Con số 34.000 tỷ đồng từ đâu ra?

Giáo dục - Ngày đăng : 06:14, 21/04/2014

(HNM) - Bộ trưởng GD-ĐT cho biết, con số này không có trong tờ trình của Chính phủ và các tài liệu liên quan gửi lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Đó là con số ước tính của các nhóm chuyên gia.

Trước sự quan tâm của dư luận về con số 34.000 tỷ đồng để đổi mới chương trình, SGK phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời phỏng vấn báo chí.

- Vừa qua Bộ GD-ĐT có Tờ trình UBTVQH về chủ trương đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, trong đó có con số kinh phí thực hiện 34.000 tỷ đồng gây xôn xao dư luận. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến của ông?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

- Đúng là vừa rồi, Bộ GD-ĐT thừa ủy quyền của Chính phủ có Tờ trình báo cáo UBTVQH xem xét về chủ trương đổi mới chương trình, SGK phổ thông với hai lý do.

Thứ nhất, đây là một trong những bước triển khai cụ thể Nghị quyết TƯ 8 (khóa XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, theo đó cả hệ thống giáo dục đều phải đổi mới, trong đó có việc đổi mới chương trình, SGK phổ thông.

Thứ hai, hơn 10 năm trước, khi tiến hành đổi mới chương trình, SGK phổ thông, Chính phủ có Tờ trình và Quốc hội đã ra Nghị quyết 40/2000/NQ-QH10. Lần này, Chính phủ cũng báo cáo, xin ý kiến của UBTVQH xem xét, trình Quốc hội ra nghị quyết về chủ trương đổi mới chương trình, SGK phổ thông, chủ yếu là về mục tiêu đổi mới, tiến độ, phân công tổ chức thực hiện, hoàn toàn không phải là một đề án chi tiết với những tính toán cụ thể về kinh phí thực hiện, phân kỳ đầu tư…

- Vậy con số 34.000 tỷ đồng là ở đâu ra, thưa Bộ trưởng?

- Với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục, lẽ ra tôi phải trực tiếp báo cáo trước UBTVQH, nhưng vào thời điểm đó tôi đang đi công tác nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á. Cá nhân tôi và lãnh đạo Bộ GD-ĐT chưa xem xét, thảo luận về các chi phí thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Còn con số 34.000 tỷ đồng nói trên là tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của các nhóm chuyên gia khác nhau dựa theo các nội dung của Nghị quyết TƯ 8 (khóa XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, ước tính không chỉ cho đổi mới chương trình, SGK phổ thông mà còn cho những công việc khác như: Đào tạo lại giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học trên toàn quốc, ứng dụng công nghệ thông tin...

Trong Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu liên quan gửi lên UBTVQH không có con số này cũng như bất kỳ con số nào về kinh phí. Tuy vậy, trong quá trình trao đổi, thảo luận về Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp UBTVQH vừa qua, đại diện Bộ GD-ĐT đã nêu ra con số ước tính 34.000 tỷ đồng này, gây nên sự hiểu nhầm. Đây là sơ suất rất đáng tiếc và Bộ GD-ĐT xin nhận trách nhiệm về việc này.

Chương trình đổi mới sách giáo khoa phổ thông cần được làm đồng bộ, cẩn thận và cầu thị. Ảnh: Bá Hoạt


- Vậy con số hơn 100 tỷ đồng khái toán cho việc biên soạn SGK phổ thông là như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Tôi xin khẳng định khi Quốc hội chưa ra Nghị quyết về chủ trương đổi mới chương trình, SGK phổ thông thì chưa thể có một đề án và kinh phí cụ thể.

Chỉ sau khi Quốc hội đồng ý chủ trương thì lúc đó Bộ GD-ĐT mới bắt tay vào xây dựng đề án chi tiết, lấy ý kiến chuyên gia, đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ hoàn thiện đề án để xin ý kiến Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo, sau đó mới trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo Quốc hội nếu vượt thẩm quyền.

- Vậy chúng ta sẽ có một đề án đổi mới SGK phổ thông cả trăm tỷ đồng và nhiều đề án khác với kinh phí nhiều nghìn tỷ đồng?

- Tôi muốn nhắc lại những con số kinh phí liên quan đến đổi mới chương trình, SGK phổ thông được nêu trên báo chí những ngày qua chỉ là ước tính của các nhóm chuyên gia nghiên cứu khác nhau.

Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phải làm đồng bộ, thận trọng, cầu thị, lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có cả báo giới. Quá trình thực hiện phải trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. Đây là việc rất khó, ngành giáo dục luôn mong muốn được lắng nghe nhân dân quan tâm, đóng góp ý kiến.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

PV