Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sởi
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:06, 18/04/2014
Nguồn: Internet |
Tại buổi phỏng vấn trực tuyến về diễn biến bệnh sởi do một báo điện tử tổ chức sáng 18/4, PGS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã chia sẻ một số dấu hiệu chính về bệnh sởi để các bậc cha mẹ nhận biết về bệnh này.
Đó là: Trẻ sốt cao, thường là 39-40 độ, kèm theo mắt kèm nhèm, ho nhiều, ho khan, chảy nước mũi, thậm chí có tiêu chảy phân lỏng 1-2 lần trong ngày; đến ngày thứ 3 của sốt sẽ thấy ban sởi mọc, thông thường bắt đầu mọc theo thứ tự ở vùng sau tai, trán, mặt, lan dần xuống cổ, thân mình và chân tay.
Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện bệnh như sốt, ho hoặc có dấu hiệu bất thường khác, PGS Bùi Vũ Huy khuyên các bậc cha mẹ nên đưa các cháu đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ khám và tư vấn đầy đủ.
Theo PGS Bùi Vũ Huy, để phòng chống bệnh, các bậc cha mẹ cần cần tránh tụ họp, tránh chỗ đông người và người lớn mỗi khi về nhà cần vệ sinh cơ thể, răng miệng trước khi chăm sóc trẻ, để tránh tình trạng mang vi khuẩn virus trong môi trường về cho các cháu, vì sởi là bệnh lây truyền qua đường hô hấp; thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của các cháu để phát hiện kịp thời các biểu hiện bệnh, để đưa đi khám; không nên cho trẻ đến những chỗ tập trung đông người khi không cần thiết; không cho trẻ tiếp xúc với trẻ ốm nói chung, đặc biệt không cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân sởi hoặc nghi mắc sởi; người chăm sóc trẻ cũng không nên tiếp xúc với trẻ đang bị bệnh sởi hoặc nghi sởi (nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sau đó cần thay quần áo tắm rửa sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ); người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi bế ẵm, chăm sóc trẻ; đảm bảo vệ sinh và chăm sóc dinh dưỡng tốt cho trẻ. Khi trẻ đủ 9 tháng, cần cho đi tiêm vắc xin sởi đúng lịch.
Hiện nay, với bệnh sởi đã có vắcxin phòng rất đặc hiệu. “Vì vậy các bậc cha mẹ cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ hai mũi theo khuyến cáo của ngành y tế vì nếu các cháu được tiêm đầy đủ hai mũi sẽ có tác dụng phòng bệnh một cách chắc chắn”- PGS Bùi Vũ Huy đưa ra lời khuyên.
Cũng tại buổi phỏng vấn trực tuyến này, PGS.TS, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, hiện nay tại Hà Nội đã có 1.062 trường hợp mắc sởi ở 26 quận, huyện. Dịch không tập trung mà mà rải rác, do Hà Nội có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Trước băn khoăn về việc có trẻ tiêm vắc xin rồi vẫn bị sởi, PGS.TS Trần Đắc Phu giải thích, vắc xin sởi là một trong những vắc xin có hiệu lực cao nhất, nhưng chỉ đạt hiệu lực khoảng 90%. Vì vậy, trong số 100 trẻ được tiêm, sẽ có một số trẻ tiêm rồi vẫn có khả năng mắc bệnh. Điều này phụ thuộc vào hiệu lực của văc xin và sự đáp ứng miễn dịch của trẻ.
Do đó, hiện nay ở Việt Nam tổ chức tiêm chủng sởi cho trẻ 2 mũi vào lúc trẻ 18 tháng tuổi, thay vì chỉ một mũi lúc 9 tháng tuổi như trước kia. Vì trước kia không có điều kiện nên chỉ tiêm một mũi đối với vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với vác xin MR (sởi và rubela), mũi một lúc 1 tuổi và mũi nhắc lại lúc 4-6 tuổi để củng cố miễn dịch cho trẻ.