Nâng cao năng lực doanh nghiệp trong vùng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:58, 18/04/2014
Vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp thành phố
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2013 có 69 dự án với tổng số vốn gần 10.000 tỷ đồng do doanh nghiệp (DN) thành phố đầu tư hoặc liên kết đầu tư sản xuất chăn nuôi và hệ thống phân phối trực tiếp (trong đó ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, làm trang trại rau sạch khoảng 2.500 tỷ đồng). DN thành phố cũng đã cung ứng hàng hóa giá trị hơn 5.700 tỷ đồng đến các địa phương và các địa phương cũng đã cung cấp hàng hóa cho chương trình bình ổn giá của thành phố với giá trị hàng hóa gần 9.500 tỷ đồng. Cụ thể, Liên hiệp HTX thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đầu tư nhiều siêu thị ở các địa phương và ký kết tiêu thụ sản phẩm, hợp tác sản xuất nhãn hàng riêng với 104 nhà cung cấp. Các công ty Vissan, Phạm Tôn, Ba Huân… đều liên kết đầu tư các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các địa phương theo mô hình 3 bên: Trang trại - cung ứng đầu vào - bao tiêu sản phẩm. Tính đến nay, chỉ riêng trong chương trình bình ổn đã có 23 DN đầu tư 38 nhà máy, cơ sở sản xuất; 54 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng; 53 siêu thị, trung tâm thương mại; 55 cửa hàng chuyên doanh với tổng số vốn hơn 14.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp tỉnh Bến Tre trưng bày hàng hóa trong hội chợ kết nối tại TP Hồ Chí Minh. |
Quan trọng hơn, sự hợp tác liên kết của các DN TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ rất nhiều cho DN và cơ sở sản xuất ở các tỉnh. Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, từ khi có sự hợp tác thì năng lực sản xuất của các DN của tỉnh tăng lên rất nhiều và người sản xuất ở Đồng Tháp cũng hết "bơ vơ". Theo ông Hoan, thông qua sự dẫn dắt của các DN ở TP Hồ Chí Minh, người sản xuất ở Đồng Tháp đã sản xuất theo chuẩn mực để có thể tiêu thụ hàng hóa trong siêu thị, từ đó thay dần tập quán sản xuất lạc hậu.
Ông Đặng Văn Lớp, Giám đốc Sở Công thương Long An cho rằng, tỉnh này được hưởng lợi từ chương trình hợp tác thương mại và bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh. Các chương trình này tạo điều kiện thuận lợi để Long An tiêu thụ nông sản và giúp nông dân địa phương này ổn định đầu ra với giá cả hợp lý.
Sẽ hỗ trợ lãi suất cho DN có nguồn hàng
Đánh giá kết quả của chương trình liên kết, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng, cho rằng đã đạt được những kết quả tích cực nhưng chưa xứng với tiềm năng của các địa phương trong vùng. Bà Hồng cho biết, trong năm 2014 sẽ đẩy mạnh công tác kết nối cung - cầu hàng hóa; hỗ trợ và khuyến khích DN TP Hồ Chí Minh ứng vốn đầu tư cho sản xuất và bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của DN các địa phương để tạo ra giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Cùng với đó là tìm hiểu chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của các địa phương để giới thiệu DN của thành phố mở rộng đầu tư xây dựng nhà máy, chuồng trại, phát triển mạng lưới phân phối...
Để chương trình liên kết đạt hiệu quả cao hơn, ông Lê Minh Hoan kiến nghị, trong năm 2014 TP Hồ Chí Minh hỗ trợ nhiều hơn nữa thông tin về thị trường để tránh câu chuyện người nông dân sản xuất theo thói quen, đám đông. Bên cạnh đó liên kết chặt chẽ hơn, đầu tư trọn gói cho vùng sản xuất thay vì chủ yếu ký hợp đồng và bao tiêu như hiện tại để tạo ra chuỗi hàng hóa từ đầu vào đến đầu ra, hướng tới sản phẩm chất lượng hơn.
Theo bà Lê Ngọc Đào, năm nay các ngân hàng đã cam kết cho vay lãi suất ưu đãi, trong chương trình bình ổn giá của thành phố cũng cam kết sẽ có nguồn vốn ưu đãi cho DN có nguồn hàng bình ổn cung ứng cho thành phố. Cụ thể, trong tổng số vốn 8.300 tỷ đồng được các ngân hàng cam kết cho các DN bình ổn giá vay trong năm nay, có 2.800 tỷ đồng là vốn vay ngắn hạn với lãi suất 5,5 - 6%/năm; 2.150 tỷ đồng vốn vay trung, dài hạn để phát triển chuồng trại, vùng nguyên liệu… (tăng 1.050 tỷ đồng so với năm ngoái) với lãi suất từ 7% đến 10%. Phần còn lại là 3.350 tỷ đồng được các ngân hàng đăng ký cho các DN sản xuất, hợp tác xã, hệ thống phân phối tham gia chuỗi cung ứng hàng bình ổn vay với lãi suất 7 - 8%/năm. Như vậy, các DN ở tỉnh có nguồn hàng cung ứng cho chương trình bình ổn giá cũng được vay lãi suất ưu đãi này để phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh.