Bức xúc lò mổ giữa khu dân cư

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:04, 21/04/2014

(HNM) - Nằm giữa khu dân cư đông đúc, nhiều năm qua, lò mổ lợn tại khu Cầu Trại, thôn Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm đã



Điều đáng nói là lò mổ đã được cơ quan chức năng địa phương lên kế hoạch di dời từ lâu để chuyển mục đích sử dụng khu đất, nhưng đến thời điểm hiện tại hoạt động của lò mổ vẫn diễn ra bình thường trong nỗi bức xúc của người dân.

Giết mổ lợn tại lò mổ gia súc Đại Đồng, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm).


Người dân kêu trời vì môi trường ô nhiễm

Tham gia cùng lực lượng chức năng kiểm tra khu giết mổ tại Phùng Khoang vào khoảng 4h sáng, thời điểm lò mổ hoạt động mạnh nhất trong ngày, chúng tôi không khỏi kinh hãi khi đi từ xa đã có thể nhận thấy mùi phân bốc lên nồng nặc. Tiến vào bên trong, khu giết mổ như một đại công trường, tiếng lợn kêu inh tai, xe máy của người buôn bán nhỏ lẻ đến lấy thịt lợn xẻ vào, ra nườm nượp. Quan sát chúng tôi thấy, khu giết mổ và khu nhốt lợn chỉ được ngăn bằng những song sắt đã han gỉ hoặc xây tường bê tông cao chưa đến một mét. Các công đoạn giết mổ được thao tác hoàn toàn thủ công với phương tiện thô sơ. Lợn sau khi chọc tiết được nhúng vào bể nước sôi màu đen kịt và chuyển ra sàn bê tông đã bị bong tróc nhiều nơi, nhớp nháp máu, lông và nước thải. Lợn được mổ phanh, nội tạng đưa ngay sang bên cạnh cho khoảng 4-5 người sơ chế thủ công, trông rất mất vệ sinh. Ở ngay phía ngoài lò mổ, có một sàn bê tông rộng cỡ hơn 10m2, thịt lợn xẻ được di chuyển ra đây để xuất đi. Bà chủ lò Trần Thị Bích Hồng và một nam thanh niên ngồi bàn giấy luôn tay ghi chép các mẻ lợn được xuất đi cho các tiểu thương buôn bán trong vùng. Ở thời điểm chúng tôi có mặt, hầu hết các tiểu thương chở thịt lợn móc hàm đều không có vải bạt che đậy.

Bà Trần Thị Bích Hồng là chủ cơ sở giết mổ Đại Hồng, hành nghề tại khu vực Phùng Khoang từ năm 1998, trước cả thời điểm triển khai dự án xây dựng lò mổ Phùng Khoang. Bà Hồng cho biết, ở thời điểm hiện nay cơ sở chỉ giết mổ ở mức cầm chừng, khoảng 100 con/ngày (tương đương 10 tấn thịt lợn), trong khi lúc cao điểm lên đến 400 con. Bà Hồng khẳng định khu giết mổ Đại Hồng "được bảo đảm môi trường bởi có hệ thống xử lý biogas, lông lợn được thu gom để bán cho người nuôi cá, hoàn toàn không có chuyện thải trực tiếp ra kênh tiêu. Cơ sở cũng tiến hành phun thuốc khử mùi và rắc vôi bột 1 tuần 3 lần". Theo ông Ngô Ngọc Sơn, Trưởng ban Kiểm soát HTX Thống Nhất, ngoài cơ sở của bà Hồng, ở khu vực này còn tồn tại 2 cơ sở giết mổ khác nhưng quy mô nhỏ hơn.

Trái ngược với lời bà Hồng, những cư dân sinh sống xung quanh khu giết mổ thì lại kêu trời vì ô nhiễm môi trường. Để kiểm chứng điều này, khoảng 8h sáng, ngay sau khi kết thúc cuộc kiểm tra với lực lượng chức năng ít giờ, chúng tôi quay lại khu vực này vẫn cảm nhận rất rõ không khí sực mùi hôi thối phát ra từ lò mổ. Một người dân ở khu tập thể Nam Thắng, cách khu lò mổ một đoạn đường ngắn, than rằng: "Chúng tôi sống ở khu đô thị nhưng không thể chịu được mùi hôi thối nồng nặc phát ra từ lò mổ. Mấy ngày nay trời nồm ẩm mùi hôi càng nặng nề hơn, mỗi khi đi làm khỏi nhà như được thoát thân, chứ về đến nhà là lại thấy ớn lạnh". Ở ngay sát khu lò mổ, người dân khu tập thể Bệnh viện Bạch Mai là khu dân cư hứng chịu mùi hôi thối và xú uế nặng nề nhất. Một cụ ông đã lớn tuổi, sinh sống ở đây nhiều năm cho biết: "Nhiều lúc vào buổi sáng, nước từ cống rãnh lại dềnh lên trên mặt đường đen sì, nhất là những khi trời mưa thì tình trạng này còn tồi tệ hơn nhiều, chúng tôi không dám đi ra đường. Có thông tin di chuyển lò mổ từ những năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh, chúng tôi không hiểu vướng mắc ở đâu?".

