4 chính sách đặc thù dành cho người nghèo của Hà Nội

Ngoài các chính sách chung, từ năm 2005 đến nay, TP Hà Nội đã vận dụng và thực hiện 4 chính sách mang tính đặc thù dành cho các hộ nghèo. Thứ nhất, ngân sách thành phố đã chi 1,2 tỷ đồng hỗ trợ phẫu thuật cho 73 trẻ em bị tim bẩm sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thứ hai, thành phố trợ cấp hằng tháng cho thành viên thuộc hộ nghèo thuộc diện người già yếu không có khả năng tự phục vụ hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động. Từ năm 2005 đến 2012 đã có 57.938 lượt người được trợ cấp với tổng kinh phí 137,7 tỷ đồng. Mức trợ cấp hiện tại là 350.000 đồng/người/tháng. Thứ ba, thành phố hỗ trợ 12,7 tỷ đồng giúp 17.874 hộ nghèo đặc biệt khó khăn đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống đường dây dẫn điện từ sau công tơ đến nơi sử dụng. Thứ tư, thành phố miễn đóng góp tiền ăn, chi phí cai nghiện cho người thuộc hộ nghèo, hỗ trợ 50% người thuộc hộ cận nghèo.

Mặc dù chuẩn nghèo của Hà Nội đã tăng 4 lần trong 10 năm qua, nhưng trung bình mỗi năm, thành phố giảm được trên 2 vạn hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 của thành phố còn 2,6%. Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu còn dưới 2% hộ nghèo vào năm 2015.

Võ Lâm