Cần tạo cú hích cho làn sóng đầu tư mới

Kinh tế - Ngày đăng : 06:47, 23/04/2014

(HNM) - Quyền tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm và việc xác định những lĩnh vực đầu tư có điều kiện là những vấn đề nóng được các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh khi thảo luận dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) chiều 22-4.


Còn phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư

Mở đầu phiên họp, nhiều chuyên gia kinh tế phản ánh, tình hình đầu tư còn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư và chưa có cơ chế minh bạch, chắc chắn cho việc thực hiện biện pháp bảo đảm đầu tư. Những bất cập trên đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành một số cam kết quốc tế của Việt Nam về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư, đồng thời là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp giữa các cơ quan nhà nước và nhà đầu tư.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh thừa nhận thực tế trên, đồng thời khẳng định, đã tìm hiểu gốc rễ nguyên nhân. Sau 8 năm thi hành, Luật Đầu tư đã bộc lộ 5 nhóm hạn chế, trong đó vấn đề điều kiện, thủ tục, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chưa bảo đảm tính minh bạch và khả thi. "Những biện pháp bảo đảm đầu tư chưa được cập nhật và phản ánh đầy đủ cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế" - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định. Chính những bất cập nêu trên đã khiến cộng đồng doanh nghiệp đánh giá, so với một số nước trong khu vực, hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính về đầu tư của nước ta vẫn còn rườm rà, rắc rối. Do vậy, quá trình xây dựng Luật Đầu tư (sửa đổi), có hai điểm lớn nhất được lưu ý, đó là: Chỉnh lý căn bản các nội dung về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam và nước ngoài; bãi bỏ yêu cầu giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả dự án, trừ dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Thực hiện các thủ tục này sẽ tạo luồng gió mới cho hoạt động đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với phương châm là doanh nghiệp được đầu tư vào bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào mà pháp luật không cấm.

Hiện còn nhiều điều khoản ưu đãi đầu tư thiếu hợp lý, đặc biệt ở lĩnh vực thuế thu nhập doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Hải


Cần quy định chi tiết lĩnh vực cấm đầu tư

Có điều đáng lưu ý là dù Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh thể hiện quyết tâm rất cao trong việc cải thiện môi trường đầu tư song những giải pháp đưa ra vẫn chưa thuyết phục. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: "Đúng là các loại giấy phép đầu tư đã được rút bớt. Tuy nhiên, đọc xong dự thảo luật này, nhà đầu tư cũng không biết cái gì mình không được phép làm, những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thì ai quy định những điều kiện ấy. Nếu Luật Đầu tư (sửa đổi) vẫn "bắt" nhà đầu tư phải đi tìm đủ các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư… mới biết không được làm gì, có đáp ứng đủ các điều kiện đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hay không thì chưa đáp ứng được yêu cầu".

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị, Bộ KH&ĐT cần có những quyết sách, giải pháp thu hút đầu tư cụ thể hơn. Mặt khác, quy định tại dự thảo luật chưa rõ ràng về những lĩnh vực cấm đầu tư, dễ gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi thực hiện luật. Để thực hiện mục tiêu nhà đầu tư có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm và để tạo sự minh bạch trong thực thi, cần quy định chi tiết các lĩnh vực cấm đầu tư ngay trong dự thảo luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, một trong những nguyên nhân khiến không chỉ nhà đầu tư thận trọng trong chi tiêu mà còn làm môi trường đầu tư ách tắc đó là, có quá nhiều điều khoản ưu đãi đầu tư trong các luật chuyên ngành nhưng lại thiếu hợp lý, đặc biệt là ở lĩnh vực thuế thu nhập doanh nghiệp. Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng chưa rõ ràng; xử lý các khu công nghiệp làm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai như thế nào cũng là đòi hỏi bức xúc chưa có lời giải đáp trong dự thảo luật. Trong khi đó, đang có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này và nếu giải quyết không thấu tình đạt lý, sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Giải trình vấn đề được Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, đã có trong tay danh mục vài chục ngành nghề cấm đầu tư và khoảng 330 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng mới là tập hợp từ các văn bản quy phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chưa phân tích đầy đủ về tính hợp lý. Bộ KH&ĐT cũng chưa thống kê hết hiện có bao nhiêu thủ tục doanh nghiệp phải trình vì vấn đề này liên quan các luật chuyên ngành nhưng chắc chắn là vô số doanh nghiệp đang kêu ca rất nhiều. "Chúng tôi đang cho rà soát, đối chiếu để bảo đảm thực hiện đúng tinh thần Hiến pháp, đồng thời làm việc với các cơ quan đã ban hành ra các văn bản cấm và có điều kiện đó. Nhưng chắc chắn triển khai không đơn giản vì sẽ có nhiều ý kiến khác nhau; nếu rà soát mà không trả lời xác đáng là tại sao phải có điều kiện thì không cấm được. Song, tôi rất đồng tình với quan điểm hạn chế tối đa các lĩnh vực cấm và kinh doanh có điều kiện để dự thảo Luật Đầu tư lần này có thể tạo ra một làn sóng đầu tư mới". - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cam kết.

Đề xuất xem quyết định giám đốc thẩm là án lệ

(HNM) - Ngày 22-4, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi. Liên quan vấn đề cần xây dựng, thống kê các vụ việc khó tòa án đã xét xử, làm khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc hoặc trường hợp có tình tiết tương tự sau đó (án lệ), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện tán thành với quan điểm của TAND Tối cao cần phát triển án lệ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiện lưu ý, ở Việt Nam, án lệ cần có đặc thù và nên quy định theo hướng: Quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao được coi là án lệ, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Đối với quy định về tuổi làm việc của thẩm phán - vấn đề đang có nhiều ý kiến khác nhau hiện nay, các đại biểu tán thành có thể kéo dài tuổi làm việc của thẩm phán TAND Tối cao, cụ thể đối với nam làm việc không quá 65 tuổi và nữ làm việc không quá 60 tuổi nhưng không được đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo.

Hồ Bách

Hà Phong