Thiết kế mẫu lễ phục nhà nước: Trông cậy những “cái tôi trách nhiệm”

Xã hội - Ngày đăng : 07:19, 19/04/2014

(HNM) - Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) khẳng định sẽ tiếp tục ý tưởng tìm kiếm mẫu lễ phục nhà nước. Như thế, kể cũng đáng mừng vì đề án

Chọn lễ phục -việc không đơn giản

Trước đòi hỏi của thực tiễn, việc chọn lễ phục nhà nước đã được đưa ra bàn thảo nhiều lần, bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XX. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, việc trọng đến giờ vẫn chưa cho kết quả cụ thể.

Các nhà thiết kế giỏi cần tham gia nhiệt tình trách nhiệm hơn trong việc Thiết kế lễ phục nhà nước.



Sau một thời gian tạm lắng, năm 2012, Bộ VH-TT&DL xây dựng đề án "Thiết kế lễ phục nhà nước" và tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, thăm dò ý kiến để xác định tiêu chí cơ bản cho mẫu lễ phục. Kết quả thăm dò cho thấy, 100% số người được hỏi chọn áo dài truyền thống làm lễ phục cho nữ giới; 3% đề nghị sử dụng mẫu áo dài nam làm lễ phục cho nam giới, 12% đề xuất sử dụng âu phục, số còn lại đưa ra kiến nghị chung chung hoặc không có ý kiến. Từ những luồng ý kiến đa chiều ấy, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phát động cuộc thi "Thiết kế lễ phục nhà nước" vào tháng 8-2013, kêu gọi mọi người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài tham gia. "Đề bài" của cuộc thi tương đối mở, tức là mẫu lễ phục của nam và nữ có thể theo hướng truyền thống hoặc hiện đại, chỉ cần đáp ứng được tiêu chí thuận tiện, phù hợp với nghi lễ quốc gia và quốc tế, với điều kiện khí hậu và vóc dáng của người Việt Nam; mang tính biểu tượng về văn hóa và thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc…

Với cuộc thi này, hội đồng nghệ thuật chưa kịp mừng vì "bội thu" tác phẩm (254 mẫu thiết kế của 47 tác giả được gửi đến BTC) thì đã phải thất vọng vì không có mẫu thiết kế nào đạt yêu cầu. Đáng nói hơn, số người tham dự cuộc thi chủ yếu là sinh viên của các trường nghệ thuật, các NTK nghiệp dư, không có một NTK tên tuổi nào. "Do chất lượng của các mẫu thiết kế chưa đáp ứng được yêu cầu, Hội đồng nghệ thuật tuyển chọn và BTC đã quyết định "bẻ" cuộc thi theo hướng đặt hàng trực tiếp các NTK chuyên nghiệp, nhưng đến nay, kết quả vẫn chưa có gì khả quan" - bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết.

"Cái tôi trách nhiệm" của nhà thiết kế Việt Nam

Nói về sự thất bại của cuộc thi "Thiết kế lễ phục nhà nước" giai đoạn đầu, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng: Cuộc thi không đơn giản, nhưng, nếu như trách nhiệm của các NTK chuyên nghiệp được nâng cao thì rất có thể kết quả đã khác. Ông kể, trong số 13 NTK có uy tín được BTC "đặt hàng" sáng tác mẫu lễ phục, có 7 NTK sáng tạo độc lập, thể hiện ý tưởng trên bản vẽ và gửi về BTC. Tiếc rằng, các mẫu thiết kế này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. 6 NTK còn lại đề nghị được làm việc theo nhóm, nói rằng họ sẽ thể hiện mẫu thiết kế bằng trang phục thật chứ không phải qua bản vẽ để có thể chuyển tải ý tưởng một cách trọn vẹn, BTC cũng đồng ý. Nhưng, khi nhóm này thực hiện xong thì bắt đầu ra "tối hậu thư", yêu cầu BTC công nhận họ là những người thiết kế mẫu lễ phục nhà nước và chỉ có họ mới được tham gia. "Cuộc thi này nhằm tìm kiếm, tuyển chọn các mẫu thiết kế lễ phục phù hợp với yêu cầu đặt ra chứ không phải là để tuyển chọn NTK, vì thế, BTC đành cảm ơn các NTK nói trên chứ không thể chấp nhận yêu cầu của họ. Hiện nay, BTC tiếp tục đặt hàng một số NTK đã tham gia cuộc thi, tiếp tục phát động sáng tác đến các NTK có chuyên môn, rõ trách nhiệm xã hội. Tính đến ngày 11-4, BTC đã nhận được văn bản của 3 NTK xác nhận tham gia cuộc thi" - ông Vi Kiến Thành nói.

Cho rằng các NTK Việt Nam có thế mạnh về thiết kế trình diễn hơn là ứng dụng, trong khi mẫu lễ phục đòi hỏi tính ứng dụng cao, nhiều ý kiến đề nghị BTC cuộc thi nên mời các NTK nước ngoài tham gia. Về vấn đề này, ông Vi Kiến Thành khẳng định, không ai có thể hiểu truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam hơn chính người Việt và bởi thế, trước mắt, BTC kêu gọi trách nhiệm công dân của các NTK trong nước. Sau một khoảng thời gian nữa, nếu cuộc thi dành cho các NTK trong nước không cho kết quả như mong muốn thì BTC sẽ báo cáo với Bộ VH-TT&DL để quyết định.

Là nguời được mời tham gia thiết kế mẫu lễ phục trong giai đoạn tiếp theo, NTK Xuân Thu cho biết, chị sẽ sáng tác với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Dưới góc độ quản lý, ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh, việc tìm kiếm mẫu lễ phục nhà nước là cần thiết. "Tham dự sự kiện nào, đi họp ở đâu chúng tôi cũng nhận được những câu hỏi về lễ phục. Mọi người đều ủng hộ ý tưởng sáng tác lễ phục nhà nước. Tất nhiên, đã là lễ phục quốc gia thì phải mang tính biểu tượng văn hóa, tính thời đại và bản sắc dân tộc, nhưng cũng không nên quá cầu toàn", ông Hồ Anh Tuấn nói.

Như vậy, chặng đường tìm kiếm mẫu lễ phục nhà nước có đi đến đích được hay không phụ thuộc rất lớn vào tâm thế, khả năng của các NTK Việt và sự quyết đoán của BTC cuộc thi "Thiết kế lễ phục nhà nước" cũng như Hội đồng tuyển chọn.

Minh Ngọc