Điều làm chúng tôi băn khoăn nhất là những hộ dân đang sinh sống ở khu vực này rất bức xúc nhưng đều ngại tiết lộ tên tuổi vì chung một lý do "là sợ phiền phức xảy đến với gia đình mình".

Hết phép… vẫn hoạt động!

Lò mổ gia súc Phùng Khoang nằm trên diện tích gần 4.000m2, do HTX Thống Nhất, thuộc phường Trung Văn quản lý, sử dụng. Diện tích đất này được UBND TP Hà Nội giao cho huyện Từ Liêm (cũ) theo Quyết định số 5710/QĐ-UB ngày 19-8-2002 để xây dựng lò giết mổ gia súc Trung Văn. Ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn cho biết, lò mổ được đầu tư bằng tiền ngân sách xã với tổng kinh phí là 3,9 tỷ đồng và bắt đầu hoạt động từ năm 2003 do HTX Thống Nhất trực tiếp quản lý. Trải qua hơn 10 năm hoạt động, trước đây khu vực này dân cư sống thưa thớt, thì đến thời điểm này đã ken đặc nhà dân và khu đô thị bao quanh nên nhiều bất cập đã xảy ra. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của lò mổ cũng không đáp ứng được yêu cầu giết mổ, đặc biệt là vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý ô nhiễm môi trường.

Trao đổi về những vấn đề đặt ra tại lò mổ Phùng Khoang, Phó Chánh văn phòng, phụ trách Văn phòng UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quang Diên thừa nhận những bức xúc của các hộ dân về tình trạng ô nhiễm môi trường đã có từ lâu và kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết triệt để. Theo ông Diên thì trong các lần kiểm tra tại lò mổ này đã phát hiện nhiều sai phạm như không có giấy phép hành nghề, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, vận chuyển lợn không đúng quy cách... và đã bị xử phạt hành chính rất nặng. Ông Diên tiết lộ thông tin cơ sở giết mổ này đã hết phép hành nghề giết mổ vào khoảng năm 2010 và không được gia hạn thêm vì huyện Từ Liêm (cũ) có kế hoạch di dời toàn bộ khu vực lò mổ đi nơi khác.

Liên quan đến việc xử lý khu lò mổ, tháng 8-2011, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận để HTX Thống Nhất di dời cơ sở giết mổ gây ô nhiễm môi trường và hợp tác với Công ty cổ phần Phùng Khoang nghiên cứu lập và triển khai dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trên cơ sở này, đến ngày 6-10-2011, UBND thành phố tiếp tục chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về việc di dời lò mổ để đầu tư xây dựng công trình khu nhà ở thấp tầng trên khu đất. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngày 6-1-2012, UBND huyện Từ Liêm (cũ) ban hành thông báo về việc thu hồi đất tại khu lò mổ để xây dựng nhà ở thấp tầng trên tổng diện tích hơn 5.000m2, trong đó có gần 4.000m2 của các lò mổ khu vực Phùng Khoang. Trong bản thông báo này, UBND huyện Từ Liêm chỉ đạo liên danh HTX Thống Nhất và Công ty cổ phần Phùng Khoang phối hợp với UBND xã Trung Văn và các phòng, ban liên quan của huyện tiến hành khảo sát, lập dự án, điều tra giải phóng mặt bằng, thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành.

Như vậy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất là phù hợp, nhưng tiến độ triển khai dự án đến thời điểm này gần như vẫn "dậm chân tại chỗ". Người dân cho rằng, lò mổ hoạt động được là do "có người giúp đỡ", tuy nhiên, khi trả lời phóng viên, ông Nguyễn Quang Diên khẳng định quan điểm của quận khi xử lý các vấn đề vi phạm là "không có vùng cấm", vấn đề là làm khi nào phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh các đơn vị hành chính cấp quận, cấp phường vừa thành lập, nên phải giải quyết những việc "nóng" hơn như quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai... "Lò mổ ở khu vực nội thành theo quy định là không được tồn tại. Chủ tịch quận đã giao nhiệm vụ cho Phòng Kinh tế khẩn trương lên kế hoạch di dời và tuyên truyền các hộ dân tự giác thực hiện. Nếu không thực hiện chúng tôi sẽ phải tính đến biện pháp hành chính mạnh là cưỡng chế". - Ông Diên cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề người dân mong mỏi nhất hiện nay là cần chấm dứt ngay hoạt động của lò mổ, vì hơn 10 năm hoạt động đã khiến các khu dân cư sống bên cạnh quá mệt mỏi vì ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, việc giết mổ thủ công không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, lại đang tồn tại ở khu vực nội thành là những lý do tăng thêm tính cấp bách cần phải di dời trong thời gian sớm nhất có thể.

Chí Kiên