Thực tiễn sinh động, giải pháp thiết thực

Chính trị - Ngày đăng : 06:08, 23/04/2014

(HNM) - Ngày 22-4, tại huyện Phúc Thọ, Báo Hànộimới phối hợp với Huyện ủy Phúc Thọ tổ chức hội thảo



Phó Vụ trưởng Vụ Đảng viên (Ban Tổ chức TƯ) Nguyễn Văn Định; UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi cùng hơn 100 đại biểu các ban đảng Thành ủy, đảng ủy các xã, thị trấn huyện Phúc Thọ và một số huyện của thành phố tham dự. Hội thảo đã phân tích rõ thực trạng, những hạn chế, bất cập, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn hiện nay.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Bá Hoạt


Nhiều hạn chế cần khắc phục

Phát biểu đề dẫn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán nhấn mạnh, trong dòng chảy của công cuộc xây dựng nông thôn mới, yêu cầu phát triển Đảng đang đặt ra ngày càng cấp bách đối với các tổ chức Đảng ở khu vực nông thôn, ngoại thành. Tuy nhiên, công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là nguồn và công tác tạo nguồn. Bên cạnh số lượng, vấn đề chất lượng đảng viên mới ở khu vực nông thôn, ngoại thành đặt ra những yêu cầu mới. Tổng Biên tập Báo Hànộimới mong muốn, hội thảo chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp cụ thể góp phần nâng cao hiệu quả công tác phát triển Đảng ở nông thôn, ngoại thành, vừa đáp ứng về số lượng vừa bảo đảm chất lượng.

Chúng tôi kỳ vọng thông qua hội thảo này góp phần cùng Đảng bộ huyện Phúc Thọ nói riêng, Đảng bộ thành phố nói chung thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình 01-CTr/TU ngày 19-5-2011 của Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp giai đoạn 2011-2015". Đặc biệt, cùng với việc bảo đảm số lượng, chất lượng đảng viên mới ở khu vực nông thôn cũng sẽ được chú trọng, đúng như lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: "Đảng không phải chỉ cần số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên".

(Trích phát biểu đề dẫn của Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán)

Trong tham luận mở đầu, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phúc Thọ Đoàn Tuấn Anh cho biết, 3 năm qua, huyện đều vượt chỉ tiêu phát triển đảng viên mới. Tuy nhiên, tỷ lệ đảng viên mới kết nạp ở khu vực nông thôn còn thấp. Trong 634 đảng viên kết nạp từ năm 2011- 2013, chỉ có 215 đảng viên khu vực nông thôn, chiếm 1/3 tổng số đảng viên mới kết nạp, trong khi đó số đảng viên đang sinh hoạt tại khu vực này chiếm gần 2/3 tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ huyện. Còn nhiều chi bộ khu vực nông thôn chưa quan tâm công tác kết nạp đảng viên mới. Cụ thể, có tới 56 chi bộ chỉ kết nạp được 1 đảng viên trong 3 năm qua và 59 chi bộ không kết nạp được đảng viên nào. Chất lượng đảng viên mới cũng là điều cần bàn. Theo đồng chí Đoàn Tuấn Anh, xấp xỉ 1/3 đảng viên mới kết nạp ở khu vực nông thôn, ngoại thành là sinh viên, học sinh mới ra trường, chờ việc làm, nên khi có việc làm thường thoát ly khỏi khu vực nông thôn. Đáng nói, toàn huyện có 12 đảng viên mới kết nạp bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên đều ở khu vực nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu là các trường hợp này đi làm ăn xa, lấy chồng địa phương khác, không có điều kiện tham gia sinh hoạt, tự ý bỏ sinh hoạt Đảng…

Bí thư Đảng ủy xã Thanh Đa Đỗ Văn Thành phản ánh, ngoài đối tượng thanh niên vừa học xong, địa phương cũng nhắm đến các đối tượng khác như nông dân, phụ nữ để chú ý bồi dưỡng, tạo nguồn, song có rất ít người được kết nạp vào Đảng. Nguyên nhân có thể là cá nhân không có nguyện vọng, không được tuyên truyền hiểu biết về Đảng, do tâm lý e ngại khi tuổi đã khá cao... Bí thư Đảng ủy xã Thọ Lộc Kiều Trí Dần phân tích, nguyên nhân thiếu nguồn phát triển đảng viên mới ở khu vực nông thôn là vì một số cấp ủy chưa quan tâm, chưa chủ động bồi dưỡng, rèn luyện quần chúng. Phương pháp tuyên truyền, vận động quần chúng phấn đấu vào Đảng cũng chậm đổi mới, thiếu sâu sát nên kém hiệu quả. Từ quan sát thực tế giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục chính trị huyện Phúc Thọ, Giám đốc Trung tâm Khuất Thị Mai cho biết: Nhiều quần chúng có khả năng phát triển, được chọn đi học cảm tình Đảng nhưng vẫn chưa xác định đúng động cơ vào Đảng. Đây là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các đoàn thể chính trị trong công tác tuyên truyền về Đảng đối với quần chúng. Bí thư Huyện đoàn Phúc Thọ Nguyễn Đức Tiến thừa nhận là công tác đánh giá, lập danh sách, tạo nguồn phát triển Đảng của tổ chức đoàn các cấp cũng còn nhiều hạn chế.

UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi trao đổi với các đại biểu bên lề Hội thảo. Ảnh: Triệu Hoa


Nâng cao trách nhiệm tổ chức đảng, đảng viên

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Huyện ủy Phúc Thọ đã chủ động triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn trong công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn tới các cấp ủy Đảng, các đoàn thể. Quá trình triển khai đã đem lại nhiều bài học kinh nghiệm, những giải pháp hay có thể ứng dụng tại các địa phương đang có chung khó khăn trong phát triển Đảng ở khu vực nông thôn như Phúc Thọ.

Chín ý kiến tham luận tại hội thảo đã phản ánh sinh động, cụ thể tình hình thực tiễn diễn ra ở cơ sở, vừa đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực. Về giải pháp chung, theo các đại biểu, các tổ chức Đảng, đảng viên phải nỗ lực không ngừng để quần chúng nhận thức được trở thành đảng viên là vinh dự lớn lao. Đây là động lực tự nhiên, quan trọng nhất để thôi thúc quần chúng rèn luyện, phấn đấu vào Đảng mà các cấp ủy Đảng, tổ chức, đoàn thể phải chú trọng để khắc phục khó khăn về nguồn phát triển Đảng ở khu vực nông thôn hiện nay. Ngoài ra, phải coi nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội là giải pháp có tính chất nền tảng, lâu dài. Vì kinh tế - xã hội địa phương có phát triển mới có thể giữ chân thanh niên ở lại, để họ "ly nông bất ly hương". Kinh tế - xã hội phát triển cũng phản ánh năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Yêu cầu nữa là tinh thần chủ động tạo nguồn phát triển Đảng của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể.

Đặc biệt, hội thảo đã chia sẻ những kinh nghiệm của các đơn vị làm tốt. Một trong số đó là Đảng bộ xã Thọ Lộc (Phúc Thọ). Từ năm 2011 đến nay, Đảng bộ xã kết nạp được 23/30 đảng viên mới ở khu vực nông thôn. Bí thư Đảng ủy xã Kiều Trí Dần cho biết, kinh nghiệm của Đảng ủy xã là làm thật tốt công tác tuyên truyền về Đảng. Còn theo Bí thư Chi bộ 7, Đảng ủy thị trấn Phúc Thọ Khuất Văn Thuấn, phát triển Đảng ở khu vực nông thôn không khó, nếu bí thư chi bộ có trách nhiệm và nhiệt huyết... Trong hơn 20 năm làm công tác Đảng ở chi bộ, năm nào chi bộ của đồng chí Khuất Văn Thuấn cũng kết nạp được ít nhất 1 đảng viên...

