Văn hóa đọc - Một động lực chấn hưng văn hóa dân tộc

Giáo dục - Ngày đăng : 06:09, 20/04/2014

(HNM) - Sự ra đời của Ngày Sách Việt Nam nhắc nhở về một mục tiêu quan trọng, lâu dài là xây dựng phong trào đọc sách, xây dựng một xã hội học tập góp phần chấn hưng văn hóa dân tộc.

Báo động văn hóa đọc

Đối với độc giả, cảm quan đầu tiên vẫn là sách ngày một nhiều hơn, phong phú hơn, các hoạt động giao lưu liên quan văn hóa đọc sôi nổi chưa từng thấy. Tuy nhiên, nhìn kỹ thì thấy có rất nhiều vấn đề. Lượng sách xuất bản hằng năm có tăng lên, trung bình mỗi năm có khoảng 26.000 tên sách. Nhưng, nếu tính theo đầu người thì mới chỉ đạt khoảng 3,3 bản/người, trong khi ở các nước phát triển, con số này là 15 bản/người. Chưa kể, khoảng 80% lượng sách xuất bản hằng năm là sách giáo khoa, giáo trình, tham khảo… Đáng nói là theo các chuyên gia thì lượng sách tri thức nền tảng (mà hầu như các quốc gia đều cần đến, thậm chí đã đọc qua cách nay cả trăm năm) thì ở ta vẫn là "vùng trắng".

Văn hóa đọc có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình chấn hưng văn hóa dân tộc. Ảnh: Viết Thành


Nói về văn hóa đọc, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Kiểm có lần chia sẻ: Hầu như mỗi dịp năm mới, người ta chỉ thích xin lịch chứ không mấy ai xin sách hoặc tỏ ý xúc động khi được tặng sách!

Tại Hội Sách TP Hồ Chí Minh 2014 vừa qua, nếu "soi" về nội dung của 4/10 cuốn sách bán chạy nhất, nhiều người viết, người đọc giật mình trước thực tế: Đa phần giới trẻ đọc những sách giải trí, tầm tầm, sách nói về đời tư, chia sẻ của giới showbiz. Đành rằng giải trí cũng không xấu, nhưng nếu văn hóa đọc chỉ nhăm nhăm vào dạng sách này thì những người viết, dịch giả những tác phẩm có độ sâu về tư duy, về văn hóa có khả năng lay thức con người hẳn sẽ rất tủi thân.

Theo nhà văn Phan Việt, một cuốn sách hay phải giúp người đọc lớn lên trong tư duy, nhận thức. Thế nhưng, Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) đã có một thống kê rất đáng báo động là, số lượng người đọc tại thư viện của đơn vị này từ năm 2008 đến 2012 đã giảm từ gần 300 lượt xuống còn… hơn 50 lượt! Tương tự, đa số người đọc ở Thư viện quốc gia Việt Nam là sinh viên nhưng chỉ đọc để đối phó với kỳ thi, còn hết mùa thi thì thư viện lại trở về cảnh vắng vẻ.

Nhiều mô hình hiệu quả

Những vấn đề nêu trên chỉ phản ánh một phần thực tế, nhưng điều đó không có nghĩa là ta phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực của nhiều tổ chức, cá nhân nhằm vun vén cho văn hóa đọc nước nhà. Để không lãng phí nguồn lực này, thiết nghĩ phải có những hành động cụ thể.

Trước tiên, Giải thưởng Sách quốc gia nhiều năm qua do Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện phải có tầm vóc tương xứng trong cả cách thức tổ chức lẫn nguồn lực đầu tư. Mạng lưới 18.000 thư viện, tủ sách công cộng, chưa kể hàng chục nghìn thư viện trường đại học, trường học phổ thông của cả nước nên được coi là một trong những tâm điểm văn hóa của địa phương, của đơn vị chứ không phải việc riêng của ngành này.

Văn hóa đọc, nói gì thì nói phải bắt đầu từ trong gia đình và nhà trường. Cô giáo Lệ Thu, Trường Tiểu học Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội đã khiến học sinh lớp 5 của cô say sưa vì chính những câu hỏi, câu trả lời nằm ngoài sách giáo khoa. Việc cô đọc sách, thậm chí là trao đổi sách qua lại với học trò đã mang lại cho trò một lời cổ vũ không hề ồn ào nhưng chắc chắn là vô cùng sâu sắc. Bên cạnh đó là các mô hình Tủ sách phụ huynh, Tủ sách dòng họ của anh Nguyễn Quang Thạch, mô hình Không gian đọc của anh Phạm Bắc Cường, mô hình Ngày hội đọc sách của các bạn sinh viên tình nguyện thuộc tổ chức Vòng tay bè bạn… cũng phải được tiếp tục nối dài.

"Đừng mơ từ bỏ sách giấy" - tác phẩm của nhà văn, nhà viết kịch Pháp Jean - Claude Carrière đã chứng minh sự tồn tại tất yếu của văn hóa đọc với sự phát triển của con người. Vì vậy, Ngày Sách Việt Nam ra đời và được tổ chức lần đầu tiên tới đây sẽ là một động lực để chấn hưng văn hóa dân tộc, một sự "bấu víu" để mỗi người tin hơn vào sự đọc cần cho cuộc sống của mình.

Thi Thi