Bài 4: Loay hoay “bài toán” thu nhập
Xã hội - Ngày đăng : 06:17, 20/04/2014
Người nông dân đang rất cần được hỗ trợ để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Thái Hiền |
Xã điểm cũng gặp khó khăn
Tiêu chí thứ 10 về thu nhập được đánh giá là một trong những tiêu chí khó hoàn thành nhất của nhiều địa phương trong xây dựng NTM, đặc biệt là các xã thuần nông. Ngay như 19 xã làm điểm NTM của cả trung ương và thành phố, vấn đề nâng thu nhập một cách bền vững cho nông dân vẫn là bài toán khó đối với các cấp chính quyền. Tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ - mô hình điểm NTM, nhiều dự án chuyển đổi sản xuất được đặt ra trong đề án xây dựng NTM của xã nhưng đã 3-4 năm vẫn "giẫm chân tại chỗ"... Chủ tịch UBND xã Thụy Hương Nguyễn Đức Học lý giải, thu nhập của người dân thấp do nguồn thu chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp trong khi những đột phá mới trong nông nghiệp chưa nhiều. Năm 2009, khi được chọn là xã điểm triển khai xây dựng NTM, Thụy Hương đã xác định chiến lược phát triển kinh tế là triển khai 5 đề án phát triển sản xuất gồm: Hoa cây cảnh (diện tích 16ha), rau an toàn (79,9ha), cây ăn quả (gần 17ha), chăn nuôi xa khu dân cư (16ha), cụm tiểu thủ công nghiệp (10ha). Tuy nhiên, đến nay đề án chăn nuôi xa khu dân cư và cụm tiểu thủ công nghiệp vẫn chưa triển khai được.
Đây cũng là thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương. Chẳng hạn, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, đề ra chiến lược nâng cao thu nhập cho người dân bằng các dự án rau an toàn trên diện tích hơn 30ha và dự án điểm sản xuất làng nghề tập trung cũng đều không thành công do gặp phải nhiều khó khăn.
Đối với những xã làm điểm NTM còn khó khăn như vậy, những xã thuộc giai đoạn 2 đa phần là xã nghèo, miền núi còn khó khăn gấp bội. Xã Ba Vì, huyện Ba Vì, dù nằm trong những xã được Nhà nước dành một nguồn kinh phí lớn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội theo chương trình 135 nhưng đến nay, đời sống của người dân vẫn còn rất khó khăn. Hết năm 2013, xã Ba Vì mới có 3/19 tiêu chí đạt chuẩn NTM. Toàn xã vẫn còn 180 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 40%; 108 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 24%. Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Liên cho biết: "Địa giới hành chính rộng hơn 2.000ha nhưng diện tích đất sản xuất chỉ vẻn vẹn 21ha, chia bình quân đầu người chưa đầy 100m2/người. Cũng bởi vậy, địa phương không biết đến bao giờ mới đạt mục tiêu về thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo".
Tương tự, tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức, đến hết 2013 mới có 9/19 tiêu chí đạt chuẩn NTM. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thế Nghĩa cho biết, hiện thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 9,4 triệu đồng/người/năm. Tuy đã tăng hơn 3 triệu đồng so với thời điểm năm 2008, nhưng để đạt tiêu chí NTM của Hà Nội là hơn 23 triệu đồng/người/năm thì địa phương còn một khoảng cách rất xa.
Chưa được ưu tiên xứng tầm
Thực tế cho thấy, để nâng cao thu nhập cho người nông dân, đòi hỏi sự hưởng ứng của người dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ và các ngành nghề nông thôn. Song hành với đó, Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, đất đai, vốn… để người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị đất canh tác. Hiện tại, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác DĐĐT, tạo điều kiện cho các địa phương đưa cơ giới hóa vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân; rút dần lao động trong lĩnh vực nông nghiệp sang phát triển kinh doanh dịch vụ và ngành nghề. Tuy nhiên, để có kết quả, cần một lộ trình nhất định, đòi hỏi các địa phương phải tranh thủ thời gian, ưu tiên đầu tư cho các dự án phát triển sản xuất.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, ảnh hưởng đến thực hiện tiêu chí thu nhập, hiện có một thực tế là, đầu tư cho phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập ở nhiều địa phương còn chưa tương xứng với đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Quá trình triển khai các dự án chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản… trên địa bàn thành phố cho thấy, đa phần dự án đều được thực hiện rất chậm do việc phân bổ vốn còn ít. Đơn cử, dự án thủy sản, dù được triển khai nhiều năm qua, đến nay mới có 1/12 dự án được duyệt được phân bổ vốn. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các cấp chính quyền còn thiếu quyết liệt, ngại khó, ngại va chạm đã gây ra nhiều thiệt thòi cho người dân.
Về phía người dân, nhiều nơi cũng chưa nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc ủng hộ chính quyền triển khai các dự án, chương trình phát triển sản xuất nên một số dự án bế tắc. Ngoài ra, lý giải về việc chậm triển khai các đề án sản xuất ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Hương Mạc Đình Được cho biết: "Khu quy hoạch để làm cụm tiểu thủ công nghiệp vốn là diện tích đất nông nghiệp được chia cho các xã viên làm mạ nên dù chỉ có diện tích 10ha nhưng liên quan hơn 400 hộ dân. Một số hộ chưa đồng tình nên chưa triển khai được". Tương tự, tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, đối với dự án rau, do người dân chưa đồng thuận cho doanh nghiệp thuê đất sản xuất nên chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung. Trong khi đó, đại đa số người dân vẫn sản xuất nông nghiệp thuần túy nên thu nhập thấp là điều tất yếu.