Một điển hình y đức
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:36, 21/04/2014
Tình cờ nghe kể về cuộc đời của N và những trọng bệnh mà N đang phải gánh chịu, tôi hiểu ra rằng các thầy thuốc ở BV Tim Hà Nội cứu người không chỉ bằng trình độ chuyên môn mà bằng cả tấm lòng nhân hậu.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Anh Nam |
Đón N về khi cuộc hội chẩn ở một cơ sở y tế khác đã ghi "tiếp tục điều trị nội khoa, tiên lượng rất nặng", lãnh đạo BV Tim Hà Nội phải vượt qua những ngại ngần. Rào cản tâm lý ấy đến từ những điều tế nhị bởi
N đã mang trong mình HIV lại bị suy tim nặng. Nhận cứu chữa cho N liệu các đồng nghiệp cả trong và ngoài BV có "thông cảm"? Nhưng tình thương yêu đối với một số phận kém may mắn, nhiễm căn bệnh thế kỷ từ chồng, lại bị hở van 2 lá, sùi van 2 lá, hở van 3 lá, tim loạn nhịp hoàn toàn… đã lớn hơn tất cả. Là bác sĩ, các anh hiểu, nếu không được phẫu thuật thay van tim thì N sẽ vĩnh viễn phải rời xa đứa con gái mới 8 tuổi.
Họ biết rằng, nếu "vượt qua" được những ngại ngần, họ sẽ cứu không chỉ một con người mà cả một gia đình.
Nước mắt lã chã rơi trên gương mặt xanh xao vì nhiều năm phải sống chung với một trái tim yếu ớt và nhiễm HIV, lại vừa trải qua một cuộc đại phẫu, nhưng N đã có thể trò chuyện bởi với chiếc van 2 lá nhân tạo đã giúp N thở dễ dàng hơn. N tâm sự, tỉnh dậy sau ca mổ, N mừng lắm vì biết rằng mình sẽ được sống để lo cho con, điều mà trước đó chỉ một ngày, N nghĩ chỉ là giấc mơ. Với một ca suy tim giai đoạn cuối, rủi ro sẽ rất cao nếu không có "chiến lược" phẫu thuật, gây mê, hồi sức sau phẫu thuật phù hợp. N còn mang trong mình loại virus mà dù có điều luật quy định không được phân biệt, đối xử nhưng trên thực tế, ai cũng né tránh. Mổ hở thay van là một ca đại phẫu, có sự tham gia hơn 20 người, môi trường dễ lây nhiễm nhất, không phải thầy thuốc nào cũng yên tâm rằng sẽ không bị phơi nhiễm. Đây còn là một ca mổ tốn kém bởi trang thiết bị chỉ được dùng một lần. Trước khi nhập viện vì không thể thở được, N còn trải qua một cơn tai biến mạch máu não nên gây mê sẽ không đơn giản. "Hội tụ" đủ mọi khó khăn, nếu không may mắn gặp được những con người nhân hậu, cuộc sống của N sẽ sớm chấm dứt. Có lẽ, hiểu được điều đó, nghẹn ngào vì xúc động, khó nhọc vì sức khỏe yếu, N bảo rằng: "Các bác sĩ đã cho em một cuộc sống. Và em sẽ sống để có thể làm những việc tốt cho xã hội, dù em chưa biết cụ thể sẽ làm gì". Nghe N nói, tôi chợt nhận ra, các bác sĩ không chỉ cho N một cuộc sống bình thường mà còn cho em một cuộc sống nhiều ý nghĩa.
Tìm gặp Giám đốc PGS,TS Nguyễn Quang Tuấn để hỏi về ca phẫu thuật đặc biệt này, anh không nói nhiều về thành công chuyên môn mà chủ yếu tâm sự về những cái "được" từ quyết định không dễ dàng khi nhận N về điều trị. Ở cương vị lãnh đạo về chuyên môn, anh mừng vì đã được phẫu thuật viên và kíp mổ ủng hộ bởi anh hiểu sự ngần ngại của những "tay dao" trong những ca phẫu thuật hở cho bệnh nhân có HIV. "Mình chuyên về nội soi, nên không thể ép phẫu thuật viên chuyên mổ hở mà phải thuyết phục đồng nghiệp bằng chính khả năng chuyên môn và tình thương với người bệnh của họ". - PGS,TS Nguyễn Quang Tuấn cho biết.
Là người lo thu chi ở một đơn vị tự hạch toán, thêm một bệnh nhân nghèo là thêm gánh nặng chi phí, nhưng anh mừng vì đồng nghiệp đã không quay lưng với những số phận kém may mắn. Không những thế, dù N có tiền đóng cho viện nhưng biết đó là tiền đi vay, BV còn tiến hành các thủ tục để Quỹ Vì trái tim khỏe mạnh được gây dựng từ tiền bán tài liệu hướng dẫn người bệnh và sự đóng góp của cán bộ, nhân viên BV để hỗ trợ kinh phí mổ cho N. Sự hỗ trợ này với N thực sự vô giá bởi sau khi chiến thắng bệnh tim, N còn phải chiến đấu lâu dài với bệnh AIDS và niềm tin vào cuộc sống là một "vũ khí" quan trọng đối với những người như N Khi được hỏi, anh có ngại không nếu sau N có những bệnh nhân khác trong hoàn cảnh tương tự tìm đến BV Tim Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn chỉ cười, nhưng tôi hiểu sau nụ cười ấy là một tấm lòng của tập thể y, bác sĩ nơi đây sẵn sàng dang tay đón nhận bệnh nhân hiểm nghèo và đem lại cho họ cuộc sống.