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi lưu ý, các tổ chức cơ sở Đảng ở khu vực nông thôn phải thực hiện hoàn thành chỉ tiêu phát triển Đảng, nhưng cần chú trọng chất lượng. Vì sức mạnh của Đảng không phải ở số lượng mà là chất lượng đảng viên. Khẳng định sáng kiến tổ chức hội thảo của Báo Hànộimới và Huyện ủy Phúc Thọ có ý nghĩa thiết thực, đồng chí nhấn mạnh, hội thảo đã góp phần thực hiện Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị các cấp ủy Đảng huyện Phúc Thọ và các huyện dự hội thảo tiếp thu, tổng hợp những bài học, kinh nghiệm hay, những giải pháp thiết thực, có kế hoạch cụ thể nâng cao chất lượng phát triển Đảng ở đơn vị mình.

Tiếp thu ý kiến của Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, thay mặt Ban tổ chức hội thảo, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu khẳng định, phát triển Đảng ở khu vực nông thôn vừa là vấn đề cấp bách vừa là vấn đề lâu dài. Ngay sau hội thảo, Ban Thường vụ Huyện ủy, các đảng ủy trực thuộc sẽ tiếp thu nội dung, triển khai xây dựng, bổ sung kế hoạch thực hiện nhằm tạo chuyển biến mạnh về phát triển Đảng ở khu vực nông thôn huyện Phúc Thọ, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, lãnh đạo thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi:
Thực hiện đồng bộ 6 nhiệm vụ, giải pháp

Những năm qua, Đảng bộ TP Hà Nội luôn đạt và vượt chỉ tiêu về kết nạp đảng viên, nhưng số đảng viên được kết nạp ở các cơ quan, trường học, doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong khi ở khu vực nông thôn còn thấp, chưa tương xứng với tỷ lệ đảng viên ở khu vực này; chất lượng đảng viên chưa thực sự cao. Tình trạng già hóa ở các chi bộ, đảng bộ, địa bàn dân cư, nhất là ở khu vực nông thôn ngày càng rõ… Những vấn đề trên không chỉ gặp riêng ở Phúc Thọ mà còn là vấn đề chung của các Đảng bộ ở khu vực nông thôn.

Từ tình hình đó, trước hết cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò của cấp ủy, nhất là người đứng đầu trong công tác phát triển đảng viên mới ở khu vực nông thôn; làm tốt công tác giao chỉ tiêu và kiểm tra, đôn đốc để thực hiện bằng được chỉ tiêu. Thứ hai, phải chú trọng công tác tuyên truyền, giới thiệu về Đảng, bản chất, mục đích, lý tưởng vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, giáo dục lý tưởng, lẽ sống cho đoàn viên, thanh niên bằng các hình thức thích hợp, thông qua các hoạt động phong trào, giúp thanh niên tham gia ngày càng tích cực hơn vào công tác phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực sự giáo dục cho thanh niên động cơ vào Đảng thật đúng đắn. Thứ ba, cần làm tốt công tác tạo nguồn, phát huy vai trò các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, trước hết là tổ chức Đoàn và mở rộng sang các đối tượng khác như quần chúng ưu tú đang sinh hoạt trong Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… Thứ tư, phải nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ, phát huy hơn nữa tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nhất là người đứng đầu, tạo niềm tin, sự trân trọng để đoàn viên và quần chúng phấn đấu noi theo. Thứ năm, chú trọng tạo việc làm, phát triển kinh tế để thu hút, giữ chân thanh niên ở địa phương. Thứ sáu, vừa phải bảo đảm thực hiện thật tốt chỉ tiêu phát triển đảng viên vừa phải chú trọng chất lượng đảng viên.

