Lỗi không chỉ ở cân
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:56, 24/04/2014
Có điều dễ nhận thấy là nhận thức và việc triển khai đợt cao điểm chống xe quá tải tại mỗi địa phương còn rất khác nhau. Thời gian ấn định triển khai trạm cân trên toàn quốc là ngày 1-4, nhưng không phải tất cả các địa phương đều chấp hành đúng yêu cầu này. Sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong việc thực thi nhiệm vụ đã gây ra những hệ lụy khó lường, "mở ra" các hướng trốn trạm cho lái xe quá tải, gây ra tình trạng bất công và bức xúc cho người dân. Theo phản ánh của báo chí, thậm chí có nhiều lái xe còn biết được cả giờ, quy luật hoạt động của trạm cân để… tránh. Việc dừng, đỗ "có tổ chức" để tránh trạm cân đã gây ra ùn tắc, khiến một số trạm phải mở cửa để chống tê liệt giao thông. Vấn đề đặt ra là nếu cánh lái xe cùng "phối hợp" giở bài bây thì chả lẽ lực lượng chức năng lại chịu… bất lực?
Một điều khó hiểu nữa là có trường hợp xe quá tải đi từ Hà Nội đến Bình Thuận mới bị phát hiện. Giải thích "chuyện lạ" này, một cán bộ Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết là hiện trên quốc lộ 1 từ Hà Nội vào Bình Thuận mới chỉ có 10 tỉnh triển khai trạm cân 24/24h, đặc biệt là một số nơi chỉ làm việc trong giờ… hành chính! Rõ ràng, sự không nhất quán, thiếu liên thông đã và đang gây khó cho chính các cơ quan chức năng. Địa phương để lọt phương tiện vi phạm sẽ chịu hình thức xử lý thế nào? Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa lên tiếng.
Để thực hiện tổ chức kiểm tra tải trọng xe hiệu quả, những tưởng các cơ quan chức năng, đặc biệt là Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phải tổ chức tập huấn, chuẩn bị chu đáo, bài bản. Vậy mà, trong quá trình thực hiện, không ít địa phương phàn nàn về việc chưa chuẩn bị đủ điều kiện để triển khai tổ chức cân trên quốc lộ đúng thời hạn. Thêm vào đó, một số bộ phận trạm cân còn phát sinh hư hỏng. Theo đơn vị cung cấp trạm cân, chất lượng sản phẩm của cân đạt độ chính xác tới 99,5% và trong 38 trường hợp xảy ra sự cố thì có 12 trường hợp do lắp đặt, bảo quản chưa đúng quy trình; 5 trường hợp do phá hoại; 16 trường hợp do lỗi vận hành và 5 trường hợp do ngâm lâu trong nước. Như vậy tức là lỗi không hoàn toàn tại cân mà chủ yếu do công tác chuẩn bị, đặc biệt là về con người và tổ chức, chưa thực sự tốt. Đáng nói nhất là có tới 5 trường hợp phá hoại cân, trong khi 5 chiếc khác "được" đặt vào vị trí không bảo đảm độ phẳng theo tiêu chuẩn quy định không những thế còn thường xuyên bị ngập nước? Trước thực trạng này dư luận đã đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là hành vi phá hoại? Vì vậy, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ nguyên nhân nếu quả thực có sự cố tình phá hoại thì phải có hình thức xử lý để răn đe, tạo sự công bằng cần thiết trên các quốc lộ.
Việc cân và xử lý xe quá tải những tưởng đơn giản, hóa cũng phức tạp nếu công tác tổ chức không tốt, không có con người với ý thức tốt để thực thi nhiệm vụ. Đã sắp hết một tháng triển khai, có lẽ các cơ quan chức năng cần đánh giá, rút kinh nghiệm nghiêm túc trong tổ chức thực hiện để bảo đảm công bằng, nghiêm minh.
Cái cân chỉ là thiết bị và do con người điều khiển. Và như đã nói, lỗi ở cân cũng có, nhưng xem ra "trục trặc" ở con người nhiều hơn. Bởi thế, dư luận cho rằng có lẽ, cần phải đưa người tổ chức, thực hiện "lên cân" trước. Có như vậy công tác xử lý xe quá tải mới không chỉ dừng ở "phần ngọn"…