Phó Vụ trưởng Vụ Đảng viên (Ban Tổ chức TƯ) Nguyễn Văn Định:
Hoan nghênh sáng kiến của Báo Hànộimới và Huyện ủy Phúc Thọ

Phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn gặp khó khăn do thiếu hụt về nguồn khi các thanh niên đủ điều kiện phần lớn đi học tại các trường CĐ - ĐH, số nữa làm công nhân, xuất khẩu lao động hoặc làm ăn xa. Những thanh niên ở lại thường không đủ điều kiện kết nạp. Bên cạnh đó, hoạt động tổ chức Đoàn ở vùng nông thôn cũng còn nhiều hạn chế. Trước bối cảnh đó, tôi đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo của Báo Hànộimới và Huyện ủy Phúc Thọ. Không phải báo Đảng địa phương nào cũng làm được như vậy. Thông qua những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm tại hội thảo đã phản ánh sinh động tình hình thực tiễn, chỉ rõ khó khăn, vướng mắc, đề ra các giải pháp thiết thực góp phần đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới.

Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán:
Số lượng đảng viên chỉ trở thành sức mạnh nếu có chất lượng

Bên cạnh những thành tựu to lớn trong công tác phát triển Đảng, ở không ít địa phương, đơn vị, công tác này còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Có nhiều chi, đảng bộ do quá "tuyệt đối hóa" tiêu chuẩn đảng viên hoặc không chăm lo đúng mức đến công tác này nên nhiều năm gần như "đóng cửa Đảng", cả nhiệm kỳ không kết nạp được đảng viên nào, làm cho số đảng viên trẻ trong chi bộ ngày càng ít, tuổi bình quân của đảng viên trong chi bộ ngày càng cao, khả năng triển khai nhiệm vụ chính trị của chi bộ bị ảnh hưởng. Ngược lại, có những nơi lại chạy theo chỉ tiêu, số lượng, ít chú ý đến chất lượng nên sau khi kết nạp, đảng viên mới không thật sự "tỏa sáng", không thể hiện được năng lực, phẩm chất...

Bác Hồ đã từng cảnh báo: Đảng mạnh không phải chỉ do số lượng đảng viên quyết định; số lượng đảng viên chỉ trở thành sức mạnh một khi nó đạt những yêu cầu về chất lượng. Theo Người, nếu không quán triệt và thực hiện đúng đắn vấn đề có tính nguyên tắc đó, thì dù có kết nạp được nhiều đảng viên, dù số lượng đảng viên tăng, vẫn không làm cho tổ chức Đảng mạnh lên mà trái lại có khi còn làm cho tổ chức Đảng trở nên lỏng lẻo, biến Đảng thành câu lạc bộ, không làm tròn vai trò người lãnh đạo.

Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu:
Nhanh chóng cụ thể hóa nội dung hội thảo trong thực tiễn

Trong công tác tạo nguồn, giải pháp rất cần được chú ý là tập trung lãnh đạo thật tốt việc phát triển kinh tế - xã hội. Đây là biện pháp cơ bản, chỉ có phát triển kinh tế - xã hội địa phương ngày càng vững mạnh, tạo công ăn việc làm cho thanh niên mới có thể giữ chân được các thanh niên, từ đó xây dựng nguồn để bồi dưỡng, phát triển Đảng. Một giải pháp nữa cũng quan trọng là xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị. Tổ chức đảng mạnh, đảng viên gương mẫu sẽ là sức hút rất lớn đối với quần chúng.

Trên cơ sở chỉ đạo của cấp trên, các ý kiến tham luận cụ thể, thực chất, hữu ích của các đại biểu, ngay sau đây, từ kết quả hội thảo, Ban Thường vụ Huyện ủy Phúc Thọ sẽ tiếp thu, chỉ đạo các cấp ủy địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn tại đơn vị, địa phương mình.

Chúng tôi cảm ơn Báo Hànộimới với tinh thần, trách nhiệm cao đã phối hợp chặt chẽ với Huyện ủy Phúc Thọ tổ chức thành công một hội thảo hết sức thiết thực và mang tính thời sự này.

Bình Yênghi

Võ Lâm